KỸ NĂNG KHÁM PHÁ BẢN THÂN

Kỹ năng khám phá bản thân

Vì sao Edison lại là một nhà khoa học với 1.907 phát minh sáng chế mà không phải là một nhà văn? Vì sao Bill Gates trở thành ông chủ của tập đoàn Microsoft khổng lồ mà không phải là đầu bếp? Vì sao Linh Nga là một nghệ sĩ múa được yêu thích mà không phải là một bác sĩ? Còn bạn, bạn có thể là một người như thế nào đó đặc biệt hơn không?

Đây là bảo bối đầu tiên cần bỏ vào chiếc giỏ Kỹ năng sống

Để thành công, đầu tiên bạn phải hiểu mình là người như thế nào. Nếu biết mình là một chú lạc đà, có bứu để trữ nước, có chân dài để đi bộ, có lông mi để che chắn bão cát…thì ắt hẳn chú sẽ chọn sống trên sa mạc hơn là thích thú an phận trong sở thú. Nếu biết mình là một chú chim với đôi cánh khỏe mạnh cùng thân hình nhẹ nhàng, ắt hẳn bạn sẽ muốn sống tự do trên bầu trời thay vì khoái chí vì mình đã tìm được một chiếc lồng thật đẹp. Khi không biết mình là ai, có tiềm năng gì, người ta sẽ cam chịu với số phận hiện tại và nghĩ rằng: “thế là đủ”. Tuy nhiên, hiểu được bản thân thì bạn sẽ làm được nhiều hơn những gì bạn nghĩ.

Kỹ năng khám phá bản thân

Việt Nam có một loại dừa rất đặt biệt tên là dừa sáp, nó chỉ có thể cho ra loại dừa này nếu sống tại khu vực Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) và không thể cho ra loại quả sáp đó  nếu mọc trên những vùng đất khác. Ai trong đời cũng có ước mơ, nhưng ước mơ ấy chỉ là hạt giống. Muốn nó đâm mầm nảy nở, bạn phải tìm ra mảnh đất phù hợp với nó. Để làm được điều đó, bạn phải hiểu mình là “loại dừa nào”, để biết mảnh đất sống của mình là ở đâu. Nếu không, bạn sẽ loay hoay mãi giữa trăm phương nghìn nẻo của cuộc đời này.

Một đầu bếp nổi tiếng trên chương trình tivi đã bảo rằng, để có một món ăn ngon, bạn phải nêm nếm trong quá trình chế biến. Nếu món ăn thiếu đậm đà, ta nên thêm ít muối, nếu món ăn thừa ngọt, ta nên tránh thêm đường. Hiểu rằng mình đang thiếu gì, thừa gì, sẽ giúp bạn hoàn thiện bản thân mình. Nếu không, thêm vào cái mình đã dư trong khi điều mình thiếu vẫn hoài khiếm khuyết. Muốn bù khuyết, phát huy ưu, phát triển bản thân, trước tiên bạn phải hiểu về chính mình.

5 chiếc dao để “mổ xẻ” bản thân?

Cách 1: “Soi gương”

Mỗi người xung quanh là một chiếc gương để bạn tự soi vào. So sánh với những người khách là một cách để bạn nhận ra mình đang cao hay thấp, trắng hay đen, giỏi chỗ nào và dở chỗ nào.

Cách 2: Lắng nghe

Rất nhiều những đặc điểm mà khi bạn bộc lộ, mọi người sẽ nhận thấy nó. Do đó, những lời nhận xét từ bố mẹ, thầy cô và bè bạn là nguồn thông tin tham khảo đắt giá để bạn hiểu chính mình hơn.

Cách 3: Nội quan (tự quan sát bên trong)

Nhà trường có thể dạy bạn nhiều thứ bên ngoài như Toán, Sinh, Vật lý, Lịch sử… nhưng lại không có môn học nào để bạn tìm hiểu về chính mình. Khó khi nào một anh chàng thanh niên, một bạn tuổi teen lại chịu ngồi im hàng giờ để suy nghĩ về mình, đó chính là khuyết điểm lớn của tuổi trẻ. Hãy dành thời gian để trả lời những câu hỏi sau, bạn có thể mất vài phút hoặc vài giờ cho một câu hỏi. Tuy nhiên đừng nản chí, cứ xem đó là một bài thi tốt nghiệp cho môn « Khám phá bản thân » mà điểm của nó sẽ ghi lên « Giấy chứng nhận làm người » của mình.

Hãy kể ra ít nhất 60 điểm mạnh của bạn.

+ 20 đặc điểm về hình dáng bên ngoài mà bạn cho là đẹp (đừng nghĩ rằng 20 là quá nhiều nhé, chính những đặc điểm càng về sau lại là những điểm mà bạn chưa bao giờ nghĩ tới. Nếu có thể, hãy vượt trên cái mốc 20 này, bạn sẽ thấy thêm những điểm mà có thể chưa ai nhìn thấy)

+ 20 điểm tính cách khiến cho người khác yêu thích bạn

+ 20 điểm khả năng/sở trường của bạn

Hãy kể ra ít nhất 60 điểm hạn chế của bạn.

+ 20 đặc điểm về hình dáng bên ngoài mà bạn cho là xấu

+ 20 điểm tính cách khiến cho người khác ghét bạn

+ 20 khả năng/sở trường mà bạn rất kém

–          Hãy kể ra 30 điều bạn thích và 30 điều bạn ghét

–          10 hoàn cảnh khiến bạn tự tin và 10 hoàn cảnh làm cho bạn sợ hãi

–          Bạn muốn trở thành một người như thế nào? (về nghề nghiệp, gia đình, con cái, thu nhập, lối sống, bạn bè)

–          Bạn hoàn toàn có thể tự đặt ra thêm những câu hỏi có ý nghĩa với mình và hãy tự hoàn thành chúng.

Cách 4. Thực hiện các trắc nghiệm tâm lý

Mỗi bài trắc nghiệm tâm lý có thể xác định một nét tính cách của bạn hay một khả năng nào đó mà bạn đang có. Hãy gặp các chuyên viên tâm lý để có những trắc nghiệm này. Cẩn thận khi sử dụng các trắc nghiệm vui trên báo hoặc internet vì chúng chỉ mang tính chất giải trí.

Cách 5  – Phương pháp hiệu quả nhất : “Bung” mình trong các hoạt động

Th.Tr (sinh viên năm nhất) bất ngờ khám phá ra rằng mình nấu ăn khá tốt khi đăng kí một lớp học nấu ăn ở nhà văn hóa. H.C (học sinh lớp 12) rất vui sướng khi nhận ra rằng mình cũng có khiếu ăn nói trước công chúng sau một lần « liều mình » làm MC cho chương trình văn nghệ của lớp. K.D (học sinh lớp 10) nhận ra khả năng viết lách của mình « hơi bị được » khi chị biên tập nức nở khen trong một lần thử viết bài cộng tác gửi về cho báo.

Khi tham gia vào một hoạt động, bạn sẽ bung khả năng và tính cách tương ứng với hoạt động đó. Vì vậy, càng thử thách mình qua nhiều hoạt động khác nhau, các que diêm lần lượt được thử lửa và bạn sẽ khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của mình. Xem các bài viết hay để học kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

Hãy xem, có biết bao người đã xây dựng nên tên tuổi nhờ một lần tình cờ nào đó phát hiện ra khả năng tiềm ẩn. Tình cờ « hát chơi » trong một show chụp hình quảng cáo mà Noo Phước Thịnh đã được anh Tuấn Khanh phát hiện và Noo bước ngoặt sang nghề ca sĩ, nhờ « làm thêm »  bằng công việc phụ bếp cho một nhà hàng tại Hong Kong năm 13 tuổi mà ẩm thực thế giới có Yan Can Cook ngày nay… Cũng nhờ những lần tình cờ tương tự như thế mà biết bao doanh nhân, nhà giáo, nhà khoa học, chính trị gia, diễn giả, chuyên viên…đã phát hiện ra khả năng của mình và « bén duyên với nghề ».

Bài tập của bạn : Hãy liệt kê tất cả những hoạt động nào bạn có thể tham gia:

+ Ở trường ?

+ Tại nhà ?

+ Ngoài xã hội ? (các nhà văn hóa, trung tâm kỹ năng sống, các lớp năng khiếu, các câu lạc bộ, những tổ chức đoàn thể…)

Đừng từ chối những cơ hội để bạn thử sức mình như: những cuộc thi trong lớp, những hoạt động ngoại khóa trong trường, một cuộc thi trên báo, một mùa hè đi làm tình nguyện… Tham gia càng nhiều hoạt động, bạn sẽ càng hiểu mình hơn.

Hãy tưởng tượng bản thân bạn là một hộp diêm với các que diêm bên trong. Làm sao để biết mình có những que nào và que nào cháy tốt nhất? Hãy chui ra khỏi vỏ ốc của mình và hoạt động để cọ xát chúng, bạn sẽ biết ngay thôi!

Theo: THS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU

Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm Tp.HCM

M.Phụng – Admin

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng