TRẠI HÈ 2024: CẦN THƠ – AN GIANG |
– – – – – – – – – – –
SẮC MÀU MIỀN TÂY
Trần Ngọc Nhã Chi – Tiểu trại phó Tiểu trại 3 (Nhân Ái)
“…Rất lâu thật lâu đến mãi sau này,
Nhìn về lúc ấy vẫn thấy nhớ thương,
Vì đã sống hết phút giây với trái tim nồng say”
(Bài hát “Hương mùa hè” – Suni Hạ Linh x Hoàng Dũng)
Vậy là một mùa hè nữa lại trôi qua, trại hè Sao Bắc Đẩu năm 2024 tại quê hương miền Tây cũng đã kết thúc. Nhanh ha! Mới ngày nào còn rục rịch những công tác chuẩn bị đầu tiên, như phân chia thành viên cho từng tiểu trại, họp trại, tập băng reo, nhảy múa, rồi đến 5 ngày 4 đêm tại Châu Đốc – An Giang với lịch trình hoạt động dày đặc… Tất cả giờ chỉ còn là những mảnh ký ức rất đẹp trong lòng mỗi trại sinh. Nhắc về “Hành trình trên đất phù sa”, điều gì để lại cho bạn ấn tượng mạnh mẽ nhất? Riêng với tôi, đó là sắc màu của Đêm hội văn hoá – một thứ sắc màu rất riêng, rất chất, rất miền Tây. Nào, hãy cùng nhau nhìn lại bức tranh đa sắc độc đáo ngày hôm ấy nhé!
“Dịu dàng chiếc áo bà ba
Đâu thua em mặc lụa là gấm nhung
Nhìn xem má đỏ thẹn thùng
Áo bà ba mặc hình dung trang đài
Chiều chiều dạo bước khoan thai
Đơn sơ tà áo nút cài khuy đơn
Gió lay tà áo chập chờn
Em cười e thẹn yêu hơn lúc nào…”
(Bài thơ “Áo bà ba” – Thanh Hùng)
Nhắc đến miền Tây là nhắc đến những chiếc áo bà ba tuy chân phương, bình dị mà thanh thoát, yêu kiều. Áo bà ba không đơn thuần là trang phục truyền thống mà còn là nét duyên quê, vẻ đẹp tâm hồn và tinh hoa mộc mạc của người dân miền Tây Nam Bộ. Thật là một trải nghiệm thú vị cho các trại sinh Sao Bắc Đẩu năm nay khi được khoác lên mình trang phục bà ba cùng chiếc khăn rằn và nón tai bèo. Bộ cánh như biến mỗi cá nhân thành một người nông dân miền Tây thực thụ, và trong không gian đầy tính nghệ thuật của Đêm hội văn hoá, điều ấy càng được thể hiện rõ nét. Ngoài hình dáng của chiếc “áo ôm vai liền”, “tay dài kín đáo”, “xẻ tà lắc lay”, ta cũng có dịp được chiêm ngưỡng những vật dụng cổ động độc đáo của từng tiểu trại, nào là chất liệu dân dã như gáo dừa và phách gỗ, nào là vật liệu tái chế như chai nước và thanh đập nhiều màu. Mỗi tiểu trại đã thể hiện được thương hiệu riêng của mình, nhưng khi hoà vào cùng nhau, đó là một tập thể với sự thống nhất cao, và trang phục bà ba đã giúp chúng ta làm được điều này. Ở đây không hề có quy định về màu sắc, kích cỡ, chất liệu… mà mỗi trại sinh được tự do thể hiện phong cách, cá tính của riêng mình. Những bạn có tính cách nhu mì, dịu dàng thường ưa chuộng tông màu trắng, kem, hồng phấn, vàng nhạt… Những bạn trầm lặng, đơn giản hơn lại lựa chọn các gam màu trung tính như đen, nâu, xám… Những bạn phá cách, nổi bật thì không ngần ngại mà chọn ngay màu đỏ, tím, xanh lá mạ, hồng cánh sen… Mặc dù mang lại sự đoàn kết và đồng điệu về tinh thần cho toàn trại, nhưng chiếc áo của mỗi người lại là sự phù hợp riêng cho chính người đó.
Điểm nhấn cho bức tranh Đêm hội văn hoá không thể thiếu những tiết mục văn nghệ, mà nổi bật nhất phải kể đến tiết mục cổ động “Mashup Lý ngựa ô & Ngựa ô thương nhớ”. Từ nhỏ tôi đã được nghe ông nội say sưa ngân nga ca khúc “Lý ngựa ô” (Dân ca Nam Bộ) mỗi ngày:
“Khớp con ngựa ngựa ô
Khớp con ngựa ngựa ô
Ngựa ô anh khớp, anh khớp cái kiệu vàng (ứ ư ừ ứ ư)
Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen,
Búp sen lá dặm, dây cương nhuộm thắm,
Cán roi anh bịt đồng thoà…”
Với ca khúc “Ngựa ô thương nhớ” (Trần Tiến), đây là một nhạc phẩm có tuyến giai điệu đẹp, hồn dân tộc cũng được truyền tải khéo léo và đầy chất thơ:
“Đêm phương Nam nằm nghe dòng sông nước chảy
Nghe một tiếng ầu ơ nửa đêm bão giông
Đêm phương Nam nằm nghe đường xa vó ngựa
Nghe từ thuở hồng hoang ngựa qua bến sông…”
Sự kết hợp giữa hai ca khúc đã tạo ra cho người nghe cảm giác vừa quen thuộc của những giai điệu vượt thời gian, vừa lạ lẫm nhờ vào bản phối mới bắt tai. Điều làm nên sự đặc biệt cho phần thi cổ động chính là việc bốn tiểu trại thực hiện bài nhảy cùng một lúc trên một sân khấu dàn trải. Phiên bản của Tiểu trại 1 (Thân Thiện) có phần đằm thắm, thướt tha như người thiếu nữ e thẹn, nhưng cũng đầy sự dứt khoát, khoẻ khoắn của các chàng trai. Phần thể hiện của Tiểu trại 2 (Hiền Hoà) toát lên sự phóng khoáng, tự do, khắc hoạ hình ảnh ngựa phi vô cùng mạnh mẽ và tốc độ. Ở Tiểu trại 3 (Nhân Ái) lại thể hiện sự sôi động, hoang dã của ngựa ô với thần thái đỉnh cao xuyên suốt màn trình diễn. Với Tiểu trại 4 (Nghĩa Tình), các bạn đã cháy hết mình với nguồn năng lượng bùng nổ, động tác hiện đại và tinh thần tươi trẻ, là biểu tượng cho những chú ngựa phi nước đại. Yếu tố âm nhạc cộng thêm sức nhiệt của các đội đã làm hưng phấn tâm trạng của khán giả ngồi bên dưới và đốt cháy hoàn toàn sân khấu ngày hôm ấy. Ngay cả Ban Giám khảo cũng phải nhún nhảy theo những nhịp “Khớp… Khớp…” rộn ràng và lắc lư theo những câu hát “Ứ ư ừ ứ ư… Á a à á a…” đặc trưng. Tôi còn nhớ chuỗi ngày mới bắt đầu luyện tập, phần lớn các bạn nhỏ đã thắc mắc “Chị ơi, sao bài này nghe nó lạ lạ, em không hiểu gì hết”, vậy mà đến Đêm hội văn hoá lại nhiệt tình hát theo để cổ vũ cho các bạn mình. Và tin được không, trên hành trình từ An Giang về lại Sài Gòn, các bạn của Tiểu trại 3 thường xuyên yêu cầu các anh chị Ban Quản trại hát tặng bài hát ấy, thậm chí còn “nhắc lời” rất nhiệt tình! Chưa bao giờ tôi thấy trong một kỳ trại mà tất cả mọi người từ già, trẻ, gái, trai đều hoà chung những ca khúc mang đậm nét văn hoá dân gian dân tộc như vậy. Có thể thấy, âm nhạc đã góp phần truyền tải tình yêu nước, yêu quê hương một cách vô cùng hiệu quả.
Đến với phần thi ca múa nhạc, rất nhiều những hình ảnh tái hiện cảnh làng quê, đồng lúa, anh nông dân, cậu bé chăn trâu, cô bán bánh, những tiểu thương ở chợ nổi với những đặc sản như trái cây, bánh kẹo… được các tiểu trại mang lên sân khấu một cách mượt mà. Tiết mục “Miền Tây quê tôi” của Tiểu trại 1 gây thích thú với những loại trái cây như nho, dừa, thơm… và thành công khi mô phỏng chiếc cầu khỉ chênh vênh: các bạn nam khuỵu gối để làm điểm tựa nâng đỡ cho bạn nữ đi qua. Tiểu trại 2 với tiết mục “Bài ngợi ca quê hương” thì sử dụng những chất liệu độc đáo, mang đậm tính nghệ thuật, sân khấu và sáng tạo để tái hiện những đống rơm, cầu ván gỗ… Ở Tiểu trại 3, tiết mục “Bài ca đất phương Nam” đem đến sự ấn tượng bởi hình ảnh anh mục đồng và chú trâu tinh nghịch, khung cảnh chợ sống động với màn hoá thân đến từ phụ huynh và thủ lĩnh, và cô gái bán bánh rất dễ thương, duyên dáng. Với tiết mục “Anh Ba Khía”, Tiểu trại 4 tạo ra một hoạt cảnh đầy ngộ nghĩnh và vui nhộn giữa anh Ba Khía tốt bụng và các chàng trai, cô gái trong xóm làng. Nhờ không gian rộng lớn của sân khấu, các đội không lo thiếu đất diễn mà thoả sức bung xoã để thể hiện được hết tinh thần của tiểu trại và câu chuyện nhân văn đằng sau các tiết mục.
Một phần thi không thể thiếu và có thể nói là thương hiệu của Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu trong những năm trở lại đây chính là những vũ điệu đường phố với các thông điệp “Niềm vui cuộc sống”, “Khát vọng hoà bình và sự bình yên”, “Tình bạn – Tình bạn đẹp mãi mãi” và “Ước mơ vươn cao và bay xa”. Những vũ điệu đã quá đỗi quen thuộc với các bạn nhỏ trên sân sinh hoạt, nay có thêm nhịp điệu Chachacha, Twist và cả Lâm Thôn – điệu múa dân gian trong đời sống của người Khơ-me. Điệu múa như là điểm nhấn trung hoà cho đêm hội khi các điệu nhảy kia đã quá sôi động, quá máu lửa. Khi nhịp trống và giọng hát say sưa vang lên theo điệu nhạc, từng đôi trai gái, già trẻ cùng uyển chuyển hoà mình vào điệu múa tập thể vô cùng mềm mại và duyên dáng. Đây là một hạng mục độc đáo mà có lẽ không thể tìm thấy ở các kỳ trại khác bởi nó là nét đẹp riêng của miền Tây Nam Bộ, và cũng là phần thi đề cao hơn cả những cử chỉ, nụ cười và ánh mắt trao nhau khi biểu diễn.
Với chủ đề “Sắc màu miền Tây”, phần thi thời trang năm nay rất được trông đợi. Khác với suy đoán ban đầu của nhiều người rằng chỉ đơn thuần là những bộ bà ba với các phụ kiện kèm theo, năm nay có lẽ là năm đặc biệt nhất, độc đáo nhất khi các tiểu trại đều thể hiện được chất riêng không hề đụng hàng. Ở Tiểu trại 1, trái cây được biến hoá khổng lồ, dễ thương từ các chất liệu như bong bóng, giấy xốp…, ngoài ra còn có bóng dáng của chiếc xuồng be bé và những con vật ngộ nghĩnh như trâu, ba khía… Tiểu trại 2 gây bất ngờ bởi sự hoành tráng, chuyên nghiệp và phong cách thiết kế như bước ra từ những cuộc thi sắc đẹp thực thụ. Các bạn mang đến những địa danh nổi tiếng và đặc sản gắn liền như Chùa Bánh Xèo (bánh xèo), Chợ Nổi (bún mắm, hủ tiếu, cà phê, bánh mì, bánh bò thốt nốt), Mũi Cà Mau (bánh phồng tôm), Chợ Châu Đốc (khô mắm) và Chợ Cần Thơ (bánh tét lá cẩm). Với Tiểu trại 3, khung cảnh làng quê dần hiện ra với sự xuất hiện của những em bé nhà nông cầm trên tay con diều, những cô thôn nữ bên những ngọn lúa vàng, đôi bạn với quang gánh nặng trĩu đang hỏi thăm nhau sau một ngày lao động, những chàng trai với cuốc, xẻng, nơm cá đang làm việc hăng say và mẹ con bà Hội đồng cùng chú trâu đi dạo trên đường làng. Tiểu trại 4 thì khai thác một đề tài mới lạ với các loài hoa của miền Tây như hoa sen, bèo cái, lục bình, trạng nguyên, dâm bụt, rau muống, dừa nước. Mỗi tiểu trại một vẻ, không đội nào giống đội nào, nhưng chung quy lại đã tạo ra một không gian thật đúng với tinh thần “Sắc màu miền Tây”.
Thông thường, lửa trại sẽ là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong mỗi kỳ trại. Vậy nhưng năm nay chưa cần chờ đến lúc ngọn lửa bùng lên, pháo hoa tung bay mà ta đã có thể cảm nhận được sức nóng, sức nhiệt của tất cả mọi người. Các bạn hò hét, cổ vũ nhiệt tình và không quên hát theo những giai điệu của quê hương. Đây chắc chắn sẽ là một đêm trọn vẹn với tất cả trại sinh vì sự độc đáo, đặc sắc của nó và hơn hết là đã quảng bá rộng rãi cho văn hoá miền Tây. Chắc hẳn các bạn đã phải nghiên cứu rất kỹ để có thể mang lại những tiết mục nhảy múa, thời trang nhiều màu sắc đến thế. Đây là một trong những thành công của Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu trong nhiệm vụ gắn liền “Học mà chơi – Chơi mà học” trong các hoạt động của mình. Qua đó cũng đã khẳng định năng lực sáng tạo, thích tìm tòi, học hỏi, độ chịu chơi, sự “chất” của lực lượng thủ lĩnh trẻ và sự nhiệt tình, hăng hái đến từ các trại sinh và quý phụ huynh. Xin chúc mừng cho một kỳ trại quá đỗi thành công, và cùng hẹn gặp lại tại Trại Huấn luyện và Nâng bậc lần XVIII năm 2025 tại một bãi biển xinh đẹp của Việt Nam!