Áo mới: Với người già, tấm khăn nhung, mảnh vải đẹp là món quà ý nghĩa. Các cụ ngày xưa tiết kiệm cả năm, mỗi dịp lễ lạt mới dám mang áo mới ra mặc. Qua món quà này, con cháu muốn cầu chúc ông bà luôn mạnh khỏe.
Gà trống: Tượng trưng cho những đức tính cao đẹp như vũ (oai phong, lẫm liệt), nhân (khi kiếm được thức ăn luôn gọi bầy), tín (ngày nào cũng gáy đúng giờ). Khi tặng gà trống, người con muốn thể hiện sự kính trọng và khẳng định cha mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc cho mình. Nhiều anh con rể, qua món quà này cũng muốn thể hiện mình là một người đứng đắn, anh chồng tốt, xứng đáng để con gái các cụ trao thân, gửi phận.
Cành đào: Mọi người thường biếu cành đào để chưng ngày Tết và trừ ma quỷ. Chuyện kể rằng, cây đào là nơi trú ngụ của hai vị thần cai quản lũ quỷ. Khi ma quỷ đến phá phách nhà cửa, người dân chỉ cần chưng cành đào, chúng sẽ sợ mất vía và dạt ra xa.
Gạo mới: Tùy từng nơi, người dân quê thường đem dăm cân nếp hoặc gạo tám thơm mới gặt để bố mẹ thổi xôi, nấu cơm cúng năm mới. Con cái dâng những món quà này với mong muốn đền đáp công ơn của bậc sinh thành, để bố mẹ no đủ cả năm.
Bầu rượu: Người xưa hay đựng rượu trong quả bầu, sau này là bầu rượu bằng gốm. Người ta tặng nhau những bầu rượu ngon nhất, quý nhất bởi theo họ, đó chính là nơi chứa đựng tinh túy của trời đất. Bầu rượu sẽ đem đến sự sung túc, phồn vinh cho cả nhà trong năm mới. Ngày nay, bầu rượu đã được thay thế bằng chai rượu hiện đại, nhưng ý nghĩa vẫn không có gì thay đổi.
Bánh chưng: Hàng xóm láng giềng thân tình thường chọn vài cặp bánh chưng đẹp mang biếu nhau trước Tết. Bánh chưng biểu tượng cho đất, dùng để cúng tổ tiên, trời đất với hy vọng một năm mới đủ đầy.
Các món đồ có màu đỏ: Các món quà ngày xuân thường có màu sắc vui tươi. Không phải ngẫu nhiên màu đỏ được ưa chuộng trong dịp này. Đó là màu của bao lì xì, của mảnh hồng điều viết chữ phúc, chữ tâm… Đỏ còn là màu trang phục của các cụ thượng thọ ngày xưa. Sắc đỏ tượng trưng cho điều vui, may mắn, sự hanh thông.
Quả dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng thể hiện sự chân thành của người biếu, mong muốn gửi điều may mắn nhất cho nhau. Đó là lý do mọi người sẵn sàng trả nhiều tiền để chọn cặp dưa đỏ nhất, ngọt nhất.
Tranh: Trong dịp Tết, người ta cũng thường tặng nhau tranh dân gian. Bức tranh Đông Hồ có cảnh đàn gà con quây quần quanh mẹ là lời chúc bình an vô sự, con đàn cháu đống của người tặng. Bức tranh có đàn lợn béo thay lời chúc cuộc sống sung túc, đầy đủ cả năm. Bức “Vinh hoa” rất hợp tặng cho vợ chồng mới cưới, chúc họ sớm có con.
Dầu: Ở Nam bộ, người dân quê có khi tặng nhau chai dầu ăn thay lời chúc phát tài (dầu = giàu).
Chó: Có người còn tặng nhau những chú cún con xinh xắn, bởi họ cho rằng chó thường mang đến điều may. Tiếng sủa “gâu gâu” của chó nghe như chữ “giàu”. Qua món quà này, người ta còn mong muốn sự hợp tác lâu dài, làm ăn suôn sẻ.
Bánh kẹo, trà tết, giỏ quà tết: Trong ngày tết ở Việt Nam ngoài bánh trưng, cành đào, dưa hành … còn một thứ không thể thiếu đó là bánh kẹo, mứt tết, trà , thuốc…. Vì vậy những món quà như kẹo bánh hay trà tết cũng là một lựa chọn đã thành quen thuộc để tặng nhau nhân dịp xuân về. Và trong cuộc sống hiện đại thì những gói quà tết, hộp quà tết, lẵng quà tết, giỏ quà tết có đầy đủ các thứ bánh kẹo rượu trà đã được thiết kế sẵn rất tiện lợi.
Những món quà không nên tặng:
Theo tâm lý chung, người ta thường biếu nhau những món quà đẹp nhất, ý nghĩa nhất. Tất cả những gì xuất phát từ thành ý đều có thể biến thành quà tặng. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với một số vật tượng trưng cho điều không may. Nhiều người kiêng tặng đồ có màu đen hoặc màu trắng.
Đồng hồ: Đồng hồ tượng trưng cho thời gian nên khi nhận được món quà này, một số người sẽ nghĩ rằng thời gian của họ sắp hết. Theo tiếng Hoa, “đồng hồ” đọc là “zhong”, làm người ta liên tưởng đến cái chết, sự kết thúc.
Mèo: Đừng nên tặng mèo, dù chú mèo đó xinh xắn, dễ thương đi chăng nữa. Tiếng kêu của mèo dễ làm người ta liên tưởng đến chữ “nghèo”, điều xui xẻo.
Con mực: Đi chơi biển về, nhiều người hay gửi tặng bạn bè, người thân vài con khô mực để làm quà. Tuy nhiên, đừng nên tặng món ăn này vào dịp Tết vì nhiều người quan niệm, nhận mực sẽ bị đen đủi cả năm. Tương tự như vậy, nếu bạn tặng lọ mực, người ta sẽ nghĩ rằng bạn đang “trù ẻo” họ.
Dao, kéo: Người ta có thể tặng nhau bộ dao, nĩa sang trọng, nhưng vào ngày Tết, món quà này lại có thể mang đến điềm xui. Người xưa quan niệm dao kéo sẽ đem đến sự xung khắc.
Cho và nhận ngày xưa là một hành vi văn hóa, vậy nên cần “có văn hóa tặng quà” và “văn hóa nhận quà”. Người Việt Nam có tục cẩn thận trong mọi hành động, ứng xử vào ngày Tết để mang lại sự tốt lành, tránh bị “giông” suốt cả năm.
Theo thời gian, mức sống ngày càng cao hơn, nhiều loại bánh trái, quà cáp hiện đại đang dần thay thế những món quà truyền thống. Tuy nhiên, dù chọn quà gì, bạn hãy luôn tặng bằng tấm chân tình, không vụ lợi.
Người đăng: Nguyễn Thị Mỹ Phụng – Thủ lĩnh Sao Thủy