Đây là sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với nhân dân Việt Nam và thủ đô Hà Nội trước
thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tham dự kỳ họp lần thứ 34 Ủy ban di sản Thế giới, Đoàn đại biểu Việt
Nam có: bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó
Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; ông
Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng vụ văn hóa đối ngoại UNESCO, Bộ Ngoại giao;
ông Văn Nghĩa Dũng – Đại sứ trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam
bên cạnh UNESCO; ông Dương Nguyên Tường, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền
Việt Nam tại Brasil; bà Lê Thị Minh Lý, Cục phó Cục Di sản Văn hóa Bộ
Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm bảo
tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành:
Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đồng Nai.
Khu
Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội mang trong mình những giá trị
nổi bật toàn cầu bởi nơi đây, liên tục trong hơn một thiên niên kỷ là
nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật
kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng
cảnh quan hết sức độc đáo. Đây là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của
Việt Nam trong hơn một ngàn năm lịch sử và là minh chứng có một không
hai về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát
triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á. Khu Trung
tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là nơi ghi đậm dấu ấn những giá trị
biểu đạt văn hóa và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu. Những
giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận bởi 03 đặc điểm
nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa; Tính liên tục của tài sản với tư
cách là một trung tâm quyền lực, và Các tầng di tích di vật đa dạng,
phong phú.
Ủy
ban di sản Thế giới (WHC) công nhận khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng
Long là di sản văn hóa Thế giới dựa trên các tiêu chí sau. Thứ nhất:
những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Khu
Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá
trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn
hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của
văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô
hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây
(thành Vauban), đến từ Trung Hoa, Champa, Pháp, để tạo dựng nên những
nét độc đáo, sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của
một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn
hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, qui hoạch các khu cung
điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với
diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.
Thứ hai: khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng
duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông
Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến
ngay nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật
của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các
vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị,
hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. Trên
thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài
lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu Trung tâm
Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.
Thứ ba: khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội minh chứng rõ nét
về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch
sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực
và thế giới. Di sản đề cử là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả
năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô
hộ. Di sản đề cử còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa
trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc,
có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Từ năm 2006, được sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Trung ương, Chính
phủ, sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương (Bộ Văn hóa
Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Viện
Khoa học Xã hội Việt Nam…), sự quyết tâm cao và cố gắng nỗ lực, hiệu
quả của Thành phố Hà Nội, đặc biệt là sự tham gia rất nhiệt tình, tâm
huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế (các
chuyên gia Pháp, Úc, Nhật…), Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã
được bảo vệ, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và xây dựng hồ sơ đề
nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới. Hồ sơ được đăng ký từ
tháng 9/2008 và chính thức đệ trình UNESCO từ tháng 1/2009, được UNESCO
tiến hành các quy trình thẩm định chặt chẽ thông qua cơ quan tư vấn
IOCMOS, và đến nay đã được Ủy ban di sản thế giới (gồm 21 nước thành
viên) công nhận là di sản văn hóa Thế giới.
Việc
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa
Thế giới là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân nước Việt, là sự tri
ân công đức với các vị tổ tiên đã có công khai sáng, xây dựng và bồi
đắp giá trị lịch sử, văn hóa của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến;
là tài sản vô giá để lại cho muôn đời sau; cũng chính là tiềm năng, thế
mạnh để phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội Thủ đô và đất nước. Đồng
thời cũng đặt ra những nhiệm vụ và trách nhiệm to lớn của Thành phố Hà
Nội trong việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị của di sản,,
trước mắt cần tập trung tổ chức tốt việc đón nhân dân và du khách trong
nước, quốc tế đến tham quan di sản nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm
Thăng Long – Hà Nội.
Việc Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn
hóa Thế giới khẳng định những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, các Bộ:
Ngoại giao, Quốc phòng, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Viện Khoa học xã
hội Việt Nam, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, hàng trăm nhà khoa học,
nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia của UNESCO, chuyên gia: Pháp,
Nhật Bản, Úc, Anh…và đồng thời thể hiện sự quyết tâm lớn, nỗ lực cao
và các hoạt động hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân
Thủ đô Hà Nội.
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội bao gồm Khu Di tích khảo
cổ học 18 Hoàng Diệu và Thành cổ Hà Nội, tạo thành một di sản thống
nhất của vùng trung tâm, được bảo tồn tốt nhất và quan trọng bậc nhất
của Cấm thành Thăng Long, và trục trung tâm của thành Hà Nội.
Khu Di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu là minh chứng không thể phủ nhận
về một quần thể nền móng của các công trình kiến trúc phong phú, đa
dạng thuộc nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau bắt đầu từ thế kỷ
VII cho đến thế kỷ XIX, hiện diện bởi các di tích nền móng kiến trúc,
giếng nước, cống nước và dấu vết của các ao hồ, sông đào…
Thành cổ Hà Nội còn bảo tồn trên măt đất một số di tích của Cấm thành
Thăng Long thế kỷ XV như nền chính điện Kính Thiên với bậc thềm bằng đá
có lan can chạm đôi rồng 5 móng tạc năm 1467, cửa Đoan Môn và di tích
của thành Hà Nội thế kỷ XIX như Cửa Bắc, Kỳ Đài, cửa Hành cung. Những
thám sát khảo cổ học cho thấy tiềm năng di sản trong lòng đất rất lớn.
Trong thành cổ Hà Nội còn một số kiến trúc mang chức năng quân sự của
quân Pháp cuối thế kỷ XIX và Đại bản doanh của Quân đội nhân dân Việt
Nam trong cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất quốc gia những
năm 1954-1975.
Nguồn: http://thanglonghanoi.gov.vn