TÔI BIẾT CÓ 1 GIA ĐÌNH

Tôi biết có một gia đình……

Nguyễn Thị Mỹ Phụng

Thủ lĩnh Sao Thuỷ

Sự tài hoa của người cha….

Bạn bè a lô rủ
đi ăn kem: “Thôi, đang bận xíu việc ở nhà thầy rồi, khi khác nhé”. Cô gọi điện
thoại hỏi thăm  sao hôm nay không đến lớp
khiêu vũ: “Dạ em đi dạy với thầy ở tỉnh chưa về”.  Cô hỏi thầy nào vậy, thầy dạy trong trường à,
thầy dạy môn gì vậy? Tôi chỉ cười, thầy dạy em nhiều lắm cô à…

Bốn năm tôi biết
thầy đến nay, thầy đã dạy tôi rất nhiều điều. Thầy dạy tôi phải biết nỗ lực, phấn
đấu vươn lên trong công việc, dạy tôi phải thật tự tin, bản lĩnh trong công tác
giảng dạy. Thầy dạy tôi phải luôn chăm sóc và nuôi dưỡng giá trị tốt đẹp của
con người, dạy tôi hãy dùng cái tâm để đối nhân xử thế.Thầy dạy tôi phải biết định
hướng và xây dựng hoài bão cho mình. Thầy còn dạy tôi phải luôn tạo ra cơ hội
và khẳng định chính mình.Thầy dạy tôi nhiều hơn thế nữa, những điều tôi không
thể học được trong bất kỳ sách vở nào, những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhất….

 

Lần đầu gặp mặt,
suy nghĩ đầu tiên của tôi là thầy có vẻ nghiêm khắc nhưng lại rất vui tính.Sau
này, càng tiếp xúc nhiều với thầy và gia đình thầy, tôi thấy thầy rất thân thiện
và gần gũi. Đúng như vậy, tôi ngưỡng mộ cả tính cách của thầy trong công việc
và cuộc sống, việc nào đúng thầy sẵn sàng chấp hành nghiêm túc, việc nào sai thầy
sẵn sàng lập luận và phản biện. Với vai trò là Tổng trưởng Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu
và Trưởng khoa Kỹ năng Trường Đoàn Lý Tự Trọng, thầy luôn sẵn sàng chia sẻ và
giúp đỡ chúng tôi khi gặp khó khăn trong công tác.Mỗi sáng chủ nhật, thầy là
người đầu tiên có mặt ở sân rất sớm, thầy luôn vui vẻ, cười nói và động viên
các anh em. Thầy quan tâm hỏi thăm chúng tôi bằng những cái bắt tay, những cái
vỗ vai hay những cái ôm đầy thân thiện. Thầy luôn quan sát mọi hoạt động của
chúng tôi trên sân và giúp đỡ chúng tôi khi cần. Thầy luôn dạy chúng tôi hãy dẹp
bỏ bệnh “ngôi sao”, hãy dẹp bỏ cái “tôi” quá lớn qua một bên, hãy sống hết mình
vì tập thể. Thầy vẫn hay la mắng, nhắc nhở chúng tôi khi chưa hoàn thành tốt
công việc chuyên môn. Nhưng trong thâm tâm tôi biết rằng thầy luôn mong muốn
chúng tôi hoàn thiện hơn, trưởng thành hơn với vai trò thủ lĩnh.

Tên
thầy không còn xa lạ gì với phong trào thanh thiếu niên thành  phố và phong trào thanh thiếu niên cả nước. Ở
thầy luôn cháy lên ngọn lửa nhiệt huyết dành cho tuổi trẻ và tâm huyết dành cho
phong trào thanh niên. Với tôi, thầy luôn là tấm gương về người thủ lĩnh thanh
niên xuất sắc nhất. Tôi còn ngưỡng mộ từng bước đi, từng lời hát, từng câu nói
đùa và cử chỉ, điệu bộ của thầy trên sân khấu. Cách thầy quản trò, cách thầy nắm
bắt tâm lý người chơi, cách thầy giải quyết tình huống trên sân khấu,… đó đều
là những kỹ năng mà tôi luôn muốn học hỏi ở thầy.

Các
bạn trẻ vẫn luôn gọi thầy là thầy Toàn, vua trò chơi, người giữ lửa, quái kiệt Sài
Gòn,… Nhưng tôi vẫn thích câu trả lời của thầy khi được hỏi: trong những biệt
danh được công chúng yêu mến, thầy thích biệt danh nào nhất? Thầy trả lời rằng
thầy thích tất cả biệt danh mà mọi người đã dành cho thầy, nhưng thầy thích được
gọi bằng “Thầy” nhất. Đó là sự yêu quý, sự kính trọng – mà chúng tôi, những người
học trò dành cho thầy… Thầy luôn có những học trò và những học trò cưng (mà thầy
gọi là đệ tử) thường hay đến nhà cùng nhau trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm về
những thuận lợi và khó khăn gặp trong công tác. Rồi cùng nhau tìm hiểu và giải
quyết những khó khăn đó.

Bên cạnh con người
luôn sục sôi “lửa” trong phong trào thanh niên, ít ai biết rằng khi trở về nhà
bên tổ ấm của mình, là một người cha, thầy còn có một con người khác đầy trăn
trở.

Và như bao người
khác, thầy cũng có một ước mơ cho riêng mình….

 

Tấm
lòng cao cả của người mẹ…

            Hậu
phương của thầy tôi là một cô giáo dạy văn yêu nghề, yêu trẻ. Hằng ngày, khi đến
lớp,cô luôn dồn cả tâm huyết của mình vào những bài dạy trên bục giảng, cô luôn
dành trọn tình cảm của mình cho những cô cậu học trò hồn nhiên, vô tư và trong
sáng .Cô vẫn thường hay bỏ tiền túi của mình ra mua tặng những cô cậu học trò
nhỏ vài món quà xinh xinh, để khen thưởng, khuyến khích và động viên các em cố
gắng phấn đấu tốt hơn trong học tập.Cô sẵn sàng ở lại trường đến chiều tối dạy
cho các bạn học sinh yếu mà không nhận thêm một đồng lương ngoài giờ nào.Còn
khi ở nhà,có những đêm cô cặm cụi bên trang giáo án, chỉ mong sao đem lại cho học
trò của mình những kiến thức bổ ích và cần thiết nhất để các em làm hành trang
cho cuộc đời mình. Khi nhìn cô chấm bài kiểm tra, mới thấy thương một người cô
luôn trăn trở về việc học tập của học trò mình. Mỗi khi có bài điểm dưới trung
bình cô dò đi dò lại bài nhiều lần, những bài kiểm tra không đạt luôn làm cô phải
lo lắng. Có lẽ,có không ít những nhà giáo luôn thương yêu học trò như cô nhưng
đối với tôi là người học sinh, nếu được theo học ở cô quả là một điều hạnh phúc….

Ngày xưa cô cũng
từng là một cán bộ Đoàn yêu thích và hoạt động tích cực trong phong trào thanh
thiếu nhi. Cô cũng là thành viên Ban chủ nhiệm và tham gia sinh hoạt trong Tổng
đoàn Sao Bắc Đẩu của thầy. Chủ nhật hằng tuần, cô dậy từ rất sớm, vệ sinh cá
nhân cho Thảo, rồi hai mẹ con đồng phục chỉnh tề, cô chở Thảo ra sân. Vì bé Thảo
ngồi không vững nên cô không dám chạy nhanh, cũng như  không dám dừng lại mua đồ ăn sáng chỉ chạy một
mạch ra sân. Rồi nhiều khi lu bu, bận bịu công việc cứ luôn tay luôn chân đến
trưa cả hai mẹ con đều đói meo. Dáng người cô nhỏ nhắn, Thảo lại nặng gấp đôi
cô, vì vậy cô rất khó khăn khi giúp Thảo di chuyển. Thế nên bình thường các bạn
nam trong Sao Bắc Đẩu luôn sẵn sàng giúp đỡ cô ẵm bé Thảo. Nhưng những khi
không có ai cô vẫn tự mình làm lấy. Lặng nhìn cô đỡ bé Thảo đi đứng, lên xuống
xe mới thấy được tình yêu thương cô dành cho Thảo là to lớn đến dường nào. Và
suốt 18 năm nay, dường như tình yêu thương ấy, đã giúp cô có một động lực, một
sức mạnh vô hình để vượt qua khó khăn, trở ngại…

Nếu bạn từng lên
nhà cô mới thấy, việc sinh hoạt hằng ngày của Thảo không phải là một điều đơn
giản. Dù là một người trẻ, khỏe cũng không dễ gì làm được, ấy thế mà tất cả đều
do một tay cô lo lắng, chăm sóc. Thương con thua thiệt hơn mọi người nên cô
luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho Thảo. Cô luôn mong muốn Thảo được tham
gia những hoạt động học tập, vui chơi, giải trí bổ ích hằng ngày như bao bạn đồng
trang lứa khác. Mỗi lúc muốn đi đâu cô phải nhờ thêm 2 người anh để bồng bế Thảo,
hiểu được điều đó và thương cô với Thảo, các anh luôn sẵn lòng giúp sức khi cô
cần. Khi cô nhìn thấy Thảo cười tươi rói trên chiếc đu quay trong công viên trò
chơi: “Mẹ ơi, mẹ ơi nhìn con nè!”, hay nhìn Thảo tung tăng, vẫy vùng trong nước:
“Mẹ ơi, con bơi được rồi nè mẹ ơi!”, trên môi cô lại nở nụ cười rạng rỡ và giọt
nước mắt như sắp chực trào nơi đôi mắt kia. Tôi biết, trong thâm tâm cô, đó là điều
hạnh phúc nhất của người làm mẹ khi nhìn thấy con mình được lớn lên và vui vẻ mỗi
ngày. Nhìn thấy cô vui trong lòng chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì đã giúp
cô thêm được một điều gì đó nhỏ nhoi trong cuộc sống này.

Có thể nói nếu
thầy là một đầu tàu mạnh mẽ thì cô như là một hậu phương vững chắc luôn củng cố
niềm tin cho mỗi chúng tôi. Và biết cô luôn phải bận rộn với công việc, nên mỗi
buổi sáng chủ nhật lúc nào rãnh rỗi là tôi liền lên với cô hay bàn tiếp nhận để
san sẻ bớt công việc. Thủ lĩnh có việc của thủ lĩnh nhưng công việc của cô dường
như không có điểm dừng. Vừa ghi biên lai, vừa đo đồ vừa ghi số liệu, vừa phát đồ,
vừa cung cấp thêm những vật dụng khác cho thành viên mới, vừa trả lời phụ huynh.
Thế nhưng chẳng bao giờ nghe cô than mệt ngược lại cô còn luôn động viên các bạn
hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Cô cứ tất bật từ sáng tới trưa và từ ngày này
qua ngày khác. Có lẽ dịp hè là khi các giáo viên khác được nghỉ ngơi sau một
năm lái đò đưa những cô cậu học trò qua sông, Cô cũng có quyền được nghỉ ngơi tự
thưởng cho mình sau ba tháng hè, nhưng cô lại dành quỹ thời gian ít ỏi cuối
cùng của mình cho đại gia đình Sao Bắc Đẩu.

Đến với Sao Bắc
Đẩu, cô cũng luôn mong muốn được cống hiến như bao người khác. Cô là người rất
chu đáo, quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ khi mọi người cần.Cô sống chan hòa với mọi
người và luôn hòa mình vào tập thể để cùng chia sẻ công việc, niềm vui. Cô luôn
hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao kể cả vai trò là thủ lĩnh của một nhóm sao, rồi
công việc ở bàn dịch vụ, lo lắng, đảm bảo đồng phục cho các em thành viên mới.
Vậy mà nhiều lần lỗi do nhà may không kịp có đồng phục cho các em, nhiều phụ
huynh hiểu lầm, lớn tiếng, cô phải đứng ra giải thích, đôi lần có phụ huynh còn
trách mắng cô. Cô rất buồn và tâm sự: “Nhiều khi các em ở dưới nhóm sao còn được
phụ huynh trân trọng, còn cô ở vị trí này nhiều lúc đã cố gắng hết sức vậy mà
phụ huynh không hiểu còn trách mắng cô khiến cô rất buồn”. Dù vậy trong cuộc sống  hay trong công việc cô luôn sẵn sàng hy sinh
và cống hiến một cách thầm lặng.

Và cũng như bao
người mẹ khác, cô cũng có một ước mơ cho riêng mình….

 

Nghị lực phi thường của người con….

Thầy và cô lấy nhau
được hai năm, rồi cùng nhau chào đón đứa con gái đầu lòng trong niềm
vui khôn xiết. Nhưng may mắn đã không mỉm cười với thầy và cô khi bác sĩ
chấn đoán do di chứng não nên cô bé không đi được như bao đứa trẻ bình thường
khác. Thầy và cô đã chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn không thành công.

Nhìn  những
vết mổ dọc ngang trên đôi chân của bé Thảo mới thấy thầy và cô dốc hết sức
lực cho đôi chân của con mình. Những bác sỹ giỏi, những bệnh viện uy tín thầy
và cô đều đã tìm đến nhưng may mắn vẫn chưa thật sự mỉm cười với thầy cô.

Trong  sâu
thẳm, có lẽ ai cũng sẽ cảm nhận được nỗi đau đớn biết dường nào của đôi vợ
chồng khi đứa con duy nhất chưa một lần đi được bằng đôi chân  của
mình. Đồng lương giáo viên của hai vợ chồng chẳng đáng là bao, phải  tiết
kiệm lắm mới đủ trang trải sinh hoạt gia đình và dành một ít dôi
ra  lâu lâu tìm phương chạy chữa cho bé Thảo.

Với
thầy cô, Thảo là tình yêu, là báu vật, là hạnh phúc. Và ước mơ lớn nhất cuộc đời
của thầy cô là mong sao bé Thảo có thể tự bước đi trên chính đôi chân của mình.

Cô bé ngày xưa ấy,
năm nay đã là một thiếu nữ 19 tuổi tinh nghịch, yêu đời.Thảo cũng là một thành
viên của Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu từ những ngày đầu. Ban đầu cô cho Thảo tham gia
sinh hoạt vì muốn em có thể hòa đồng với mọi người, có thể học tập, vui chơi và
quên đi nỗi mặc cảm khi thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa khác. Nhưng rồi dần
dần, đi sinh hoạt lại trở thành niềm vui của em. Em vui khi ngày chủ nhật hằng
tuần được cười nói, chào hỏi, tay bắt mặt mừng với các anh chị. Em vui khi chủ
nhật hằng tuần được chơi đùa, nghịch ngợm cùng các em thiếu nhi.Em vui khi ngắm
nhìn các em nhỏ nhảy những bài dân vũ dễ thương, vui tươi. Và em vui khi tự
mình tập bước đi, xuống chòm sao của các anh chị xem các em học tập.Nào ai biết
rằng, đôi bàn chân kia trong đó có những ước mơ lung linh, nhỏ nhoi. ..Nhưng em
vẫn luôn tươi cười, lạc quan và nhìn cuộc đời qua lăn kính màu hồng đáng yêu….

Mỗi sáng chủ nhật
hằng tuần, khi mẹ đã bắt đầu với công việc, Thảo lại tập bước đi một mình trên
đôi nạng. Em đi khập khiễng, có đôi lần lại vấp ngã làm các anh chị toát mồ
hôi. Nhưng những người xung quanh lại khá ngạc nhiên khi nhìn em cười rất tươi.
Hỏi em có đau không, em chỉ nói:“Em quen rồi, không sao đâu chị. Chị Phụng đỡ
em đứng lên đi!”. Những ngày đầu tiên, tôi không biết, tôi muốn giúp để dìu em
bước đi. Nhưng em lại nói: “Cám ơn chị, nhưng em muốn tự mình bước đi”. Tôi cảm
thấy trong em có một sức sống mãnh liệt, một nghị lực phi thường. Và nghị lực
phi thường của em đã cho tôi niềm tin vào cuộc sống, cho tôi hy vọng vào ngày
mai với những điều tốt đẹp nhất. Nhìn cách em vượt qua những khó khăn để bước
đi trên chính đôi chân của mình, tôi mới cảm thấy mình nhỏ bé làm sao và tôi nể
phục nghị lực phi thường của em. Em có một cách sống lạc quan, yêu đời và có một
nghị lực để vượt qua những điều tưởng chừng như không thể….

Và em cũng có một ước mơ….

Em ước mơ có thể
được tiếp tục cắp sách đến trường. Em ước mơ có một cửa hàng kinh doanh của
riêng mình.Nhưng ước mơ lớn nhất của em là một lần có thể tự bước đi trên đôi
chân của mình, có thể vui đùa, chạy tung tăng như bao bạn cùng trang lứa….

Lòng cha mẹ hân
hoan, sung sướng khi thấy con mình khôn lớn, hạnh phúc, thành đạt trong xã hội,
và sẵn sàng chia sẻ những muộn phiền, lo âu khi con gặp những thất bại trên đường
đời. Không có bút mực nào tả hết được tình cảm thiêng liêng về tấm lòng cao cả
của người cha, người mẹ. Và tấm lòng của người làm cha, làm mẹ ấy chỉ ước mong
sao cho ước mơ của con mình thành hiện thực. Và thầy với cô luôn sống bằng ước
mơ, bằng niềm tin, bằng tình yêu dành cho Thảo.Ước mơ của gia đình bé nhỏ này chỉ
có thế, nhưng họ luôn nỗ lực từng ngày để biến ước mơ thành sự thật. Trong thâm
tâm tôi, tôi cầu mong sao cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình thầy
cô, sẽ đến với Thảo. Mong một ngày nào đó hạnh phúc thật sự sẽ đến với gia đình
nhỏ bé này, may mắn thật sự sẽ mỉm cười với những người tôi hết lòng yêu
thương. …..

Người đăng: Nguyễn Thị Mỹ Phụng – Thủ lĩnh Sao Thủy

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng