CẢM ƠN VÌ TẤT CẢ! – Trần Phúc Lam – Thành viên Ban Quản trại Tiểu trại 4 (Nghĩa Tình)

TRẠI HÈ 2024: CẦN THƠ – AN GIANG 🌾|
– – – – – – – – – – –
CẢM ƠN VÌ TẤT CẢ!
Trần Phúc Lam – Thành viên Ban Quản trại Tiểu trại 4 (Nghĩa Tình)
“Cả một chặng đường dài trôi
Ta cho mình vài ngày được thảnh thơi
Bỗng thấy cuộc đời này thật tuyệt vời!
Tạm biệt mọi điều phiền lo
Ta bay vào một vùng trời tự do
Hãy đắm chìm vào mùa hè tuyệt vời!”
– Bài hát “Mùa hè tuyệt vời” (Tăng Duy Tân)
Hòa trong không khí náo nức của những tiếng ve, khắp phố phường nở rực màu hoa phượng đỏ, báo hiệu một mùa hè nữa lại đến. Không chỉ có tôi mà gần 200 trại sinh của Trại Huấn luyện và Nâng bậc lần thứ 17 đã vác ba lô, chuẩn bị hành trang, sẵn sàng cho hành trình đi qua biết bao quê hương nghĩa tình trên vùng đất phù sa màu mỡ này.
Lời nói đầu tiên, tôi xin gửi lời cảm ơn Thầy Huỳnh Toàn – Trại trưởng Trại hè Sao Bắc Đẩu năm 2024. Cảm ơn Thầy vì đã không ngại vất vả cùng Ban Điều hành, Ban Huấn luyện tất bật với công tác chuẩn bị, lên kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ để cho các thành viên được đặt chân đến mảnh đất miền Tây thân thương. Điểm đến trong hình trình này là Cần Thơ với gạo trắng nước trong và vùng đất linh thiêng bảy núi An Giang.
Mặc dù đã tham gia trại hè rất nhiều lần từ khi còn là một cậu bé 7 tuổi mè nheo, khóc nhè cho đến nay, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham gia trại với tư cách là một thủ lĩnh đào tạo. Trải qua nhiều năm không ngừng học tập, phấn đấu và rèn luyện, tôi rất tự hào và sung sướng trong vai trò mới này. Tôi tự hứa sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt tất cả các nhiệm vụ được giao.
Như thường lệ, chúng tôi đã có mặt từ rất sớm để làm các công tác chuẩn bị và tiếp đón các bạn trại sinh tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng – ngôi trường mang tên người anh hùng trẻ tuổi với câu nói bất hủ: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể là con đường nào khác”. Năm nay, tuy thời tiết không được thuận lợi, mưa lớn và kéo dài nhưng không vì thế mà làm nản lòng các thành viên của chúng tôi. Ai ai cũng có mặt đúng giờ, tập lại băng reo, luyện tập lại các tiết mục văn nghệ…, sẵn sàng cho một trại hè đầy nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng.
Trại sinh của Sao Bắc Đẩu hội tụ từ các đơn vị khác nhau: Đông Tao Đàn, Bắc Tao Đàn, và Hoàng Văn Thụ. Và điều đặc biệt năm nay, tôi xin cảm ơn bộ phận thiết kế đã thiết kế nên chiếc thẻ trại rất chỉn chu và đẹp mắt. Trên thẻ có đầy đủ thông tin để các bạn có thể “trước lạ sau quen”, ngay lập tức chào hỏi và làm quen lẫn nhau. Sau khi nhận được thẻ trại, chúng tôi còn được nhận nón tai bèo, khăn rằn cùng những cái bắt tay, cái ôm thắm thiết từ các anh chị Ban Chỉ huy trại, Ban Quản trại và các Thành viên danh dự. Những cái ôm ấy như truyền thêm ngọn lửa nhiệt huyết cho các trại sinh chúng tôi, như hứa hẹn một kỳ trại thành công và thật nhiều ý nghĩa.
Trại hè năm nay, tôi vinh dự là một thành viên trong đội múa bài khai mạc trại “Hành trình trên đất phù sa” – bài trại ca chính thức của trại hè năm nay – với trang phục là áo bà ba và khăn rằn – trang phục truyền thống của người dân miền Tây quê mình. Tiết mục được mọi người hưởng ứng và cổ vũ hết mình khiến chúng tôi ai nấy cũng đều vui và tự tin hết cỡ. Sau bài múa khai mạc là buổi lễ chào cờ trang nghiêm và giới thiệu thành phần tham dự. Những bó hoa tươi thắm và giấy chứng nhận đã được trao tận tay cho 2 thành viên danh dự mới là cô Bích Tuyền và cô Bích Thảo. Cảm ơn các cô đã gia nhập vào đại gia đình Sao Bắc Đẩu này.
Tiếp đó là lễ công nhận thành viên Ban Huấn luyện cho 7 anh chị thủ lĩnh sau bao ngày phấn đấu học tập và rèn luyện. Chúc các anh chị thật vững vàng trên cương vị mới, thực hiện tốt 8 chữ vàng của Sao Bắc Đẩu: “Yêu nước – Dũng cảm – Hào hiệp – Cao thượng”. Cầm giấy chứng nhận trên tay bên cạnh những người thân yêu của mình, chắc chắn đó là một kỷ niệm đẹp trong quãng đời thanh xuân của các anh chị.
Tất cả trại sinh chúng tôi tập trung dưới tượng đài của anh Lý Tự Trọng để cùng dâng lên anh lẵng hoa tươi thắm thay cho lời cảm ơn. Cảm ơn anh, người thanh niên đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập nước nhà, là tấm gương sáng cho thế hệ chúng em noi theo. Tiếp đến, những ngọn đuốc được thắp lên từ tay vị Tổng trưởng đáng kính, và ngọn lửa ấy được truyền trao cho các vị khách quý, quý vị phụ huynh và thủ lĩnh. Ngọn lửa như tiếp thêm niềm tin và hy vọng cho toàn thể trại sinh chúng tôi. Và trong giây phút thiêng liêng ấy, thầy Huỳnh Toàn đã tuyên bố khai mạc trại. Những tràng pháo hoa giòn giã, những ngọn đuốc lung linh hòa trong giai điệu hào hùng tạo nên một bầu không khí đêm khai mạc vô cùng hoành tráng và ý nghĩa. Tạm biệt Sài Gòn, chúng tôi thẳng tiến đến vùng đất nghĩa tình Cần Thơ, An Giang đây!
“Quê em đó miền Tây sông nước
Cảnh thanh bình như thước phim hay
Ghe to lớn nhỏ vui vầy
Trên tay thoăn thoắt trái cây đủ màu…”
Sau một giấc ngủ ngon trên xe, rạng sáng hôm sau chúng tôi đã có mặt tại chợ nổi Cái Răng, một ngôi chợ nổi trên sông rất đặc sắc mà du khách muốn “đi chợ” là phải sử dụng thuyền bè để đi và người bán cũng vậy. Các em nhỏ thắc mắc: “Anh ơi, ghe kia bán gì vậy?” Tôi đã nhanh chóng giải thích cho các em rằng: “Em hãy nhìn lên cây bẹo ở trên ghe, trên cây treo gì là ghe đó bán thứ đó.” Khi đã được giải thích, các em vô cùng thích thú khi phát hiện ra ghe này bán thơm, ghe kia bán củ sắn… Chúng tôi được thưởng thức những trái dừa ngọt lịm hay ly cam vắt tươi ngay tại ghe, chòng chành nhưng thú vị vô cùng. Xa xa tôi còn thấy đoàn du khách người nước ngoài đang xì xụp với tô bún riêu, bát hủ tiếu nóng hổi tại ghe, tiếng cười của cả người mua và người bán giòn tan cả một vùng sông nước. Tiếp đến, chúng tôi đi tham quan lò làm hủ tiếu, nơi làm ra những cọng nui, cọng hủ tiếu đầy màu sắc từ những nguyên liệu thiên nhiên như màu xanh của lá dứa, màu tím của nếp cẩm, màu cam của quả gấc… Chúng tôi được tự tay tráng bánh, được cắt sợi hủ tiếu và đúng bản chất hào sảng của người dân miền Tây, chúng tôi được mời thử vô vàn các món ngon như hạt nếp non trộn dừa, pizza hủ tiếu, bánh cuốn nhân đậu xanh… Rời lò hủ tiếu, chúng tôi dừng chân tại Trạm dừng chân Quang Khang, nạp năng lượng bằng dĩa cơm sườn thơm phức hay tô hủ tiếu dai, ngon để tiếp tục cuộc hành trình.
Quả không hổ danh là miền Cần Thơ gạo trắng nước trong, bao la là những “món ngon vật lạ” chưa kịp khám phá hết. Nhưng cũng đã đến giờ tạm biệt nơi xinh đẹp này rồi, tạm biệt bến Ninh Kiều, tạm biệt cầu Cần Thơ! Băng qua những cánh đồng bạt ngàn hương lúa chín, chúng tôi đã men theo dòng sông Cửu Long, sông Hậu, đi xuyên qua các địa danh như Đồng Tháp, Cao Lãnh, Long Xuyên để cuối cùng cũng đã đến được với vùng đất tứ linh An Giang.
An Giang chào đón chúng tôi bằng một cơn mưa, xua tan bầu không khí oi bức của ngày hè. Các bạn biết không? Mảnh đất An Giang xưa kia là vùng đất của nước Chân Lạp, quốc vương của Chân Lạp là Nặc Tôn đã dâng đất cho Chúa Nguyễn. Tỉnh An Giang được đồng bào Khmer gọi là “Moăt Chruk” nghĩa là “mõm heo”. Xa xa là ngọn núi Sam quanh năm mây bao phủ trên đỉnh núi với bóng dáng thấp thoáng của rất nhiều ngôi chùa, ngôi miếu ẩn hiện dưới nền xanh mướt của cỏ cây, tạo nên một cảnh quan vô cùng hùng vĩ. Chúng tôi được tham quan Miếu Bà Chúa Xứ, nơi chào đón hàng triệu du khách hành hương mỗi năm. Chúng tôi được tham quan Chùa Hang và Lăng Thoại Ngọc Hầu – nơi tưởng nhớ người đã có công lao rất lớn đối với đất nước và với vùng đất bảy núi này. Cho đến nay người người còn ca ngợi ông:
“Hùng vĩ Lăng ông Thoại Ngọc Hầu,
Ngàn xưa coi lại nét thanh cao.
Phò vua, trải mật bao gian khổ,
Công nghiệp còn ghi dấu cựu trào…”
Sáng hôm sau, chúng tôi trong trang phục áo bà ba được đi tham quan Rừng Tràm Trà Sư. Với diện tích khoảng 845 hecta, Rừng Tràm Trà Sư được hình thành từ hàng triệu cây tràm xanh tươi, do Lâm trường Tịnh Biên trồng và chăm sóc từ năm 1983. Chúng tôi không khỏi thích thú khi được đi tham quan bằng xuồng máy để khám phá thiên nhiên. Các “camera chạy bằng cơm” chúng tôi tranh thủ thu hết vào tầm mắt mình những thảm thực vật xanh mướt và những loài chim quý hiếm đang tự do chao lượn này.
Đêm hội văn hóa được diễn ra ngay tại khuôn viên của Homestay Fami Nguyễn, nơi dừng chân và nghỉ ngơi của toàn đoàn. Chúng tôi được thưởng thức các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc đến từ các tiểu trại hay các điệu múa Lâm Thôn, vũ điệu đường phố. Những làn điệu quen thuộc được thực hiện bởi các thành viên, từ các bạn Tiểu sao nhí hay các nội, ngoại lớn tuổi, tất cả đều cùng cháy hết mình cho đêm lửa trại này. Lửa trại được tổ chức hoành tráng nhờ sự chuẩn bị kỹ càng của Ban Tổ chức và dưới sự dẫn dắt của thầy Huỳnh Toàn – người truyền lửa – đã cho chúng tôi một đêm hội văn hóa vô cùng đặc sắc.
Sáng ngày thứ tư tại An Giang này, chúng tôi được tham quan chợ Châu Đốc – được mệnh danh là thủ phủ mắm – với vô vàn các loại như mắm linh, mắm lóc làm nên tên tuổi của món lẩu mắm, đặc sản của miền Tây sông nước. Ôi đa dạng các loại mắm mà thiên nhiên đã hào sảng ban tặng cho vùng đất này! Mùa nước nổi, cá tôm nhiều vô kể, bà con đã sáng tạo ra rất nhiều loại mắm để có thể bảo quản được lâu. Ngoài ra còn có các đặc sản từ trái thốt nốt như bánh bò, nước thốt nốt tươi hay đường thốt nốt mà chúng tôi đã chọn mua về làm quà cho những người thân yêu của mình.
Tiếp đó, chúng tôi được hòa mình trong không khí mát lạnh ở công viên nước Hải Đến, nơi chúng tôi được thỏa thích bơi lội, chơi những trò chơi nước cùng nhau, thật vui và sảng khoái. Tối đến chính là giờ phút được chúng tôi mong chờ nhất, Lễ Đăng Quang, nơi các bạn đã trải qua kỳ thi Nâng bậc được vinh dự công nhận và trao đẳng cấp mới. Các bạn Thủ khoa của các bậc được nhận vô vàn các món quà từ Tổng đoàn, thật hạnh phúc và vinh dự khi các bạn được vinh danh trên vùng đất địa linh anh kiệt này. Lễ Bế Mạc cũng đã được thực hiện trong tối đêm nay. Từng món quà lưu niệm được Thầy và các anh chị trao tận tay cho từng khách mời, quý phụ huynh và các bạn thành viên. Chúng tôi cũng vinh dự nhận được quà từ các anh chị Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh An Giang, những món quà mang đậm nghĩa tình của người dân quê hương miền Tây.
Sáng ngày cuối cùng tại An Giang, chúng tôi tạm biệt mái nhà thân thương mà chúng tôi đã sinh hoạt suốt những ngày qua để trở về Sài Gòn gặp lại gia đình mình. Trên đường về, đoàn chúng tôi đã ghé chợ Tịnh Biên để các thành viên có thể thoả sức mua sắm những đặc sản nơi đây với giá cả phải chăng. Tại đây, các bạn thành viên còn biết được đây là một trong những ranh giới giữa Việt Nam và nước bạn Campuchia. Rời chợ Tịnh Biên, chúng tôi tiến đến Thiền viện Đông Lai (chùa Bánh Xèo) để xem các nghệ nhân đổ bánh xèo. Một đầu bếp có thể một lúc tạo nên hàng chục cái bánh xèo, một đặc sản của miền Tây. Một ít rau sống được trồng ngay tại chùa, cuốn với bánh xèo nóng hổi mới ra lò, chấm vào chén nước chấm được pha đậm đà, tuy là đồ chay mà sao ngon đến lạ! Chia tay chùa Bánh Xèo, chúng tôi dừng chân tại thành phố Long Xuyên để dùng cơm trưa rồi sau đó tiếp tục chuyến đi về lại Sài Gòn.
Qua kỳ trại này, một lần nữa tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến thầy Huỳnh Toàn và Ban Điều hành, Ban Huấn luyện đã cho chúng tôi một kỳ trại vô cùng ý nghĩa. Cảm ơn các bác tài xế đã cho cả đoàn một chuyến đi an toàn. Cảm ơn các đầu bếp đã cho toàn đoàn những buổi ăn ngon. Cảm ơn những vị khách quý và quý phụ huynh đã hỗ trợ hết mình cho Tổng đoàn. Con gửi lời cảm ơn đến ông bà, ba mẹ và em gái nhỏ Lam Phương, cảm ơn cả nhà đã luôn đồng hành cùng con. Cảm ơn vì tất cả và hẹn mọi người ở kỳ trại hè năm sau, năm 2025, tại một trong những bãi biển tuyệt đẹp của đất nước Việt Nam mình. Xin chào và hẹn gặp lại!
Chia sẻ bài viết lên:
Đóng