CẤP CỨU TRẺ BỊ ĐIỆN GIẬT

I. Triệu chứng:

– Điện giật là một tai nạn do dòng điện gây ra khi dòng điện truyền qua cơ thể.

– ở trẻ em do đặc điểm da mỏng, thành phần nước nhiều nên sức cản kém. Khi dòng điện đi qua cơ thể sẽ gây ra rối loạn hoạt động tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh, gây cơn co cứng. Dòng điện qua trung khu tuần hoàn, hô hấp gây ngừng tim, ngừng thở.

– Nhiều tình trạng lâm sàng xảy ra khi bị điện giật.

1. Choáng điện nhẹ: Khi dòng điện qua cơ thể ngắn. Trẻ bị co cứng, giật cơ, rối loạn nhịp tim. Sau khi cứu trẻ thoát khỏi nguồn điện, cơn co cứng và rối loạn nhịp tim hết nhanh. Nếu dòng điện không bị ngắt, bệnh nhi có thể bị ngừng tim và ngạt thở.

2. Tình trạng chết lâm sàng:

Khi dòng điện qua cơ thể lâu, xảy ra tình trạng chết lâm sàng.

– Bệnh nhi tím xám, ngừng thở do co cứng các cơ hô hấp.

– Tim ngừng đập, mạch không bắt được.

– Kèm theo trẻ bị hôn mê, đồng tử giãn.

Tình trạng chết lâm sàng này có thể hồi phục trở lại bình thường dần sau khi dòng điện được ngắt, Song có thể chết thực sự nếu không ngắt dòng điện và cấp cứu kịp thời.

3. Tổn thương tại chỗ tiếp xúc với dòng điện.

Tuỳ theo chỗ tiếp xúc lớn hay bé, dòng điện mạnh hay yếu, thời gian tiếp xúc lâu hay nhanh mà mức độ tổn thương khác nhau:

– Nhẹ nhất là tại chỗ tiếp xúc da bị đỏ lên hoặc tím bầm.

– Nặng hơn da bị xạm đen như bị cháy, có dấu hiệu như bỏng.

– Cơ có thể bị giập, thoát huyết tương, có biểu hiện sốc (mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt).

II. Xử trí

1. Trường hợp điện giật nhẹ: Sau khi ngắt dòng điện các dấu hiệu lâm sàng hết nhanh, cơ bản là dỗ dành, trấn an trẻ.

2. Xử trí cấp cứu khi điện giật mạnh.

a, Xử trí tại nhà:

– Đầu tiên phải cứu bệnh nhi thoát khỏi dòng điện bằng cách cắt điện hay gỡ dây điện khỏi cơ thể bệnh nhi. Cần chú ý đề phòng điện truyền sang người cứu. Không được dùng tay không, nên đeo găng cao su hay quấn nilon, vải khô, chân đi ủng hay đứng lót trên tấm ván khô, đi guốc dép khô, dùng gậy gỗ hay vật cách điện để gạt dây điện ra.

– Hô hấp nhân tạo kịp thời bằng phương pháp thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực, phải làm kiên trì, kịp thời cho tới khi thở lại hay đến khi có triệu chứng chết thực sự.

– Chuyển bệnh nhi tới bệnh viện, trên đường chuyển tiếp tục hồi sức.

b, Tại bệnh viện:

– Tiếp tục hồi sức bằng phương pháp hô hấp hỗ trợ như đặt nội khí quản bóp bóng, thở máy.

– Làm ngay điện tâm đồ.

– Chống sốc.

– Chống phù não.

– Phát hiện những tai biến thứ phát: Chấn thương sọ não, tổn thương thận, tổn thương ở thuỷ tinh thể, rối loạn tim.

Phòng tránh điện giật

– Đặt ổ điện, bảng điện ngoài tầm với của trẻ. Luôn đậy nắp các ổ điện.

– Khi thiết bị điện bị hở mát không được sử dụng.

– Giáo dục trẻ không được nghịch, chọc vào các ổ điện, không tự động cắm các đồ dùng bằng điện vào các ổ cắm.

* Xử lý tại chỗ:

– Cứu trẻ thoát khỏi dòng điện bằng cách nhanh chóng ngắt cầu dao (hoặc rút cầu chì), dùng gậy gỗ, tre khô gỡ dây điện khỏi cơ thể trẻ, hoặc kéo trẻ khỏi nguồn điện. Tránh điện truyền sang người cứu, không được dùng tay không, phải đeo găng cao su hoặc quấn nilon, vải khô, chân đi guốc, dép khô hoặc đứng trên tấm ván khô.

– Nếu trẻ ngạt thở, tim ngừng đập trong khi chờ y tế đến hoặc trước khi đưa trẻ đi bệnh viện, phải khẩn trương kiên trì thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực cho tới khi trẻ thở lại (có khi phải làm 3 – 4 giờ mới hồi phục được).

– Nếu có vết thương bỏng: Phủ kín vết thương bằng cách băng khô vết bỏng trước khi chuyển đi.

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng