CHÂU ĐỐC – AN GIANG: MẢNH ĐẤT HỮU TÌNH – Phạm Xuân Minh Tú – Thành viên Ban Quản trại Tiểu trại 1 (Thân Thiện)

TRẠI HÈ 2024: CẦN THƠ – AN GIANG 🌾|
– – – – – – – – – – –
CHÂU ĐỐC – AN GIANG: MẢNH ĐẤT HỮU TÌNH
Phạm Xuân Minh Tú – Thành viên Ban Quản trại Tiểu trại 1 (Thân Thiện)
Hè đã về, tôi bỏ lại những áp lực điểm số, bài tập về nhà và háo hức đón chờ trại hè lần thứ XVII tại An Giang. Khâu chuẩn bị cho trại hè rất kỳ công, các anh chị Ban Quản trại đã phải biên đạo bài ca múa nhạc, múa cổ động và thiết kế những dụng cụ, trang phục cho tiết mục biểu diễn thời trang. Mùa hè năm nay thời tiết thất thường, rất khó khăn để đi lại nhưng các anh chị vẫn cố gắng đi đều, đi sớm để hoàn thành công việc sớm nhất.
Vào ngày khai mạc trại, những ngọn đuốc bập bùng đỏ lửa, nhìn từ xa trông giống như những đoá hoa rực rỡ. Tiếp đó là những ngọn pháo hoa loé lên từng đợt trên bầu trời đêm tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng. Tôi nghĩ, những ngọn đuốc tượng trưng cho ánh lửa đam mê, niềm tin và hi vọng trong mỗi người, còn pháo hoa như những ước mơ được thả vào trong mây trời. Một buổi lễ khai mạc trại là mở đầu cho một hành trình, có lẽ vì thế mà trong suốt buổi lễ, tôi cảm nhận được sự tinh tế và sâu sắc trong từng khoảnh khắc, từ trao thẻ trại cho đến những ngọn đuốc được thắp sáng, lung linh trong bầu trời có chút mưa phùn. Sau khi hoàn thành buổi lễ, chúng tôi bắt đầu hành trình trại hè đầy thú vị tại quê hương An Giang.
Chiếc xe bus khởi hành, chạy băng băng trên đường Võ Văn Kiệt, ánh đèn đường vàng mờ khiến tôi có chút buồn ngủ, lòng nôn nao khi nghĩ đến cảnh bản thân sẽ được tham quan chợ nổi Cái Răng, các di tích lịch sử, những công trình kiến trúc mang đậm nét văn hoá phương Đông tại Châu Đốc – An Giang rồi thiếp đi. Tôi tỉnh giấc khi anh Trung – Tiểu trại trưởng Tiểu trại 1 của chúng tôi – thông báo rằng đã đến chợ nổi Cái Răng. Sau khi xuống xe, trời bắt đầu đổ mưa, cơn mưa phùn lất phất mang chút hơi lạnh khiến tôi chẳng còn buồn ngủ, lòng mang chút tò mò khi được tham quan chợ nổi. Cơn gió hiu hiu mát lạnh khi đi ghe khiến tôi một lần nữa rơi vào cơn buồn ngủ cho đến khi đặt chân lên chiếc bè sản xuất kẹo dừa và một số đặc sản miền Tây khác. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi lên bè là mùi kẹo dừa rất thơm, ngọn khói trắng đặc quánh từ chiếc nồi nấu kẹo (có lẽ thế) bay trên chiếc bè. Ở đây đa dạng các loại kẹo, kẹo dừa, kẹo hạt,… có đủ. Ngoài ra còn có một số món đồ chơi, nhưng đặc biệt nhất phải nói đến chuồn chuồn gỗ. Chuồn chuồn gỗ là một món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ tôi, ngày nhỏ tôi đã rất tò mò vì sao chuồn chuồn có thể “đứng yên” trên ngón tay nhỏ xíu, và ba đã giải thích cặn kẽ cho tôi. Ba nói thêm: “Ba mong con sau này có thể như con chuồn chuồn này, có thể cân bằng được quỹ thời gian dù cho có eo hẹp đến mấy, làm chủ được thời gian mới là cách làm việc hiệu quả nhất con ạ!” Đúng như câu nói ấy, khi tôi gặp được các anh chị tại Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu, tôi đã rất khâm phục khi các anh chị dù cho bận bịu đến mấy thì Chủ nhật các anh chị vẫn cố gắng dành thời gian lên Tao Đàn sinh hoạt cùng mọi người, còn dành cả những ngày hè để đồng hành với nhau trong trại hè của Tổng đoàn.
Sau khi lên lại chiếc ghe đưa về bến, chúng tôi lên xe và đến đất trại. Ấn tượng đầu tiên của tôi với homestay Fami Nguyễn là một khoảng sân rộng lớn – nơi tuyệt vời để tạo nên đêm lửa trại vui vẻ cùng mọi người. Kế đến là những ngôi nhà trắng nhỏ xinh và giàn hoa giấy to quấn quanh những chiếc cột, tạo ra bóng râm mát mẻ cho đường đi. Dùng bữa trưa và nghỉ ngơi xong, chúng tôi lên đường tham quan Miếu Bà Chúa Xứ, một nơi thiêng liêng mang đậm nét văn hoá về tín ngưỡng Việt Nam nói chung và người An Giang nói riêng. Người đến cúng kiếng và tham quan rất đông, trong miếu nghi ngút khói hương. Nhìn từ bên ngoài, Miếu Bà Chúa Xứ mang đậm nét kiến trúc phương Đông với đá lát và ngói đỏ vô cùng bắt mắt. Sau đó hướng dẫn viên đã giải thích cho chúng tôi về nguồn gốc của miếu và lăng Thoại Ngọc Hầu, tất cả mọi người đều lắng nghe một cách chăm chú nghe, bầu không khí rơi vào im lặng một cách tôn nghiêm, trang trọng.
Vào ngày thứ ba của trại hè, chúng tôi được tham quan rừng tràm Trà Sư, khu rừng phủ đầy những cây tràm rợp bóng. Trà Sư là rừng tràm và khu du lịch sinh thái được hình thành vào năm 1983, rộng bát ngát với diện tính 850 héc-ta. Nơi đây còn là khu bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm, điều hoà khí hậu và nguồn nước tại Thất Sơn. Ngồi trên chiếc ghe, lòng tôi hồi hộp vì đã lâu chưa trải nghiệm lại cảm giác “bấp bênh sông nước” này, dòng sông mang một màu nâu màu mỡ phù sa, nhìn kỹ hai bên bờ sông sẽ thấy hiện tượng “bên lở bên bồi” phổ biến tại các vùng sông nước. Trong khi ngồi ghe, thời tiết có chút mưa nhẹ, do đó khó có thể quan sát được các loài động vật, nhưng bù lại có thể thấy rõ sự sinh trưởng của những cây nấm mọc trên thân gỗ mục dọc bờ sông, chúng khoác lên mình đủ loại màu sắc vàng, đỏ, nâu,… vô cùng đẹp mắt. Sau đó, tôi đã mua thử một món ăn và cùng chia sẻ với các anh chị, món ăn có một cái tên độc đáo – “Vũ Nữ Chân Dài”. Đây là một loại khô nhái phổ biến tại miền Tây Nam Bộ, được chiên giòn và chấm cùng tương ớt. Thoạt đầu nhìn vào, chị Đức – người chị thân yêu của tôi thoáng rùng mình, chị bảo: “Sao mà nhìn nó sợ quá!” Nhưng rồi khi ăn, ai cũng tấm tắc khen ngon.
Sau khi đi một chặng đường dài, chúng tôi về đến đất trại và dùng bữa, nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một buổi chiều đầy năng lượng với trò chơi teamwork – team building và đặc biệt hơn là Đêm Hội Văn Hoá và Lửa Trại. Những điệu múa cổ động dẻo dai trên nền nhạc Lý Ngựa Ô, những động tác bài ca múa nhạc sôi động của các tiểu trại, những cặp đôi nhảy Chachacha, Vũ Điệu Đường Phố. Tôi luôn mê tít cảm giác cùng bạn bè quây quần bên lửa trại, nhảy những điệu nhảy đường phố, tận hưởng một đêm dài đầy thú vị. Có thể nói, đây là một đêm lửa trại năng động và vui vẻ nhất từ trước đến nay, ai nấy cũng đều “quẩy” hết mình cho đến khi mệt lả.
Chẳng mấy chốc đã đến ngày cuối tại đất trại, do thời tiết thất thường nên chúng tôi không thể đi hết những địa điểm trong kế hoạch, nhưng đi công viên nước thôi thì cũng vui rồi nhỉ? Công viên nước Hải Đến không lớn như những công viên nước khác tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng bù lại rất sạch sẽ và các anh chị nhân viên rất thân thiện và cởi mở. Ai nấy cũng đều chơi rất vui, mặc kệ thời tiết không mấy là đẹp. Chúng tôi lên đường về lại đất trại khi đã gần trưa, do vui chơi rất nhiều nên mọi người khá đói, có lẽ vì thế nên các món ăn trưa trên bàn “rất đắt hàng”. Cũng phải, mọi người còn phải nạp năng lượng để chiều nay tham gia Trò Chơi Lớn nữa nhỉ? Nhưng không như mong đợi, Trò Chơi Lớn chỉ chơi được một nửa do ảnh hưởng từ thời tiết, tôi còn dư rất nhiều năng lượng nên háo hức chờ đến Lễ Đăng Quang và Tổng Kết Trại. Buổi lễ được mở đầu với tiết mục Mùa Hè Tuyệt Vời từ các anh chị thủ lĩnh, ai cũng đều nở một nụ cười tươi trên môi. Sau đó là phần mà ai cũng mong chờ nhất – công bố thủ khoa. Khi công bố thủ khoa các cấp bậc, ai nấy cũng đều bất ngờ, vui vẻ và xen lẫn tự hào, có bạn bè là thủ khoa thì bản thân cũng vui lây nhỉ? Hoàn thành Lễ Tổng Kết Trại, các tiểu trại cùng nhau quây quần ăn liên hoan, chẳng mấy chốc những món ăn đã hết sạch, mọi người cùng nhau dọn dẹp rồi về phòng soạn hành lý để về lại Sài Gòn.
Sáng hôm sau, khi mặt trời còn chưa ló dạng thì các bạn thành viên đã thức dậy và vận chuyển hành lý vào xe, sau đó ăn sáng và chuẩn bị cho một hành trình về lại Sài Gòn. Xe chạy băng băng trên con đường đến chợ biên giới Tịnh Biên, những đồng lúa bát ngát đã sắp ươm vàng, những thân lúa vì nặng hạt đã cong lại, một số cây còn đổ rạp xuống đất. Đến chợ, mọi người cùng mua sắm, vừa vào chợ tôi đã ngửi thấy mùi mắm đặc trưng nồng nàn, có lẽ không sai khi người ta nói Châu Đốc là thủ phủ của mắm, đa dạng các loại mắm được trưng bày, có mắm cá linh, dưa mắm, mắm cá lóc,… Ngoài ra còn có những chai dầu cù là thơm thơm mùi thảo dược, những bộ quần áo mang hoạ tiết độc đáo với giá bình dân. Tiếp đến là chùa Đông Lai, hay còn gọi là chùa Bánh Xèo, từ xa đã nghe thấy mùi bột bánh thơm nức mũi, khiến cho ai nấy vừa ăn xong nay lại “mở rộng chiếc bụng” để ăn thêm bánh xèo. Mọi người xếp hàng ngay ngắn để nhận bánh, do đã hơi no nên chúng tôi chia ra một bàn ăn 2-3 bánh thôi, nhường lại phần ăn cho những người khác. Anh Phúc – người anh yêu quý của tôi tại Bắc Tao Đàn đã quay một vlog mà phải quay đi quay lại nhiều lần vì nói vấp hoặc “nhầm kịch bản” khiến tôi cười đến đau bụng. Sau đó, mọi người tiếp tục hành trình về lại Sài Gòn.
Vậy là đã kết thúc một hành trình trại tại mảnh đất An Giang. Gửi lời cảm ơn các anh chị nhân viên tại homestay Fami Nguyễn. Gửi lời cảm ơn đến anh Trung, chị Quế Chi và các anh chị trong Ban Quản trại Tiểu trại 1 khi đã nhắc nhở, dạy em thêm nhiều điều khi làm thủ lĩnh. Đặc biệt là chị Quế Chi, đôi lúc em không tập trung trong công việc, hơi lơ là nhưng chị đã nhắc nhở để em sửa sai, hướng dẫn em và dạy em thêm những điều hay để hoàn thiện bản thân hơn trên con đường trở thành một thủ lĩnh. Gửi lời cảm ơn một mùa trại hè thành công rực rỡ!
Chia sẻ bài viết lên:
Đóng