Dạy Trẻ Cách Tiết Kiệm

Khi trẻ muốn mua một thứ đồ mà chúng thích, cha mẹ
không nên đưa tiền cho con mua luôn mà hãy khuyến khích con tích góp tiền để tự
mua chúng. Nếu từ lúc còn thơ trẻ đã biết tiết kiệm tiền thì lớn lên trẻ sẽ
biết tiêu tiền đúng cách.

Dạy con biết tiết kiệm tiền là một công việc không dễ
dàng chút nào đối với cha mẹ. Bởi khi được người lớn cho tiền, việc đầu tiên bé
nghĩ đến sẽ là mua ngay món đồ chơi hay một món ăn nào mà bé thích. Việc khuyến
khích bé biết tiết kiệm và chỉ ra lợi ích của việc tiết kiệm tiền là một việc
làm rất cần thiết, nhưng người lớn chúng ta đôi khi lúng túng chẳng biết phải
bắt đầu từ đâu…

– Khuyến khích bé bỏ ống heo: Trước tiên, mẹ sắm cho bé một ống heo
tiết kiệm và khuyến khích bé bỏ những đồng tiền mà bé có được vào đó. Thói
quen này nên được duy trì cho đến khi bé lớn, và mặc dù khi lớn, bé sẽ cần tiền
để chi tiêu, nhưng bé cũng nên trích ra một phần để bạn heo cất giùm.

– Giúp bé đặt ra các mục tiêu: Nếu bé muốn mua một bạn “Quýt
Chiến Sĩ” chẳng hạn, nhưng số tiền hiện có trong ống heo chưa đủ để bé sở
hữu được bạn í. Bạn hãy vẽ một biểu đồ và khuyến khích bé để dành tiền. Mỗi
ngày, khi số tiền để dành tăng lên, thì biểu đồ cũng sẽ đi lên, cho đến khi đủ
tiền để rinh bạn Quýt chiến sĩ về thì biểu đồ cũng chạm được đến cái mốc cuối
cùng. Bằng cách này, bé sẽ thích thú theo dõi và học cách tiết kiệm để đạt được
mục tiêu.

 

– Thưởng cho việc tiết kiệm lâu dài: Bạn nên để dành những phần
thưởng nho nhỏ như hộp chì màu, hay các miếng sticker, hoặc chỉ đơn giản là một
lời khen để cổ vũ bé khi bé thực hiện tốt việc để dành tiền mỗi ngày

– Dùng tranh, ảnh để nhắc nhở bé tiết kiệm: Nếu bé thích một chiếc
ô tô chạy pin, bạn có thể treo bức ảnh chiếc ô tô chạy pin ngay trong phòng của
bé. Chính bức ảnh ấy sẽ nhắc nhở bé biết mình đang tiết kiệm vì cái gì đây
nè.

– Chính bạn cũng tiết kiệm cho bé thấy: Nếu được, bạn hãy dẫn bé
cùng đến ngân hàng khi bạn đi gửi tiết kiệm. Bạn nên giải thích rõ cho bé hiểu
mục đích và ý nghĩa của việc tiết kiệm đó, khi bé đã hiểu, bé cũng sẽ tập tiết
kiệm theo gương của bạn.

Tiết kiệm từ khi
còn rất nhỏ

Trẻ tập đi và trẻ chưa đến tuổi đi học thì không có khái niệm về tiết kiệm tiền
bạc, vì vậy dạy chúng tiết kiệm tiền bạc bằng cách mua cho chúng con heo nhựa
hoặc heo đất rồi đặt trong phòng của chúng.

Bạn bỏ tiền mừng tuổi hoặc tiền ai cho chúng vào đó để nhắc nhở chúng biết cách
giữ tiền của mình, không đòi mua đồ chơi hay những thứ linh tinh. Trẻ lớn hơn
một chút thì có thể dạy tiết kiệm bằng cách chỉ ra nhiều đồ vật không thể thay
thế ngay được nên chúng cần biết cách giữ gìn. Trẻ bắt đầu đi học và ở tuổi
thanh thiếu niên thì cần dạy cụ thể hơn.

Người lớn tiết kiệm làm gương

Khi dạy bảo con tiết kiệm thì chính người lớn cũng phải là một ví dụ điển hình
trong việc tiết kiệm. Người lớn không được chi tiêu một cách hoang phí. Chính
người lớn cũng phải có khoản tiết kiệm trong heo đất để khuyến khích trẻ cũng
có thói quen bỏ ống tiết kiệm như mình.

 

Cho con đi mua sắm

Cha mẹ có thể “nhờ” con đi mua một số đồ gì đó ở cửa hàng tạp hoá. Cha mẹ có
thể đưa cho con danh sách những thứ cần mua cùng với một số tiền mặt nhất định.
Trẻ em có thể so sánh giá cả các cửa hàng và chọn mua ở những nơi có giá rẻ hơn
vì tâm lý trẻ con lúc nào cũng muốn khoe với bố mẹ về những thành tích, kể cả
thành tích mua được hàng giá rẻ.

Mặt khác, khi so sánh giữa các cửa hàng với nhau, nếu mua được những thứ bố mẹ
giao mà vẫn còn thừa tiền, trẻ sẽ có được một khoản nho nhỏ để có thể dùng vào
những thứ chúng muốn. Đây cũng là cách tự chúng biết tiết kiệm cho bố mẹ và cho
bản thân.

Dạy con cách quản lý tiền

Hãy để trẻ em quản lý tiền một cách phù hợp theo độ tuổi của chúng. Trẻ em phải
làm những việc vặt trong gia đình nhưng không nên cho chúng hy vọng nhận được
tiền công. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nào đó bố mẹ có thể xem xét và
cung cấp phụ cấp nếu trẻ có thái độ tốt.

Trẻ sẽ quản lý số tiền mình được phụ cấp và dùng số tiền này để tự chi trả cho
những thứ chúng cần trong sinh hoạt riêng tư hàng ngày chứ không phải xin tiền
bố mẹ. Điều này sẽ dạy cho trẻ em tiết kiệm tiền miễn là cha mẹ không được cho
thêm tiền trẻ vào những ngày lễ tết hay sinh nhật.

Giúp trẻ có mục tiêu tiết kiệm

Ví dụ trẻ muốn mua một thứ đồ nào đó mà chúng thích, cha mẹ đừng nên đưa tiền
cho chúng mua luôn mà hãy khuyến khích con tích góp tiền để tự mua chúng. Cha
mẹ có thể bảo con khi có tiền, không nên dùng mua những thứ linh tinh mà hãy
tích lại thành một khoản đủ để mua thứ đồ đắt tiền hơn mà chúng đang cần.

Cung cấp cho trẻ những thông tin liên quan

Những thông tin liên quan đến tiết kiệm có thể là cảnh những người nông dân vất
vả mới làm ra hạt gạo hay phải vất vả thế nào mới cho ra một bộ quần áo chúng
đang mặc. Những thông tin này sẽ giúp trẻ biết tiết kiệm, giữ gìn và yêu quý
hơn những đồ dùng và những thứ mình đang có

– Giúp bé cách tiêu tiền: Khi số tiền để dành được đã khá nhiều, bạn có thể giúp bé lập kế hoạch để tiêu số tiền đó. Ngoài những vật dụng tối cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày của bé, mẹ nên trích một phần để bé giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, như cứu trợ đồng bào miền Trung đang gặp lũ lụt. Chính hành động đó sẽ cho bé thấy mình may mắn hơn rất nhiều bạn đồng trang lứa, và việc mình để dành tiền có ích như thế nào với bản thân mình và với cộng đồng. Như vậy, không chỉ bé học được cách tiết kiệm và yêu quý đồng tiền, mà còn học thêm một bài học về lòng nhân ái. Hay giúp bé sử dụng số tiền tiết kiệm được tham gia vào một kỳ trại bổ ích để các bé được giao lưu học hỏi với các bạn cùng trang lứa, để được giải trí lành mạnh khi hè đến, và điều đó sẽ giúp các bé trưởng thành hơn.

Người đăng: Nguyễn Thị Mỹ Phụng – Thủ lĩnh Sao Thủy (sưu tầm)

 

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng