Trưa vắng. Nắng hanh hao. Nó gò lưng đạp xe lên dốc cầu trong cái gió thổi ngược, mồ hôi thấm ướt cả lớp áo khoác jean dày cộm…
Hôm nay là giỗ ngoại, ngay dịp nó được lĩnh tháng lương làm thêm đầu tiên. Bỏ cả buổi trời lòng vòng trong siêu thị, nó khấp khởi mang về một món quà cho mẹ chưng trên mâm cơm cúng ngoại. Một bộ đũa tre năm đôi bằng gỗ lim của Nhật, trên đầu có chi tiết hoa văn chạm khắc bằng đồng. Nó vui vẻ hình dung một lát nữa những đôi đũa đẹp đẽ đắt tiền của nó sẽ nằm chễm chệ trên mâm cơm cúng giỗ thay thế cho mấy đôi đũa tre cũ kỹ năm nào mẹ cũng lôi trong tủ ra chưng. Ý nghĩ đó làm nó có thêm “động lực” vượt qua đoạn đường “gian khổ” vừa nắng vừa bụi đến kinh khủng phía trước.
Về đến nhà, nó đẩy cổng bước vào, nụ cười nở toe toét “trực chiến” trên môi. Mùi nhang trầm thoang thoảng, mùi thức ăn nóng hổi thơm lừng, tất cả tạo nên một cảm giác ấm cúng quen thuộc làm nó thấy sự nóng bức nãy giờ bay biến cả. Nó cất vội áo khoác rồi chạy ù xuống bếp. Đúng như nó hình dung, mẹ nó đang ngồi tỉ mẫn lau từng chiếc đũa tre cũ kỹ với một thái độ trân trọng lạ thường. Nó rón rén đến sau lưng, choàng tay ôm lấy bờ vai gầy gầy của mẹ, hớn hở:
– Mẹ! Bữa nay con trai của mẹ được lĩnh tháng lương đầu tiên nè.
Mẹ nó giật mình, quay lại, mỉm cười với tay xoa xoa cái mái đầu chôm bôm vì đi nắng về chưa kịp chải chuốt của nó:
– Thằng nhóc! Làm mẹ hết hồn, làm về nắng không con?
– Dạ cũng hông nắng mấy, đen thêm chút đỉnh – nó khịt mũi, nhìn nhìn mấy đôi đũa tre.
– Sao, muốn nói gì nói đi ông tướng – Mẹ sẵn chiếc đũa trên tay, khõ nhẹ vào đầu nó, nói.
Nó gãi đầu, cười cười kéo ghế ngồi cạnh mẹ, rón rén để hộp đũa lên bàn. Cạnh những đôi đũa tre méo mó quê mùa, những đôi đũa thời thượng sang trọng của nó đương nhiên là nổi bật hơn hẳn. Nó hí hửng nhìn mẹ, hình dung mẹ sẽ rất thích mẹ sẽ mừng lắm và sẽ cười thật tươi. Chí ít cũng khen nó khéo lựa đồ chẳng hạn.
Nhưng mẹ nó im lặng, mỉm cười nhìn nó, nhìn hộp đũa của nó rồi nhìn mấy đôi đũa tre kia, khẽ thở dài. Nụ cười trên môi nó tắt ngóm, nó bối rối:
– Mẹ, sao vậy, hổng đẹp hả mẹ?
– Không con, đẹp lắm – mẹ nó lắc đầu.
– Vậy chắc mẹ không thích?-nó nói, giọng hơi hờn.
Mẹ nó cười, xỉ nhẹ vào trán nó, mắng yêu:
– Cái thằng, con trai mà hờn mát là không được đâu, nãy giờ mẹ có nói là không thích sao? Con có lòng hiếu thảo mẹ còn mừng là khác.
– Vậy sao mẹ thở dài, hổng nói gì hết trơn? – nó càng thắc mắc, giận lẫy.
Mẹ nó cười:
– Coi, con trai mà hờn mát là kỳ lắm à. Mẹ có chuyện này muốn kể cho con nghe, con lớn rồi, mẹ nghĩ con đã có thể hiểu được. Con có muốn biết tại sao mẹ lại hay dụng những đôi đũa tre cũ này chưng trên mâm cơm cúng không?
– Dạ muốn! – nó nói, mặt chưa thôi chù ụ.
Mẹ đưa tay vuốt tóc nó, ánh mắt chợt như hồi tưởng xa xăm, thoáng buồn. Mẹ kể giọng đầy bồi hồi xúc động…
…
Ngày trước, sau khi sinh mẹ ra chưa được bao lâu, bà ngoại bỏ đi xứ khác vì chê chán vùng quê sâu hút nghèo nàn và người chồng khờ khạo. Điều này mẹ nghe cô bác trong xóm kể lại, chứ ông ngoại con chưa bao giờ oán trách bà con một câu nào, ít ra là trước mặt mẹ. Vốn là người kém trí, không được nhanh nhẹn như người bình thường, lại nghèo, ông ngoại con chỉ biết làm thuê làm mướn nhưng công việc tay chân đơn giản cho người ta. Đã vậy, lại còn phải mang thêm nỗi đau bị phụ bạc và đơn thân nuôi nấng đứa con còn đỏ hỏn, khóc oe oe suốt ngày vì thiếu hơi mẹ.
Tội thân ngoại con, đi làm cũng phải bồng mẹ theo. Ngoại bỏ mẹ vào cái thúng đong lúa vác đi khắp nơi, khi làm việc thì để mẹ nơi bóng râm ngay tầm nhìn. Thương con thiếu sữa mẹ, ngoại con xin vào làm việc lặt vặt cho những nhà có phụ nữ vừa sinh để mẹ được người ta cho bú thép. Mẹ nhớ có lần ngoại con kể vô tình để cái thùng mẹ đang nằm trong đó gần ổ kiến, kiến cằn tay mẹ sưng vù. Mẹ khóc, ông ngoại hốt hoảng chạy lên thấy vậy vừa phủi kiến vừa khóc, luôn miệng: “Xin lỗi con, xin lỗi con…”.
Mẹ nhớ nhất là những lúc ngoại dổ dành cho mẹ ngủ bằng giọng ru vụng về thô kệch. Có lẽ vì thấy con đã thiếu sự chăm sóc của mẹ, không nỡ để giấc ngủ của con thiếu luôn lời à ơi, nên dù kém trí ngoại con cũng cố gắng nhờ cái dì các chị trong xóm day cho hát ru. Dạy hoài mà ngoại con nhớ đúng có một câu nên đành ru miết cho đến khi mẹ lớn:
“Chớ ầu ơ…
Nước chảy ra thương cha nhớ mẹ
Nước chảy vào thương kẻ…chớ…mồ côi
Mồ côi ba thứ mồ côi
Thứ ăn…mà…bát thịt…à a ơi…thứ ngồi chiếu manh”
Giọng ngoại ru không hay gì hết, mà thương đến xót ruột con ơi. Nhất là những đêm khuya mưa rả rích, nghe lời ru ngọng nghịu của ngoại cùng tiếng cuốc kêu khoắc khoải, nước mắt mẹ chực trào ra. Nhưng sợ ngoại con buồn, nên ráng không khóc thành tiếng.
Đến khi vào mẹ lớn lên, vào thành phố học, sau đó làm việc, lập gia đình và ở luôn trên này. Nhiều lần mẹ ngỏ ý muốn rước ngoại về phụng dưỡng nhưng do không quen với Sài thành ồn ã, được vài hôm ngoại con đã đòi về.
Khi mẹ sinh ra con, ẵm về quê chơi, ngoại con mừng đến rơi nước mắt. Ngoại để con nằm vào cái thúng đong lúa hồi trước dùng để đưa mẹ ra đồng, đem đi khoe cô bác trong xóm: “Con trai của con gái tui nè, kêu tui bằng ông ngoại. Mừng quá trời!”. Hai năm sau, khi mẹ mua được một ngôi nhà nhỏ trên thành phố, ông ngoại lúc đó cũng yếu lắm rồi nhưng vẫn tự tay đốn tre, vót thành một bó đũa tặng mẹ, nói là quá mừng tân gia cho con gái. Khi nhận món quà đó, tim mẹ nhói đau, thương ngoại con đến xót cả ruột. Bó đũa tuy không đẹp nhưng đối với mẹ nó còn quý hơn tất cả những thứ của cải đắt tiền khác.
…
– Hơn một năm sau, ông mất. Mẹ đã nguyện với lòng sẽ gìn giữ kỹ món quà này, như một cách để nhớ đế ngoại con và tự nhắc mình sống sao cho xứng đáng với những gì mà cha mình đã dành cho mình.
Mẹ nó vừa nói, vừa lau vội giọt nước mắt xúc động chực rơi xuống. Nó tần ngần không biết nói gì, vừa vì xúc động vừa vì bất ngờ. Đột nhiên nó thấy mình thật vô tâm, có biết bao nhiêu điều về ngoại mà nó chưa biết, cũng chưa hề hỏi. Ví như chuyện tại sao mẹ luôn dùng những đôi đũa tre cũ này chưng trên mâm cơm cúng giỗ mặc dù chúng vừa cũ vừa xấu. Tự nhiên nó thấy hơi ngượng ngùng.
– Bây giờ con đã hiểu nguyên nhân rồi đó. Con trai của mẹ đã lớn, mẹ kể con nghe chuyện này là để con hiểu và nhận ra ý nghĩa quan trọng của gia đình, nguồn cội. Có những thứ tưởng chừng như bình thường nhưng ý nghĩa của nó thì không gì có thể thay thế được, con hiểu không?
– Dạ con hiểu rồi! – Nó gật đầu.
– Thôi, tới giờ rồi, con coi phụ mẹ lau hết mớ đũa này rồi bưng mâm cơm lên thắp nhang cho ngoại nha.
Nó thấy trong lòng dâng lên một cảm giác xôn xao khó tả. Cầm những chiếc đũa tre vừa cũ vừa xấu mà mới cách đây ít phút thôi, nó chỉ muốn cho vào sọt rác, vậy mà giờ lại đem đến cho nó cảm giác yêu quý và hạnh phúc biết bao. Nó trân trọng, tỉ mỉ lau sạch từng chiếc đũa, nhàng nhàng nâng niu như một thứ gì đó rất mỏng manh và quý giá.
Nó bưng mâm cơm lên bày trang trọng trước bàn thờ ngoại. Khi cùng mẹ thắp cho ngoại một nén nhang, nó thấy trong lòng xúc động khôn tả, tự dưng nó quay sang nhìn mấy đôi đũa tre, thốt lên:
– Ngoại ơi, con xin lỗi…