Cuối năm 1937, nhà khảo cổ học Thụy Điển Anđécxen và hai chị em nhà khảo cổ học người Pháp là Cônani đã lênh đênh trên biển vịnh Hạ Long hàng tháng trời, họ trèo lên từng hang động, bãi cát, họ đã phát hiện nơi đây ngày xưa người nguyên thuỷ đã từng sinh sống đông đúc và họ đã tìm ra rất nhiều công cụ bằng đá như rìu, bôn, bàn mài, mảnh tước, kim khâu, vòng trang sức… và họ đã đặt tên là “Văn hoá Ngọc Vừng”.
Những năm tháng sau đó, các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục tìm kiếm khai quật và họ đã phát hiện thêm rất nhiều di chỉ khảo cổ có giá trị khác như Đồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ… Trong một diện tích hàng trăm kilômét vuông, vô vàn các hiện vật bằng đá sinh động được tìm thấy cùng với các mảnh gốm xốp có hoa văn vạch.
rong suốt quá trình phát triển đi lên, Hạ Long có vị trí đặc biệt quan trọng nằm trên tuyến đường thông thương giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Trảo Oa, Xiêm La… Dần dần vịnh Hạ Long trở thành trung tâm giao lưu văn hoá thương mại giữa các nước với VN xưa.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi “Tháng 2 mùa xuân Kỷ Tỵ năm thứ 10 đời vua Lý Anh Tông (1149) thành lập thương cảng Vân Đồn”. Trong suốt một thời gian dài từ đời Lý, Trần, Lê, Vân Đồn là nơi buôn bán giao lưu văn hoá nhộn nhịp giữa Việt Nam với Xiêm La, Trung Quốc, Nhật Bản, Trảo Oa… với qui mô khá to lớn. Dấu vết thương cảng cổ còn để lại tới ngày nay là bến Cái Làng (Quan Lạn).
Vân Đồn đồng thời là nơi ghi dấu chiến công lẫy lừng của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai. Tại đây tướng giặc là Trương Hổ bị Trần Khánh Dư đốt cháy toàn bộ đội thuyền lương.
Gắn liền với trung tâm buôn bán sầm uất đó, nhiều công trình kiến trúc tôn giáo mọc lên đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người buôn bán và dân bản xứ như nhà thờ đạo Kitô, chùa của đạo Phật.
Trong di chỉ Soi Nhụ, còn tìm thấy ba bộ xương người đã hoá thạch cùng nhiều vật dụng khác. Đặc biệt trong khu vực trung tâm di sản thế giới, mới phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ học có giá trị như: động Mê Cung, Thiên Long, Tiên Ông…
Động Mê Cung cách bãi tắm Ti Tốp 2 km về phía tây nam. Động nằm trên hòn Lờm Bò ở độ cao 25 m so với mực nước biển. Nhìn từ xa, cửa động như một mái nhà ăn sâu vào sườn đảo.
Qua một khe cửa nhỏ chỉ vừa một người qua, lòng động mở ra nhiều ngăn, tuy nhỏ hẹp nhưng lại hết sức tinh xảo, những nhũ đá mang hình pho tượng, hoa văn tuyệt đẹp, nhũ đá từng chùm muôn màu rủ xuống từ trần động, những sư tử đá, gấu đá đang vờn nhau, những bức rèm đá chảy dài trên vách động…
Một luồng ánh sáng nhạt từ xa hắt lại, đó là con đường dẫn ra cửa động. Ra khỏi cửa động, leo tiếp vài bậc đá sắc nhọn lởm chởm, nhìn xuống dưới là một hồ nước bị núi vây kín rất tròn và rộng, bốn mùa nước xanh biếc phẳng lặng như mặt gương, trong đó là thế giới của các loài sinh vật quần tụ như cá, tôm, mực, rong, tảo, san hô, cua… Bên cạnh là một khu đất có nhiều cây cổ thụ mà người dân thường gọi là khu “vườn thượng uyển”, đẹp đến mê hồn.
Qua những bậc đá cheo leo, một mái đá rộng nhô ra, khô ráo thoáng mát, lớp ốc suối Melina dày trải trên cửa động làm nền. Xưa kia lớp ốc này dày tới 1,2 m được kết tầng bán hoá thạch ở phía ngoài. Gần đây còn phát hiện một bộ xương thú đã hoá thạch trong động. Động Mê Cung được các nhà khảo cổ học xác định là một trong những di chỉ thuộc nền văn hoá tiền Hạ Long sơ kỳ đá mới, cách ngày nay 7.000 đến 10.000 năm.
Đi vào trong động, du khách tưởng như đang bước vào cung điện của một hoàng đế Ba Tư và những tiếng rì rầm đâu đây lại khiến du khách tưởng như đó chính là giọng nàng Sêhêharát đang kể câu chuyện nghìn lẻ một đêm cho vị quân vương của mình. Trên đảo là các loài cây cổ thụ già nua soi bóng nước… Đây cũng là nơi sinh sống của các loài chim, thú như khỉ, voọc, sơn dương, kỳ đà…
Sự phân bố các di chỉ văn hoá Hạ Long thường tìm thấy ở bãi cát ven biển và hang động như di chỉ Ngọc Vừng, Tuần Châu, Xích Thổ, Đồng Mang nhưng lại có những di chỉ ở rất xa bờ như Thoi Giếng, Tiên Ông; tuy vậy chúng đều có một đặc điểm chung là có cùng chất liệu, kỹ thuật chế tác, hình dáng… Các nhà khoa học đã thống nhất đặt tên là “Nền văn hoá Hạ Long thời hậu kỳ đồ đá mới”.
Tại bến Cái Làng, ở một đoạn bờ biển dài 200 m đã tìm thấy hàng vạn mảnh sành sứ vỡ của VN, Trung Quốc, Nhật Bản kết tầng dày tới 0,6 m có niên đại từ thời Lý đến thời Lê. Nơi đây cũng còn có rất nhiều nền nhà cổ sát nhau thành hàng dài dọc bến. Ngoài bến Cái Làng còn nhiều bến cổ khác được phát hiện thêm như đảo Cống Đông, Cống Yên, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Cái Bầu… với những dấu tích tương tự.
Riêng trên đảo Cống Đông đã có tới bốn ngôi chùa lớn nhỏ, một trong những ngôi chùa cổ có lối kiến trúc đẹp và rộng lớn còn lại tới ngày nay là chùa Lấm. Chùa được xây dựng từ thời Trần với đầy đủ tam quan, phật điện, tiền đường, nhà tổ… Phía đông bắc chùa là một ngôi bảo tháp, qua phế tích còn lại có thể khẳng định quy mô của bảo tháp khá đồ sộ và uy nghi.
Theo halong.com