HUYỀN THOẠI VỀ CHỊ HẰNG

Ngày xưa, có một đôi vợ chồng
trai tài gái sắc hết đỗi yêu thương quấn quýt nhau là Hậu Nghệ và Hằng Nga. Hậu
Nghệ c hính là người anh hùng đã cứu loài người khỏi nạn thiêu đốt của mặt
trời. Tương truyền, vào thời xa xưa, trên trời xuất hiện mười ông mặt trời,
cùng thiêu đốt mặt đất, khiến đất đai nứt nẻ, biển hồ khô cạn. Loài người đói
khát bệnh tật triền miên và đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Đau xót trước nỗi
thống khổ của nhân dân, Hậu Nghệ quyết tâm tiêu diệt mặt trời. Không quản hiểm
nguy, chàng  trèo lên đỉnh núi Côn Lôn, dùng nỏ thần bắn rụng chín ông mặt
trời, đem lại cuộc sống bình yên no ấm cho mọi người. Còn vợ chàng, Hằng Nga là
một người con gái xinh đẹp tuyệt trần, dịu dàng, đôn hậu và tốt bụng. Bởi vậy,
hai vợ chồng họ có một cuộc sống thật ấm êm hạnh phúc  trong tình yêu
thương và kính trọng của dân làng.

 

Một hôm, Hậu Nghệ bỗng nhớ một
người bạn thân, chàng bèn du ngoạn đến núi Côn Lôn thăm bạn. Trên đường, chàng
gặp Vương mẫu nương nương. Cảm tình với chàng trai tài giỏi và đức độ, Vương
mẫu tặng chàng thuốc trường sinh bất tử. Thuốc này uống vào sẽ lập tức bay lên
trời thành Tiên. Nhưng Hậu Nghệ còn yêu mến trần gian xinh đẹp và ấm áp tình
người nên chưa muốn rời đi.Vì vậy chàng bèn đưa  thuốc cho vợ cất mà không
nói cho nàng biết là thuốc gì.

 

Không ngờ trong đám học trò của
Hậu Nghệ có một kẻ tâm địa không tốt tên là Bồng Mông. Việc Hằng Nga đang cất
giữ thuốc bất tử đã bị Bồng Mông biết được.

Hôm sau, nhân lúc Hậu Nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắn, Bồng Mông giả vờ lâm
bệnh, xin ở lại nhà. Đợi Hậu Nghệ dẫn các học trò đi khỏi, Bồng Mông đột nhập
vào hậu viện, rút kiếm ép Hằng Nga phải đưa thuốc cho hắn. Trong lúc nguy cấp,
không thể để thuốc lọt vào tay kẻ ác, Hằng Nga mở hộp lấy thuốc cho vào miệng
nuốt. Nuốt thuốc xong, Hằng Nga bỗng nhiên nhẹ rời mặt đất, hướng về phía cửa
và bay lên trời. Tuy nhiên do lòng vẫn quá  nặng tình lưu luyến với chồng,
với trần gian nên nàng đã bay đến Mặt  trăng, là nơi gần nhất với nhân
gian.

 

Khi Hậu Nghệ về đến nhà  thì
vợ đã bay đi mất. Trong lúc đau khổ, chàng ngửa cổ lên bầu trời đêm thăm
thẳm, thống khổ gọi tên vợ hiền. Bỗng nhiên, mặt trăng  trở nên  đặc
biệt sáng ngời và trên mặt trăng xuất hiện một bóng người lay động trông giống
Hằng Nga. Đau khổ, Hậu Nghệ sai người lập hương án, thắp nén hương gửi lên Hằng
Nga nơi cung trăng những món ăn và đồ vật mà nàng yên thích.

Nghe tin Hằng Nga đã bay lên
cung trăng thành tiên nữ, dân làng đều lần lượt bày hương án dưới ánh trăng,
cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an. Từ đó, phong tục “bái
Nguyệt” vào tết trung thu được truyền đi trong dân gian.

 Người đăng: Nguyễn Thị Mỹ Phụng – Nhóm Admin

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng