KHUYẾN KHÍCH TRẺ ĐỌC SÁCH

– Đọc và biết chữ là các kỹ năng quan trọng mà mỗi bé đều   phải học hỏi. Đọc sách là một trong những phương pháp quan trọng vừa giúp trẻ   tiếp xúc với các chữ cái cũng như là cách để trẻ rèn luyện những kỹ năng trên.   Tuy nhiên, một thực tế là rất nhiều trẻ lại cảm thấy không hứng thú với việc   đọc sách, đặc biệt là khi chúng nghĩ chúng bị bắt buộc. Chính vì thế mà cha mẹ   phải có những cách thức cơ bản để khuyến khích trẻ đọc sách.

Nuôi dưỡng đam mê đọc sách ở trẻ là một trong những   nhiệm vụ quan trọng của cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con. Tuy vậy, đây thực sự   là một vấn đề không phải dễ thực hiện. Nhiều bậc cha mẹ còn cảm thấy bế tắc vì   mỗi lần động đến sách là con mình lại trở nên bướng bình, thậm chí quyết liệt   từ chối đọc sách. Do đó, Parentslink Việt Nam xin giới thiệu 4 lời khuyên giúp   cha mẹ có cách nhìn nhận đúng đắn, biến đọc sách thành hoạt động thú vị cho   trẻ.

  1. Hãy cho bé cơ hội tiếp cận với sách          Sai lầm lớn nhất của cha mẹ không phải là việc cung cấp ít tài liệu cho con đọc   mà là không cung cấp cho trẻ những tài liệu phù hợp với độ tuổi của mình. Hầu   hết các bé đều thích đọc, thậm chí xem các loại sách có nhiều màu sắc, hình vẽ   sinh động. Nhiều bậc cha mẹ đã quá vội vàng bắt con đọc các loại sách có nội   dung kiến thức rất rộng, cách trình bày quá hàn lâm khiến trẻ không hiểu, và   dần dần trẻ còn cảm thấy khó chịu, ghét đọc sách. Thế nên, bước đầu tiên đối   với cha mẹ trong việc khuyến khích con ham đọc sách chính là việc cho bé cơ hội   tiếp cận với những loại sách có nội dung, hình thức phù hợp với độ tuổi của con   bạn. Hơn nữa, bạn cũng cần phải để ý xem con bạn thích những nội dung gì , có   những trẻ chỉ thích tìm hiểu về động vật nhưng có những trẻ lại có niềm đam mê   rất lớn đối với những chiếc ô tô…Những bậc cha mẹ chỉ cần nhớ rằng, việc khơi   dậy niềm đam mê đọc sách đối với con bạn mới là nhiệm vụ quan trọng. Bạn có một   vị thế rất khác so với cô giáo của con bạn. Cô giáo có thể buộc trẻ đọc một   loại sách nhất định để phục vụ việc học tập nhưng bạn thì chỉ có nhiệm vụ hãy   khơi dậy niềm đam mê đọc sách của trẻ. Vậy thì cha mẹ hãy làm một điều giản đơn   giúp con bạn yêu sách bằng cách cho chúng cơ hội tiếp cận với sách.
  2. Hãy cho bé đọc sách bé yêu thích          Làm thế nào để biết bé thích đọc sách gì? Đây là một câu hỏi khó đối với những   bậc cha mẹ. Nếu con bạn đã đủ lớn để diễn đạt xem chúng thích sách gì thì thật   đơn giản phải không? Câu trả lời vẫn chưa thực sự là dễ dàng. Con bạn mới chỉ   bắt đầu nhận thức được cái gì chúng thích hơn cái gì chứ bản thân chúng vẫn   chưa hiểu thế nào là yêu thích. Thế nên, bạn hãy gợi mở cho chúng bằng những   câu hỏi xem con thích cái gì hay thậm chí là cho chúng mô tả những gì thú vị   với chúng…Đây là một cách mà bạn có thể biết chúng thích loại sách gì. Ngoài   ra, hãy cho bé đi mua sách cùng bạn. Bé sẽ là người chọn sách còn bạn sẽ đóng   vai trò là người góp ý. Chắc chắn bạn và bé sẽ có những cuốn sách mà cả hai   người cùng cảm thấy hài lòng. Nhưng đây là dành cho những bé đã biết diễn đạt,   đã có thể tự lựa chọn được sách cho mình. Vậy những bé chưa biết hoặc chưa có   khả năng diễn đạt rõ ràng thì những bậc cha mẹ nên làm gì? Nếu bạn đang trong   tình huống này thì yêu cầu về việc bạn phải tự quan sát và quyết định sẽ cao   hơn. Hãy để ý xem con bạn thích thú với những đồ vật gì, con vật gì hoặc lĩnh   vực gì. Có bé thích hoa, thích búp bê, thích cô tiên nhưng có những bé lại   thích những con vật trong rừng hoang dã. Có những bé lại thích màu xanh lá cây   nhưng có bé lại thích những màu vàng của ông mặt trời. Từ sự quan sát về bé,   bạn hãy lựa chọn những cuốn sách gần với những gì bé yêu thích. Bố mẹ cũng nên   đưa cho bé một số quyển và cho trẻ chọn để đọc. Những bậc phụ huynh hãy hướng   dẫn bé khi đọc nên ngồi một chỗ và sau đó bạn có thể hỏi  bé về nội dung   đã đọc hoặc khuyến khích bé kể lại cho chính bạn hoặc người khác nghe.
  3. Làm thẻ thư viện cho trẻ          Bạn có cảm thấy lạ lẫm với điều này không? Làm thẻ thư viện cho bé? Ở Việt Nam   chúng ta thường đến thư viện khi có bài tập, thậm chí chỉ khi nào phải viết   khóa luận tốt nghiệp, viết luận văn cao học hoặc luận án tiến sĩ…Như vậy, thư   viện là dành cho người lớn. Tuy nhiên, ở các nước phát triển có rất nhiều thư   viện dành riêng cho trẻ. Do đó, những bậc cha mẹ hãy cứ làm cho trẻ thẻ thư viện.   Đến thư viện, trẻ sẽ hiểu có nhiều người thích đọc sách như thế nào, yêu thích   sách như thế nào. Trẻ con lại thường yêu thích việc làm giống người khác. Do   đó, bạn hãy cho trẻ cơ hội được tiếp cận với sách. Ngoài ra, nếu bạn có thể hợp   tác cùng với nhiều bậc phụ huynh hãy cùng góp sách để thành lập một thư viện mi   ni để con cách bạn cùng đến đó đọc sách, trao đổi sách. Chắc chắn bé yêu của   bạn sẽ cảm thấy yêu sách thích.
  4. Kết hợp trò chơi để đọc sách          Ban có biết rằng: phương pháp học tập tốt nhất của trẻ là thông qua vui chơi.   Bạn cũng thấy tại sao những trường học quốc tế dành cho trẻ lại cho các bé chơi   là chính chứ không ngồi học cặm cụi với cái bảng, bút viết và cuốn sách như   nhiều trường mầm non, tiểu học ở Việt Nam. Hãy khuyến khích trẻ đọc sách thông   qua hoạt động vui chơi như: hãy đố bé xem cô Tắm phải nhặt cái gì khi mẹ con   Cám đi dự yến tiệc của vua, hãy đố bé xem chàng sọ dừa phải đi chăn con   gì…Nếu việc đọc sách là một trò chơi vui vẻ, bé sẽ hăm hở đọc và nhớ rất lâu   chi tiết mà bé đã tham gia trò chơi.  Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên hình   thành thói quen đọc sách trước khi đi ngủ cho bé. Đây cũng là một phương pháp   hữu ích để ươm mầm tình yêu đọc sách của trẻ từ nhỏ. Cha mẹ cũng nên nhớ đọc   cho trẻ nghe cũng là một cách tuyệt vời bởi vì đôi khi trẻ không muốn đọc vì   mệt mỏi, ngại cầm sách. Bạn đừng ngại ngần đọc cho trẻ nghe…

Trên đây là một số phương pháp mà các nhà khoa học khuyên cha mẹ áp dụng để khuyến   khích con đọc sách. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên nhớ: Không ai hiểu con bằng cha   mẹ nên với mỗi bé, cha mẹ phải tự tìm tòi một hoặc nhiều phương pháp hiệu quả   đối với con của mình. Chỉ cần cha mẹ hiểu, chỉ có bạn mới là nguồn động lực lớn   nhất, là nơi thúc đẩy lớn nhất con bạn yêu thích đọc sách. Thế nên, bạn phải   nhớ vai trò của bạn quan trọng như thế nào trong việc con bạn có thích hay   không thích đọc sách. Điều này phần lớn phụ thuộc vào bạn đấy!

Người đăng: Nguyễn Thị Mỹ Phụng – Nhóm Admin

 

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng