KÝ ỨC TRẠI HÈ – Huỳnh Lê Xuân Thảo – Thành viên Ban Quản trại Tiểu trại 3 (Nhân Ái)

TRẠI HÈ 2024: CẦN THƠ – AN GIANG 🌾|
– – – – – – – – – – –
KÝ ỨC TRẠI HÈ
Huỳnh Lê Xuân Thảo – Thành viên Ban Quản trại Tiểu trại 3 (Nhân Ái)
“Đi trại hè, em đi trại hè
Trong lòng vui sướng có nhiều tiếng ve…”
Lại một mùa hè nữa đến rồi, chúng tôi – những thành viên của Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu đã sẵn sàng hành trang để bước vào kỳ trại Huấn luyện và Nâng bậc lần thứ 17 tại Cần Thơ – An Giang miền Tây kéo dài 5 ngày 4 đêm. Chuyến đi này tuy chỉ ngắn ngày, nhưng mang lại cho tôi và các bạn nhiều cảm xúc khó quên, các bạn còn được học tập những kỹ năng sinh hoạt, kỹ năng sống… khi đi trại hè cùng nhau. Các bạn tham gia trại hè năm nay đến từ Sao Bắc Đẩu Đông Tao Đàn, Bắc Tao Đàn, Hoàng Văn Thụ được chia đều ở bốn tiểu trại. Chúng tôi có mặt tại Trường Đoàn mang tên anh Lý Tự Trọng và khoác trên mình bộ đồng phục. Lễ trao thẻ trại sinh được diễn ra, từ giây phút mang trên mình chiếc thẻ ansin, khăn rằn thì chúng tôi đã chính thức trở thành trại sinh.
Buổi tối hôm ấy, lễ khai mạc diễn ra rất đặc sắc. Hoà mình vào không gian hoành tráng khi thực hiện truyền thống dâng hương tại tượng đài anh Lý Tự Trọng làm tôi cảm thấy thêm phần tự hào về anh – một nhà cách mạng trẻ tuổi, một tấm gương sáng cho thanh thiếu niên Việt Nam. Buổi lễ khai mạc trại đã diễn ra thật hoành tráng để nhắc lại một lần nữa rằng chỉ ít giây phút nữa thôi, Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu sẽ chính thức bắt đầu một hành trình trại hè 2024 với chủ đề “Hành trình trên đất phù sa”.
Trước khi khởi hành, các thành viên 4 xe được thắt dây ruy băng để phân biệt các xe.
+ Xe 1: Thân Thiện – anh Võ Hoài Trung
+ Xe 2: Hiền Hòa – anh Trần Quang Duy
+ Xe 3: Nhân Ái – chị Đoàn Thị Thu Chung
+ Xe 4: Nghĩa Tình – anh Nguyễn Văn Tây
Sau đó, mọi người được xếp hàng lên xe theo sự điều động của các anh chị thủ lĩnh. Kiểm tra đủ “hành khách”, xe buýt bắt đầu lăn bánh.
Để hiểu nét văn hóa miền Tây đặc sắc như thế nào, xin mời các bạn cùng tôi tìm hiểu chợ nổi Cái Răng – nét đặc trưng vùng sông nước không giống như bao ngôi chợ khác trên đất liền. Hầu hết, các chợ nổi ở miền Tây đều bắt đầu tụ tập khi trời mờ sáng. Chợ nổi Cái Răng cũng vậy, chỉ tầm khoảng 3-4 giờ sáng là đã hiện ra một khung cảnh nhộn nhịp trong màn sương đêm. Hoạt động mua bán diễn ra trên những chiếc ghe thuyền lớn và nhỏ, tạo nên một không gian sôi động, hòa mình vào nhịp sống của dòng nước, với tiếng sóng nhẹ, tiếng máy ghe nổ và tiếng trao đổi vui tươi, tạo ra một bức tranh miền Tây sông nước vô cùng độc đáo nhưng vẫn rất bình dị, mang đậm bản sắc quê hương và lòng hiếu khách của người dân miền Tây. Ghe xuồng lướt qua lướt lại rộn ràng cả khúc sông rộng. Trải nghiệm ngồi trên chiếc thuyền lắc lư bồng bềnh chao đảo theo những con sóng rồi lắng nghe âm thanh huyên náo của người mua kẻ bán sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy thật sự thích thú với văn hóa con người Nam Bộ.
“Người đi chợ nổi Cái Răng
Sớm mai còn khuyết mảnh trăng hạ tuần
Thuyền ghe ngang dọc quây quần
Trăm quê bẹo dựng cột cần nhấp nhô”
Có một điều đặc biệt rất thú vị trên khu chợ nổi này mà ai cũng tò mò. Đó là sự hiện diện của những cây bẹo. Mục đích xuất hiện của những cây bẹo này vừa vui nhưng cũng hết sức ý nghĩa. Điều này, đã trở thành một yếu tố quan trọng hình thành nên nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước. Nét đặc trưng này thể hiện rất đơn giản, đó là trên cây bẹo treo cái gì thì bán cái đó. Có cây cũng treo nhưng không bán hay treo cái này mà bán cái kia. Tại sao lại nói như vậy? Bởi lẽ, trên sông nước, thuyền bè lúc nào cũng bị bấp bênh theo dòng chảy của con sông. Cho nên, những vật treo lên cây bẹo như: bưởi, xoài, chôm chôm, nhãn… là những mặt hàng được treo để rao bán. Còn như những đồ ăn thức uống như: cơm, hủ tiếu, bún… thì không treo được, vì nếu treo lên thì nó sẽ đổ. Đây là lý do tại sao nói: treo cái này mà bán cái kia. Tuy nhiên, cũng từ các cây bẹo này, có những thứ treo lên mà người ta không bán, đó chính là quần áo. Điều này dễ hiểu hơn, vì quần áo được treo lên sau khi giặt giũ. Điểm đặc biệt hơn, có những cây bẹo treo toàn lá dừa thì đố các bạn bán cái gì? Đó chính là bán ghe, tàu, hay thuyền. Tại sao lại như thế? Theo văn hóa truyền thống của người miền Tây thì thế này. Lá dừa là một vật liệu lợp mái làm nhà, mà nhà là nơi an cư của con người. Chính vì vậy, khi treo lá dừa lên cây bẹo, đồng nghĩa là rao bán tổ ấm của mình đang sinh sống. Đây cũng là lý do để mọi người đều hiểu: Chợ nổi Cái Răng. Với những cảm xúc đa dạng và vô cùng hấp dẫn nhưng chợ nổi Cái Răng ngày nay không còn đông đúc như trước nữa. Chợ nổi Cái Răng không chỉ là nơi giao thương mà còn là kho tàng văn hóa, lưu giữ những giá trị truyền thống của miền Tây sông nước.
Đoàn ghé trạm dừng chân Quang Khang để ăn sáng với các món ăn đã được chọn trước khi đi trại là cơm sườn, nui, hủ tiếu mì rồi mới lên xe đi tiếp để tới Homestay FaMi Nguyễn. Điểm ấn tượng đầu tiên là khu FaMi Nguyễn Homestay ở An Giang có phòng nghỉ thật rộng rãi, thoáng đãng, xanh mướt – màu xanh của miền Tây. Vì đến homestay cũng đã tầm trưa nên chúng tôi bắt đầu bữa ăn trưa tại nhà ăn của homestay với nhiều món ăn miền Tây dân dã nhưng rất đầy đủ và thơm ngon. Sau đó, chúng tôi dành thời gian để nghỉ ngơi và bắt đầu với chuyến đi tham quan Miếu Bà Chúa Xứ, chùa Hang, Lăng Thoại Ngọc Hầu, nghe anh hướng dẫn viên kể về truyền thuyết tượng Bà Chúa Xứ. Từ sự linh ứng của Bà đã khiến mọi người mong muốn đưa tượng Bà xuống núi Sam dựng miếu thờ, sự kỳ diệu khi cử 9 cô gái đồng trinh mang tượng của bà xuống núi, cho đến vị trí xây dựng miếu và ý nghĩa của nó giúp cho cả đoàn hiểu biết hơn về nơi linh thiêng cúng kiếng Bà. Nhiều người đến đây để cầu bình an, may mắn, sức khoẻ và tài lộc về cho gia đình, người thân. Đến tối, chúng tôi được đi đến tượng đài Cá Basa, đây là một điểm check-in tuyệt vời và cũng là nơi giúp chúng tôi tụ họp lại nói chuyện, ăn uống và hiểu nhau hơn và chúng tôi coi đó như là một gia đình – gia đình Sao Bắc Đẩu.
Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng, chúng tôi tập trung ngoài sân để chụp hình cho từng tiểu trại và chụp cùng các anh chị thủ lĩnh. Trên sân bây giờ tràn ngập sắc màu của những bộ bà ba nhìn rất đẹp và thích mắt. Thầy Toàn đã tách ra làm hai lượt: một lượt chụp với áo bà ba truyền thống màu nâu – đen và một lượt chụp với áo bà ba hiện đại với nhiều sắc màu rực rỡ. Sau đó, chúng tôi di chuyển từ từ lên xe, xuất phát đến điểm tham quan rừng tràm Trà Sư. Là một trong những khu sinh thái, rừng quốc gia nổi tiếng nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, rừng tràm Trà Sư là điểm đến “không thể bỏ qua” trong hành trình khám phá đất và người phương Nam.
Thể hiện rõ nét những đặc trưng sông nước với hệ sinh thái điển hình của vùng rừng ngập nước phía Tây sông Hậu, rừng tràm Trà Sư là niềm tự hào du lịch của miền Tây nói riêng và Việt Nam nói chung. Ai nấy đều mặc lên mình những bộ đồ bà ba sang trọng với nhiều hoa văn, nhiều màu sắc rực rỡ. Thời tiết như ưu đãi đoàn chúng tôi nên mặc dù trước đó mưa rỉ rả nhưng khi cần chụp hình lưu niệm thì trời quang mây tạnh để có những tấm hình thật đẹp, thích quá đi thôi. Cả đoàn còn được hưởng cái không khí trong lành, thanh sạch và không ngớt tiếng nói cười rỉ rả của các bạn nhỏ và của cả muôn loài chim. Thỉnh thoảng, các bạn còn nhìn thấy một vài đám lục bình dập dềnh từ xa kéo tới trên con nước phù sa đục ngầu. Khám phá bên trong rừng bằng những chiếc ghe nhỏ và được các chú lái thuyền thuyết minh về khu rừng, vì thế tôi đã biết những thứ có trong rừng và biết thêm các loài chim ở đây. Những chú lái thuyền rất vui tính và tạo ra những cuộc nói chuyện vui nhộn từ lúc đi đến lúc về. Hãy ghé đến rừng tràm Trà Sư, nơi bạn sẽ có những giây phút thư giãn thật sự nha.
Chiều hôm đó, chúng tôi đã được chơi các trò chơi teamwork – team building như bánh xe tình bạn, kéo co… để giúp tăng thêm tinh thần đồng đội và giúp các bạn có dịp thể hiện sự khéo léo, mạnh mẽ của mình. Khi mọi thứ đã được chuẩn bị thì đêm giao lưu văn hóa văn nghệ chính thức bắt đầu với những tiếng hò reo rộn ràng của từng tiểu trại Thân Thiện, Hiền Hòa, Nhân Ái, Nghĩa Tình cùng những đạo cụ riêng biệt như gáo dừa thô, chai lắc, thanh phách, cây đập bằng mút. Càng thêm sôi động hơn đó là tiếng cổ vũ như “Nhân Ái! Nhân Ái! Nhân Ái!” xen lẫn tiếng thanh phách làm tăng sự náo nhiệt của Tiểu trại 3. Tiếp đến là các phần thi đua vô cùng quyết liệt, vừa thể hiện tinh thần đồng đội, vừa nâng cao sức mạnh tiểu trại mình như hô to băng reo của các tiểu trại.
“Anh em ơi – Ơi! Anh em à – À!
Nào mình cùng lên xe buýt
Nào mình cùng đi chơi nhé
Lên xe ngay – Về miền Tây – Hey hey hey!
Người miền Tây – Thân Thiện
Đất miền Tây – Hiền Hòa
Tình miền Tây – Nhân Ái
Hành trình miền Tây – Nghĩa Tình
Về miền Tây – Chơi thật hay – Cười mê say
Vỗ tay: 123 – 123 – 1234567 – Oh yeah!
Nghe vẻ nghe ve – Nghe vè sông nước
Xuồng anh chèo trước – Em sẽ men theo
Ba lô em đeo – Nhịp chèo xuôi mái
Tên gọi Nhân Ái – Là Tiểu trại 3
Anh em chúng ta – Ngân ca câu hát
Đồng xanh bát ngát – Vang tiếng chim ca
Tiểu trại Nhân Ái – Nhiệt tình hăng hái
Tấm lòng bác ái – Nhớ mãi không phai
Tiểu trại Nhân Ái – Có một không hai!
Hành trình trên đất phù sa
Mời ai có dịp ghé qua một lần
Miền Tây sống trọn chữ tâm
Nghĩa tình nhân ái, trước sau giữ gìn
Miền Tây sống trọn chữ tình
Đi rồi sẽ đến, đến rồi sẽ thương
Sẽ thương cái mà sẽ thương!
Oh yeah! Oh yeah! Oh yeah!”
Khi về đến nhà, đoạn băng reo ấy vẫn văng vẳng trong tai khiến tôi không tài nào quên được. Các bạn vô cùng phấn khích và tràn đầy năng lượng khi thi các vũ điệu đường phố 1, 2, 3, 4. Không chỉ các bạn nhỏ đâu nhá mà có cả các bậc phụ huynh là ông bà, cha mẹ cũng cùng thi thố cùng chúng tôi. Hình ảnh ấy thật giản dị, đầm ấm và thật sự hạnh phúc. Các tiểu trại đều dùng ngọn lửa nhiệt huyết riêng biệt để cháy hết mình, các trại sinh biểu diễn những tiết mục văn nghệ cổ động và ca múa nhạc vừa có nhẹ nhàng vừa có sôi động đã được luyện tập trước đó như một điểm nhấn đặc biệt của các tiểu trại. Tiếp đến là những tiết mục thời trang theo chủ đề về miền Tây với những bộ trang phục các anh nông dân, con trâu đi cày, phú ông, phú bà vô cùng đa dạng, được các đại diện của từng tiểu trại phô diễn ra trên sân cho mọi người chiêm ngưỡng.
Chúng tôi luôn mong chờ nhất là đêm lửa trại. Chúng tôi được quây quần bên nhau, cùng nhau kết thành những vòng tròn thật to quanh ngọn lửa hồng. Những cái ôm, những cái bắt tay, những cái khoác vai… Dường như giữa chúng tôi không còn khoảng cách mà đã là một, không còn ngại ngùng gì nữa. Chúng tôi cùng nhau nhảy theo điệu nhạc Chachacha hay Twist, thật ý nghĩa, thật vui, quẩy hết mình. Hình ảnh ngọn lửa bừng cháy trên từng ngọn đuốc, pháo hoa nổ sáng cả vùng trời và thế là đêm lửa trại đã bắt đầu. Đêm ấy, bao quanh ánh lửa trại bập bùng, giữa không gian quyện hòa những thanh âm sống động, trao cho nhau những cái bắt tay, những cái ôm thắm thiết. Cùng nhau hát những bài ca, cùng nhau vui đùa, cùng nhau hò hét, tất cả các điều đấy đã in sâu vào kỷ niệm. Chúng tôi còn có buổi liên hoan nhỏ trong tiểu trại, mỗi người đều được một chiếc bánh bao và ăn trái cây, bánh bò rất ngon.
Ngày mới, chúng tôi tới công viên nước Hải Đến, là một địa điểm vui chơi giải trí hấp dẫn dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Nơi đây có nhiều trò chơi thú vị và bổ ích, giúp bạn và gia đình có những giây phút thư giãn tuyệt vời. Công viên nước Hải Đến có nhiều hồ bơi với độ sâu khác nhau, phù hợp cho cả trẻ em và người lớn. Có nhiều cầu trượt nước với độ cao và độ dốc khác nhau, mang đến cho bạn những trải nghiệm cảm giác mạnh. Vòng quay nước là trò chơi dành cho cả gia đình, giúp bạn có những giây phút thư giãn và ngắm nhìn cảnh đẹp xung quanh. Sau khi chơi ở công viên nước xong thì chúng tôi được đi tới chợ Châu Đốc. Từ đây chúng tôi được chia ra làm các nhóm nhỏ hơn để thuận tiện di chuyển trong chợ để mua sắm đặc sản mắm ngon tuyệt.
Đêm đáng mong chờ nhất trong hành trình trại đã đến, đêm mà các bạn chính thức được công nhận đẳng cấp Nơ bướm 1, Nơ bướm 2, Hướng dương 1, Hướng dương 2, Hướng dương 3, Hướng dương 4 đã đạt được trong kỳ thi nâng bậc. Các bạn lần lượt được xướng tên, bước lên sân khấu, nâng niu đẳng cấp trên tay mà mình đã cố gắng đạt được. Hồi hộp nhất là giây phút chờ đợi công bố thủ khoa các cấp bậc để rồi vỡ òa trong hạnh phúc khi tên mình được xướng ngôn. Ai ai cũng chúc mừng các bạn thủ khoa đã hoàn thành bài thi một cách xuất sắc nhất. Ngay sau phần lễ đăng quang là lễ bế mạc trại, giây phút chia tay nhau đến gần, những cái ôm, cái bắt tay, nụ cười hạnh phúc được trao nhau, những phần quà lưu niệm được gửi đến các anh chị, các bậc phụ huynh cùng các bạn trại sinh. Chúng tôi còn có buổi liên hoan nhỏ trong tiểu trại với trứng cút, xúc xích, cá viên chiên rất ngon. Chỉ ngày mai thôi trên sân FaMi Nguyễn Homestay sẽ không còn những tiếng cười đùa, những bước chân vội vã, những nụ cười rạng rỡ…
Ngày cuối của kỳ trại, tạm biệt FaMi Nguyễn Homestay, chúng tôi đến chợ Tịnh Biên để tham quan mua sắm. Ở đây, một lần nữa các bạn lại biết thêm một cái chợ, được dịp mua thêm quà lưu niệm cho gia đình, bạn bè. Tiếp đến là tham quan Thiền viện Đông Lai (Chùa Bánh Xèo), lạy Phật cầu mong gia đạo bình an, chúng tôi còn được thưởng thức món bánh xèo nóng hổi thơm ngon.
Hành trình trên đất phù sa và hành trình Trại Huấn luyện và Nâng bậc 2024 khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc, mang theo đó là những kỷ niệm đẹp khó quên. Cuộc vui nào rồi cũng tàn, đã đến lúc chúng tôi khởi hành lên xe về lại với thành phố Hồ Chí Minh. Cảm giác trong tôi lúc đó vẫn rất luyến tiếc tại sao thời gian lại trôi nhanh đến thế. Cảm ơn Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu đã mang đến cho tôi và các bạn một mùa hè thật tuyệt vời và ý nghĩa. Hẹn sang năm với Trại Huấn luyện và Nâng bậc 2025 tại một bãi biển xinh đẹp.
Chia sẻ bài viết lên:
Đóng