1. Bỏng là gì?
– Bỏng là một tai nạn mà tổn thương bỏng được gây nên trên da (hoặc ở các tạng) do các tác nhân gây bỏng.
2. Các tác nhân gây bỏng thường gặp?
Bỏng có thể gặp do nhiều loại tác nhân:
+ Bỏng do nhiệt: Gồm nhiệt nóng (nhiệt ướt: nước sôi, nước nóng, thức ăn nóng của người, thức ăn nóng cho gia súc, kim loại nóng chảy; nhiệt khô: kim loại nóng, bô xe máy, bàn là; bỏng do khí nóng); do nhiệt lạnh (tổn thương do cóng lạnh như nitơ lỏng chẳng hạn…)
+ Bỏng do lửa: lửa dầu, lửa xăng, lửa cồn, lửa do cháy nhà, cháy xe, tia lửa điện
+ Bỏng do hoá chất: Bỏng do axit, bỏng do kiềm (vôi tôi nóng…)
+ Bỏng do dòng điện: Dòng điện cao thế, dòng điện hạ thế
+ Bỏng do bức xạ: Tia phóng xạ, tia X, bức xạ mặt trời…
3. Tác hại của bỏng?
– Bỏng có thể gây tử vong (tỷ lệ tử vong do bỏng nặng, rất nặng có thể từ 3 – 10%)
– Bỏng có thể gây tổn hại lớn về sức khoẻ
– Bỏng có thể để lại các di chứng nặng nề về chức năng, về thẩm mỹ và tâm lý
– Điều trị bỏng rất khó khăn, tốn kém, phải điều trị kéo dài, nhiều lần
– Bỏng có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt không chỉ với nạn nhân mà còn với gia đình và xã hội.
4. Bạn biết gì về diện tích và độ sâu bỏng?
– Diện tích bỏng: là độ rộng của tổn thương bỏng trên da: Người ta quy ước toàn bộ diện tích da của cơ thể là 100 phần, diện tích bỏng chính là số phần trăm (%) diện tích da bị bỏng so với toàn bộ diện tích da của cơ thể, nó được tính bằng đơn vị là: % diện tích cơ thể (%DTCT). Ví dụ một người bị bỏng toàn thân tức là bỏng 100% DTCT, bị bỏng nửa người tức là bỏng 50% DTCT…
– Độ sâu bỏng: là mức độ nông hay sâu của tổn thương trên da tính từ ngoài vào trong. Phân theo độ sâu của bỏng thì sẽ có 2 loại bỏng:
+ Bỏng nông: là bỏng một phần lớp da, tổn thương bỏng có thể tự khỏi nhờ quá trình tái tạo của các tế bào biểu mô
+ Bỏng sâu: Là bỏng toàn bộ lớp da (đến lớp mỡ dưới da) hoặc bỏng đến các tạng dưới da (mạch máu, thần kinh, cơ, xương, khớp). Bỏng sâu không tự khỏi được (trừ trường hợp diện tích bé) mà cần phải có sự tác động bằng ghép da, chuyển vạt da hay ghép các tế bào da nuôi cấy.
5. Bỏng có thể gây ra các biến chứng gì?
Không nên chủ quan chỉ vì bỏng “ngoài da”. Bỏng có thể gây nên nhiều biến chứng rất nguy hiểm:
– Sốc bỏng (do mất nước, đau đớn, hoảng hốt…)
– Nhiễm khuẩn, nhiễm độc bỏng, đặc biệt nhiễm khuẩn huyết
– Suy thận cấp
– Suy hô hấp, nhất là có bỏng hô hấp, bỏng vùng mặt, cổ
– Chảy máu đường tiêu hoá, suy nhiều tạng…
6. Có nên đến thầy lang chữa bỏng?
– Vì bỏng có hai loại là bỏng nông (tự khỏi) và bỏng sâu (không tự
khỏi). Hơn nữa, để tiên lượng tình trạng nặng hay nhẹ, nguy hiểm hay không nguy hiểm của bỏng thì ngoài độ sâu như trên, còn phụ thuộc vào diện tích bỏng rộng hay hẹp, phụ thuộc tuổi của nạn nhân, phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ, bệnh tật của nạn nhân khi bị bỏng…
-Thầy lang không có các kiến thức chuyên môn cơ bản về chẩn đoán loại bỏng, đánh giá mức độ nặng nhẹ của bỏng …do đó sẽ rất nguy hiểm nếu sau khi bị bỏng lại đưa nạn nhân đến thầy lang.
– Với những tổn thương bỏng nông, diện tích bé không đe doạ xảy ra các biến chứng: Chúng ta có thể nhờ các cơ sở y tế tuyến phường xã hoặc tự điều trị mà không cần phải nhờ thầy lang (bởi vì thực chất là vết bỏng đó tự khỏi) nếu bôi thuốc thầy lang mà không đúng có khi còn làm chậm khỏi, tăng đau đớn và để lại các di chứng như sẹo, thay đổi màu sắc da…
– Với những trường hợp bỏng sâu, vì thầy lang không chẩn đoán được bỏng sâu nên cứ điều trị bằng thuốc của mình. Hậu quả là vết bỏng không khỏi, sau đó chúng ta lại phải vào bệnh viện để điều trị, vừa tốn kém, vừa lâu, để lại di chứng nặng nề, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng.
– Tại sao chúng ta vẫn nghe đồn đại về các thầy lang chữa bỏng “giỏi”? Thực hất là thầy lang “ăn may” gặp những bệnh nhân bỏng nhẹ, bỏng nông, vết bỏng tự khỏi nhưng thầy lại nhận là công của thầy (phúc chủ lộc thầy). Những bệnh nhân này sẽ trở thành các quảng cáo viên tích cực cho thầy và nhiều người biết…Trong trường hợp bỏng sâu, bỏng nặng nhiều bệnh nhân đã tử vong, các bệnh nhân khác nặng lên phải vào viện hoặc để lại di chứng nặng nề. Hàng năm, Viện Bỏng đã thu nhận hàng trăm bệnh nhân bỏng như vậy do chữa trị ở các thầy lang. Tuy nhiên những bệnh nhân này thường dấu việc họ đã chữa ở thầy lang do đó ít người biết mặt trái này.
– Viện Bỏng đã từng nghiên cứu đánh giá hơn 10 loại thuốc do các thầy lang “nổi tiếng” hiến. Kết quả là các bài thuốc đó không có gì đặc biệt, thua các loại thuốc đã được Viện Bỏng nghiên cứu, sản xuất và sử dụng, có nhiều loại thuốc thậm chí còn làm tăng đau đớn cho bệnh nhân và chậm liền vết bỏng. Nhiều bài thuốc “gia truyền” của thầy lang còn được đưa thêm các thuốc tây y vào (kháng sinh, cocticoid…) rất nguy hiểm cho người sử dụng.
Từ những điều nêu trên, bạn hãy tự rút ra quyết định cho mình nếu không may bị bỏng. Đừng tự làm hại mình và làm hại người khác vì thiếu hiểu biết.