Sắp đến 20 tháng 11 rồi!

 Thưa Cô!
Một thằng học sinh nghèo nhưng luôn có số điểm tổng kết môn cao nhất rất khó chấp nhận được điều đó. Nó chưa bao giờ nghĩ rằng Cô có thể phê như vậy trên một bài kiểm tra quan trọng và càng không thể nghĩ rằng có cách cho điểm như vậy trong thang điểm của ngành Giáo dục. Nhưng sau ba mươi năm, sau nhiều nhiều những trải nghiệm cuộc sống nó đã hiểu ra điều đó. Nhưng giờ đây, nó chỉ có thể thắp một nén tâm hương thành kính gửi đến Cô thôi!

Thưa Cô yêu quý!

Ngày đó, Cô dạy nó “Văn là Người” nó chỉ lờ mờ hiểu. Văn chương muôn sắc màu nhưng cũng dễ làm người ta lầm lẫn. Hơn nữa, trong giai đoạn cuối những năm 70 đầu 80 thì Văn là công cụ chuyển tải các tư duy của đường lối và chính sách. Các bài văn đều đóng khung trong những cảm thụ chung. Nhưng Cô không dạy nó và các bạn nó như thế. Cách Cô dạy khác lắm! Nó đã tìm thấy trong những bài giảng của Cô niềm đam mê rất riêng. Khi những ngôn từ gắn kết vào nhau không phải bằng xi măng và khẩu hiệu, không phải bằng vôi màu và phân xanh, nó đã được Cô đưa đến một khung trời khác. Khung trời của lửa, của đam mê và nhiệt tình, của khát vọng vươn lên và ….sống cho đáng sống.

Trong suốt gần ba năm được Cô dạy, nó nhớ nó chẳng có bài văn nào dưới 8 điểm. Nó như con Ba Bớp trong tác phẩm”Cỏ non” của nhà văn Hồ Phương mải mê ngấu nghiến ủi đất “trào bọt mép” trên cánh đồng văn chương cho đến khi nhận bài kiểm tra lần ấy.

                  “Điểm hành văn 8, điểm cảm nhận 1, chia đôi = 4,5”

Thưa Cô!

Ngần ấy thời gian đã đi qua. Đứa học trò của Cô đã sắp viết xong khúc thân bài của bài văn cuộc đời nó. Nó đã bỏ qua nhiều câu chữ trong cách hành văn, nó đã hòa được mình vào trong những cảm xúc rất thật của cuộc sống. Nó đã cảm thông để được cảm thông, chia sẻ và được sẻ chia. Nó chưa thành Nghiệp những nó đã thành Nhân. Có muộn không thưa Cô khi đến tận bây giờ nó vẫn đi tìm những cảm nhận của riêng nó?

Ngần ấy thời gian đã đi qua. Giờ đây nó viết những dòng tự đáy tâm hồn, bỏ qua điểm hành văn và cũng chẳng cần điểm cảm nhận. Soi mình trong mắt những người quanh mình, nó càng nhớ những lời cô đã dạy ngày nào!

Nó đã hiểu! Cô ơi!

Trong những lúc phải cân đong, đo đếm giữa được và mất nó lại nhớ đến câu Kiều mà Cô thường đọc:

               Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.

Nhiều lúc nó cũng đau lắm, vật vã lắm nhưng hình như nó không thể thay đổi đươc thế giới quan trong cách nhìn của nó. Cái hạt giống ngày xưa Cô đã gieo trên tâm hồn trong trắng tuổi học trò của nó đã thành một cái cây lớn trong một rừng cây. Những thân cây mạnh mẽ luôn biết vươn lên về phía mặt trời. Nó đã biết dạy lại cho con nó:

              Sống chậm lại,

Nghĩ khác đi,

Yêu thương nhiều hơn!

Cô ơi!

Sắp đến 20 tháng 11 rồi!

Xin chúc những ai đã, đang và sẽ trở thành Nhà giáo hay hoạt động trong lĩnh vực Giáo dục một ngày lễ Hiến chương trọn vẹn tình nghĩa Thầy – Trò.

Người đăng: Nguyễn Thị Mỹ Phụng – Nhóm Admin

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng