SỰ TÍCH TÁO QUÂN

Hai vợ chồng đi tìm việc làm, nhưng không ai nhận thuê nữa. Túng bấn quá, phải đi mò cua bắt ốc, đào củ hái rau về ăn đỡ đói. Không thể chịu đựng được nữa, một hôm chồng bảo vợ: Tôi phải đi nơi xa kiếm ăn, may ra mới thoát khỏi được tình cảnh này. Mình ở nhà chờ tôi trong ba năm, nếu hết ba năm không thấy tôi về, ấy là tôi đã bỏ xác nơi quê người, mình cứ đi lấy chồng khác.

Người vợ khóc lóc thảm thiết nhhưng đành lòng để chồng ra đi. Sau đó, người vợ kiếm được một chỗ làm mướn ở nhà một người tuy không giàu có nhưng vì thương cảnh ngộ nàng nên cố ý giúp đỡ nàng qua khỏi cái khốn khổ. Thời hạn ba năm trôi qua mau chóng. Người vợ vẫn mong ngóng chồng về. Giữa lúc ấy, người vợ của chủ nhà chết. Sẵn có cảm tình với nàng, người chủ ngỏ ý muốn nối duyên cùng nàng. Nàng trả lời:

– Chồng tôi hẹn trong ba năm trở về. Bây giờ tôi mới tin là chồng tôi đã chết. Vậy cho tôi để tang chồng ba năm nữa cho trọn đạo trước đã.

Ba năm nữa cũng lại trôi qua, người chồng vẫn biệt tích. Người chủ thúc giục nhưng nàng còn xin nán chờ thêm một năm nữa. Một năm nữa lại trôi qua và lần này nàng mới tin chồng chết thật. Nàng làm một bữa rượu cúng chồng, đãi họ hàng rồi đến ở cùng người chồng mới.

Đột nhiên sau đó ba tháng, người chồng cũ trở về, làm cho đôi vợ chồng mới cưới không biết ăn nói làm sao. Nhưng người chồng cũ tìm tới trấn an họ: “Tôi vắng nhà lâu quá hạn, nàng đã xử sự rất đúng. Bây giờ tôi sẽ đi khỏi nơi đây mãi mãi. Mặc dù người chồng mới xin trả lại vợ, và người vợ cũ năn nỉ người chồng cũ ở lại, người chồng cũ vì không nỡ phá hạnh phúc của họ, vẫn nhất quyết ra đi. Nhưng thực ra người chồng cũ trong lòng đau xót, không còn muốn sống, và đã treo cổ tự tử ở cây đa đầu làng. Cái chết của người chồng cũ làm cho nàng bàng hoàng ân hận, tự cảm thấy chính mình là thủ phạm, và tự trách mình không đủ kiên nhẫn chờ thêm ít lâu nữa. Thế là ngày hôm sau, khi dân làng đưa đám người chồng cũ chưa xong, thì mgười vợ mất tích và người ta đã tìm thấy xác người vợ tự vẫn dưới ao bên cạnh nhà. Người chồng mới, sau khi làm ma cho vợ, trở thành người mất trí vì xúc động ân hận trước hai cái chết như thể do mình gây ra: “Tại sao lại đi cướp vợ của người khác”. Một hôm, ông ta quyết định đem hết gia sản chia cho họ hàng, đem cúng nhà chùa rồi uống thuốc độc tự tử.

Ở bên kia thế giới, cả ba người đều được đưa tới tòa án của Diêm Vương để định công tội. Theo các lời khai, người chồng cũ sở dĩ chọn cái chết vì vẫn thương yêu vợ không thể sống không có nàng, nhưng lại không nỡ phá vỡ hạnh phúc của người khác, người chồng mới lại nói tuy rất thương mến người vợ mới, nhưng so với người vợ cũ đã chết thì mối tình bên mười bên một, còn người đàn bà thì nói vẫn một lòng thương yêu người chồng cũ mặc dù nặng tình nghĩa với người chồng mới.

Diêm Vương nghe rất cảm động và nhận thấy những người như thế này thật hiếm có nên cần làm thế nào cho bộ ba ấy sống gần nhau mãi mãi. Sau một hồi suy nghĩ, Diêm Vương cho ba người hóa thành ba ông đầu rau để cho họ khỏi lìa nhau, và để cho ngọn lửa luôn luôn đốt nóng tình yêu của họ. Đồng thời, Diêm Vương còn phong cho họ chức Táo Quân trông nom từng bếp một, nghĩa là từng gia đình trên trần thế

Thoại 2

Hai vợ chồng Trọng Cao và Thị Nhi lấy nhau đã lâu không có con, buồn phiền thường cãi cọ nhau. Một hôm giận quá, Trọng Cao đánh vợ, Thị Nhi bỏ nhà ra đi gặp Phạm Lang rồi kết duyên với người đó.

Trọng Cao hết giận, hối hận cũng bỏ nhà ra đi tìm vợ. Tìm mãi không thấy, hết cả tiền ăn đường, phải ăn xin lần hồi.

Tình cờ một hôm vào một nhà ăn xin, bà chủ mang cơm ra cho, nhận ra chính là chồng mình. Đôi bên tỏ hết nỗi niềm cùng nhau, nhưng chợt Thị Nhi nghĩ nếu bất thần Phạm Lang trở về bắt gặp thì thật khó ăn nói. Nàng liền bảo Trọng Cao ra tạm ẩn ở đằng sau đụn rơm, để nàng thu xếp sao cho mọi việc được êm thấm. Khi tối Phạm Lang trở về, nhớ đến ngày mai chưa có tro bón ruộng, châm lửa đốt đống rơm để lấy tro… Trọng Cao vì đi nhiều mỏi mệt ngủ say nên bị đốt chết. Thị Nhi cũng đã ngủ, khi thấy đống rơm cháy, chạy ra thì đã muộn, xúc động, thương tiếc quá, nàng nhảy vào đống rơm chết theo người chồng cũ Phạm Lang thấy vợ chết, thương xót cũng nhảy vào đống rơm chết nốt.

Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa nên mới phong cho làm Táo quan, mỗi người giữ một việc.

Thoại 3

Hai vợ chồng nghèo, chồng đi buôn, vợ làm ruộng nên chồng thường xa nhà thỉnh thoảng mới về, đôi khi đi suốt năm mới về.

Rồi một chuyến đi biền biệt không tin tức, không tiền bạc gởi về Người vợ chờ cả 10 năm vần biệt tích. Sau đó người vợ lấy một người chồng khác làm nghề săn bắn; người này nuôi một đầy tớ tên là Lốc.

Một hôm chồng mới và Lốc đi săn vắng nhà, đột nhiên người chồng cũ trở về và cho biết sở dĩ đi biền biệt là vì gặp giặc bất lưu lạc trong rừng nay mới trốn thoát về được Người vợ chỉ còn biết ôm chồng cũ khóc than, và dọn cơm rượu mời ăn. Khi chồng mới sắp về người vợ đưa chồng cũ ra đống rơm ẩn tạm. Chủ và tớ đi săn về được một con cầy. Chồng giục vợ đi sắm mọi thứ để làm một bữa chén.

Trong khi người đàn bà đi vắng, người chồng và đầy tớ đốt đống rơm để thui cầy. Lửa vô tình đốt cháy thiêu người chồng cũ đang ngủ say. Giữa lúc đó, người vợ về thấy thế, rất đau đớn, tự cảm thấy như thể vì mình mà chồng cũ chết, nên nhảy vào đống lửa chết theo.

Người chồng mới thương tiếc vợ, cũng đâm đầu vào lừa. Người đầy tớ vừa thương chủ vừa hối hận vì chính tay mình châm lửa thiêu chết người cũng nhảy nốt vào lửa chết theo.

Ba vợ chồng sau đó được Diêm Vương cho hóa làm ba ông đầu rau. Còn người đày tớ được hóa làm đồ dùng chặn đống nhấm, quen gọi là “thằng Lốc”. Trong tranh vẽ Táo quân, thường thấy vẽ người đầy tớ có nghĩa đứng cạnh ba người.

Phúc Bình – Sưu tầm

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng

Ngân hàng câu hỏi thi nâng bậc năm 2024

X