TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC ĐỘNG VIÊN VÀ CỖ VŨ

Hãy nghĩ đến một trận bóng đá hay bóng rổ. Điều gì xảy ra khi ai đó đá thủng lưới hay ném bóng vào rổ đối phương? Đám đông sẽ reo hò như điên loạn và la hét cổ vũ cho người ấy. Thầy nghĩ ta cần phải đem cái môi trường hỗ trợ và đồng đội này vào trong mọi lĩnh vực, nơi ta đang cùng nhau làm việc để hoàn thành các mục tiêu đề ra cho dù đó là nơi làm việc, ở nhà và nhất là trong lớp học. Bất cứ lúc nào khi ta được khen và được thưởng vì những cố gắng của mình, ta sẽ lại cố làm việc tốt hơn. Điều này thật hiển nhiên, nhưng vì những lý do gì đó vẫn còn nhiều phụ huynh đã không biết chúc mừng con cái mình và vẫn còn những hiệu trưởng cùng những người lãnh đạo đã không biết tạo nên một không khí thân thiện, ở đó các đồng nghiệp cùng chúc mừng những thành tựu của nhau.

Thầy đã thử dẫn giải cho các học sinh của thầy hiểu một đội nhóm và một gia đình đích thực cổ vũ và động viên những nỗ lực của người khác như thế nào. Ngày đầu tiên vào lớp, thầy đã nói với các học sinh đại loại như thế này:

Có bạn nào ở đây không thích được chúc mừng khi làm được một điều gì tốt không? Tất nhiên là không rồi, tất cả chúng ta đều mong muốn điều ấy. Vậy thì năm nay chúng ta sẽ là một gia đình, và các thành viên trong gia đình ấy gắn bó với nhau, cùng hỗ trợ nhau, cùng chúc mừng những thành quả của nhau nhé. Đó chính là môi trường mà chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng trong lớp này, và vì thế nếu bạn nào làm được một điều tốt thì ta hãy làm cho mọi người biết đến bạn đó. Ta có thể chỉ cần nói với bạn ấy “làm tốt đấy” hay ta có thể vỗ tay hoan nghênh những nỗ lực của bạn ấy. Làm cách nào cũng được, miễn là ta cố gắng bày tỏ sự đánh giá của mình đối với một việc làm tốt.

Sau đó, thầy đưa ra nhiều thí dụ về những dịp thích hợp để vỗ tay chúc mừng những học sinh khác, chẳng hạn khi một bạn có một nhận xét hay, một điểm số cao hay viết một đoạn văn xuất sắc. Cũng thế, nếu bạn nào bị điểm kém ta vẫn nên chúc mừng nếu điểm số đó chứng tỏ bạn ấy đã nỗ lực hơn trước. Rồi thầy và trò đã cùng nhau thực tập vỗ tay – vâng, đúng thế, tập vỗ tay thật sự. Không có kiểu vỗ tay nửa vời như thầy đã nói. Mọi học sinh phải vỗ tay làm sao đó để thật sự bày tỏ lòng tôn trọng và sự cảm kích của mình. Đầu tiên thầy dạy học sinh cách vỗ tay, rồi cho nửa lớp vỗ tay, 1/4 lớp chỉ hơi chạm hai bàn tay, phần còn lại của lớp ngồi im. Sau vài hướng dẫn chi tiết rồi cả lớp cùng làm.

Đôi khi học sinh vỗ tay cổ vũ một phát biểu hay một điểm số của một bạn nào đó vốn không nhất thiết phải là khen ngợi. Qui định là nếu một vài học sinh bắt đầu vỗ tay thì cả lớp cũng vỗ tay theo. Một vài bạn bắt đầu vỗ tay dường như là đã nhìn thấy điều gì đó khiến các bạn ấy cảm kích. Với chúng tôi, một vài tiếng vỗ tay lẻ tẻ xem ra còn tồi tệ hơn là việc mọi người vỗ tay về một chuyện có thể chưa đáng được như vậy.

Khi phải phụ trách một lớp đến 37 học sinh, người thầy gần như không thể dành sự chú ý và khen ngợi đáng được có cho tất cả học sinh của mình. Điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn khi thầy có một lớp học với các học sinh luôn quan tâm đến việc khen ngợi thành quả của các bạn khác. Sự thừa nhận của thầy vẫn luôn là điều khích lệ nhưng lời chúc mừng từ những bạn đồng lứa lại có thể có tác động lớn hơn nhiều.

Khi trả lại bài làm cho học sinh, thầy ghi điểm số trên bảng biểu dương được treo trong lớp. Cùng với việc công bố này, thầy gọi tên học sinh, ngừng lại một vài giây rồi đọc thật to điểm số – nếu là 10 thì đọc oang oang cả lớp. Cả lớp reo vang chúc mừng và khuôn mặt các học sinh lấp lánh, rạng rỡ. Điểm số 9 cũng sẽ nhận được những tiếng vỗ tay, còn điểm số 8, đôi khi 7 cũng nhận được những tràng pháo tay nếu bạn học sinh ấy đã chứng tỏ rõ có tiến bộ hơn trước. Học sinh thích chuyện này và các em chờ đợi điều này mỗi ngày.

Dạy và cùng làm việc với học sinh trong một môi trường như thế quả là một kinh nghiệm tích cực và có nhiều niềm vui. Thầy nghĩ mọi người nên tìm cách tạo nên không khí ấy trong mọi lớp học và nơi làm việc.

Người đăng: Nguyễn Thị Mỹ Phụng – Thủ lĩnh Sao Thủy

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng