Trái ngược với vẻ nghiêm khắc trong giờ học, chuông reo hết giờ, cô giáo hiền khô, kể với trò biết bao câu chuyện hay. Ngày Tết của thầy cô, mẹ đưa trò quả bưởi vàng ươm màu nắng đông và một túi trứng vịt, quà “cây nhà lá vườn” mang qua nhà tặng cô. Cô giáo xoa đầu trò, tấm tắc khen. Nét cười của trò đượm vẻ ngộ nghĩnh và ngây thơ.
Lớn thêm một chút, trò học một thầy giáo già già. Vẻ quắc thước đã dần lộ rõ trên gương mặt hao gầy vì bụi phấn. Thầy nói với giọng ồm ồm, nhưng không hề khó nghe. Thầy trầm tính nhưng chính sự ít nói ấy của thầy lại khiến cả lớp nể sợ và thói nghịch ngợm thường ngày bỗng dưng bị vô hiệu hóa. Thầy quan tâm từng đứa trong lớp, bằng những lời nhắc nhở đúng lúc và sự cứng rắn của một người đã đi qua rất nhiều năm tháng của cuộc đời. 20/11,trò xin mẹ mổ lợn, mua tặng thầy một cuốn giáo án thật dày, thật đẹp. Nét chữ nghuệch ngoạc của trò lưu lại trong cuốn giáo án ấy những lời chúc mà tới tận bây giờ, thầy vẫn còn nhớ rõ…
Những năm học cấp 3, trò đủ lớn để hiểu hơn ơn nghĩa cô thầy. Nhưng đôi khi, những bận rộn bên ngoài, lăn tăn của tuổi khiến trò chẳng còn đủ thời gian để nghĩ về thầy cô trong những ngày như thế. Lớp trưởng hô hào đóng quỹ lớp mua món quà nhỏ tặng thầy cô. Trò còn nói nửa bông đùa nửa thành thật, cô mình dạy nhiều lớp nên chắc cũng được tặng kha khá, mình chỉ cần tặng cô bó hoa là được rồi. Nhiều đứa đồng tình với trò. Lớp trưởng nín thinh. Năm đó, cả lớp tặng cô một bó hoa tươi thắm và một hộp kẹo “ngoại” ngon và đắt tiền. Cô nhận hoa, còn kẹo, cô mang bóc chia cả lớp. Những câu chuyện trò lại râm ran khắp lớp. Cô giáo dạy chúng ta biết bao điều hay, chẳng tiếc chi công sức để soạn giáo án thật phong phú và hấp dẫn. Sao trò nỡ nghĩ cô tiếc vài chiếc bánh nhỏ như vậy?
Học đại học, chẳng còn nữa cảm giác thân thiết với thầy cô như hồi học phổ thông. Mỗi thầy cô thường chỉ dạy một môn, và trong suốt cả bốn năm năm học đại học, có thể ta chỉ được học thầy này, cô kia trong vòng một vài tháng, khoảng thời gian không ngắn nhưng cũng chẳng đủ dài để thắt chặt tình thầy trò. Lắm đứa đi học còn chẳng nhớ tên giáo viên dạy mình, đứa khác chểnh mảng hơn, không biết tới mặt thầy cô vì chẳng tới lớp bao giờ. Tết thầy cô gần với đợt thi giữa kì, lớp trưởng vận động cả lớp góp tiền “đi thầy, đi cô” luôn một thể. Thấp thoáng sau những tờ giấy bọc chiếc hộp bánh biscuit, trò thấy hiện ra mép của chiếc phong bì xanh đỏ. Chẳng ngạc nhiên, thêm chút dửng dưng, vì sự đời là thế, trò nào cũng quen như vậy rồi. Thầy nhận quà, cười vui vẻ nói cảm ơn cả lớp. Buổi học tuần sau đó, chiếc phong bì được thầy trao tận tay trả cho lớp trưởng, trước sự chứng kiến của cả lớp. Thầy nói về đạo lý người làm thầy, về mục đích mỗi buổi thầy đến lớp, về những món quà ấm tình thầy trò, về sự không cần thiết của món tiền nằm trong chiếc phong bì lạnh tanh đó. Cả lớp lặng im, không ai dám nói điều gì, ngay cả một lời xin lỗi. Bữa đó, thầy cho cả lớp nghỉ sớm hơn mọi ngày. Thầy lẳng lặng ra về, vẻ u buồn trĩu nặng hai vai…
Ngay cả khi năm nào cũng sẽ có một ngày 20 tháng 11, ngày để chúng ta tri ân những người chèo đò vượt sóng để đưa chúng ta qua sông, nhưng đâu phải giá trị của tình thầy trò vẫn luôn được bảo toàn qua năm tháng. Người ta đang để những toan tính thị trường len lỏi vào thứ tình cảm tốt đẹp ấy, mà không hề hay biết, với một người thầy, người cô, hạnh phúc nhất không phải là khi tay đầy ắp hoa và quà, mà là khi nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ những cô cậu học trò, cả cũ lẫn mới, là khi nhìn thấy học trò của mình thành đạt, ở bất cứ nơi nào. Chỉ đơn giản có vậy!
Người đăng: Nguyễn Thị Mỹ Phụng – Thủ lĩnh Sao Thủy