Bài viết sáng kiến kinh nghiệm.
NGUYỄN THỊ MỸ PHỤNG
Thủ lĩnh Sao Thuỷ
Sao Bắc Đẩu – Bắc Tao Đàn
BÀI VIẾT SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
Đề tài: “Phương pháp Tư duy – Sáng tạo
trong tổ chức các hoạt động”
Tôi luôn cho rằng người thủ lĩnh ngoài việc phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thì còn phải luôn tích cực tư duy sáng tạo, tìm hiểu những cái mới, thay đổi theo hướng mới và áp dụng vào các hoạt động để mang lại hiệu quả cao cho nhóm sao. Là một người thủ lĩnh đã gắn bó cùng Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu đồng hành trên chặng đường 6 năm qua, và là một người thủ lĩnh quản lý nhóm sao lâu nhất trong suốt 5 năm liền, hôm nay tôi xin chia sẻ và trình bày một vài sáng kiến kinh nghiệm mà tôi đã đúc kết được trong quá trình hoạt động tại nhóm sao.
Là một người thủ lĩnh, tôi luôn tâm đắc với câu nói mà thầy Huỳnh Văn Toàn – Tổng trưởng Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu đã dạy chúng tôi: “Thủ lĩnh cần phải dám nghĩ – dám làm, phải biết mình là ai, đang làm gì, phải không ngừng học tập, không được tự bằng lòng chính bản thân mình”. Thầy còn dạy rằng người thủ lĩnh cần phải có chữ Tâm – chữ Tình và chữ Tài:
+ Chữ Tâm: Biết phục thiện, mang phong cách của một thủ lĩnh, biết sống vì cộng đồng và có trách nhiệm với công việc.
+ Chữ Tình: Biết mình đang làm việc với ai, hết lòng với các đối tượng trên tinh thần tình cảm, chia sẻ, cảm thông.
+ Chữ Tài: Biết cách lãnh đạo, hướng dẫn, phát huy được vai trò thủ lĩnh nhóm, biết học tập và không ngừng nâng cao, rèn luyện về mọi mặt.
Vì lẽ đó, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân mình phải học tập không ngừng, phải luôn tìm hiểu và áp dụng những phương pháp mới trong việc tổ chức các hoạt động, trong sinh hoạt, giảng dạy. Là thủ lĩnh, chúng ta cần phải tinh tế, nhạy bén, luôn phải đối mặt với thử thách để từ đó tìm hiểu và khám phá năng lực của bản thân.
Một người thủ lĩnh giỏi thì không được ngại khó, phải luôn nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt các công việc của mình sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Tôi luôn nhớ một câu chuyện về 2 con bọ chét và 1 chiếc hộp, mà tôi từng được nghe trong một đợt tập huấn của Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu. Có 2 con bọ chét bị bỏ vào một chiếc hộp. Con thứ nhất nói: “Ôi cái hộp cao quá làm sao tôi có thể thoát ra khỏi đây? Thôi chắc tôi đành phải chết trong đây mất”. Con bọ chét thứ 2 thì không như vậy nó nghĩ rằng cái hộp không cao lắm và nó có thể nhảy ra khỏi cái hộp. Nó cố gắng lấy đà nhảy lên thì va phải thành hộp và rơi xuống, nhiều lần như vậy con bọ chét thứ nhất bảo nó hãy bỏ cuộc đi, đừng tốn công vô ích. Nhưng nó vẫn tin rằng mình có thể, lần này nó lấy đà, cố gắng dồn hết sức bật vào đôi chân, rồi nó nhảy 1 cái thật mạnh, thế ra nó đã thoát ra khỏi chiếc hộp một cách dễ dàng. Và bạn biết không, trong số những động vật cùng kích thước cơ thể, thì bọ chét là loài động vật nhảy cao và nhảy xa nhất Thế giới đấy! Nó có thể nhảy cao gấp 200 lần chiều cao của cơ thể. Con người haykangaroo cũng thua xa đấy nhé! Nhưng nếu nó bỏ cuộc, chán nản và tự ti như con bọ chét thứ nhất thì chắc là nó sẽ chết trong chiếc hộp. Nhưng ngược lại nếu có niềm tin, luôn nỗ lực, cố gắng phấn đấu thì thành quả mà bạn nhận được sẽ rất bất ngờ đấy. Là thủ lĩnh cũng vậy, hãy luôn nhớ rằng: “Thử chưa chắc đã thành công nhưng không thử thì chắc chắn sẽ thất bại !””
Người thủ lĩnh cần phải luôn mở rộng tầm nhìn, đặt ra những hạng mức điểm làm mục tiêu phấn đấu để đạt hiệu quả trong công việc, luôn có định hướng và sự tự tin trong hoạt động sinh hoạt và giao tiếp cộng đồng. Vì vậy một người thủ lĩnh tích cực, chính là chất xúc tác tốt giúp cho các cá nhân khác thay đổi, từ đó dẫn dắt nhóm sao phát triển một cách bền vững.
Vai trò của người thủ lĩnh là phải giúp tất cả các thành viên trong nhóm sao hiểu và ý thức được công việc, trách nhiệm của mình trong mỗi buổi sinh hoạt. Thủ lĩnh phải luôn tìm hiểu và áp dụng những phương pháp mới, những cách làm mới để thu hút các thành viên, không để các em đoán biết được những nội dung sinh hoạt và trở nên nhàm chán. Ngoài ra tư duy sáng tạo không chỉ là lao động của cá nhân mà còn là lao động tập thể. Nhóm sao là một tập thể đầy sức mạnh, người thủ lĩnh phải tìm hiểu nhu cầu của các thành viên và phải thường xuyên bồi đắp sức mạnh ấy. Người thủ lĩnh phải chỉ ra rõ cho mỗi thành viên trong nhóm sao thấy các thành viên ấy có thể đóng góp như thế nào vào sự phát triển và thành công của nhóm sao. Thủ lĩnh có thể khuyến khích các thành viên tham gia vào những hoạt động tư duy sáng tạo, để mang lại hiệu quả cao cho công tác giảng dạy, cũng như giúp các em say mê, hào hứng hơn trong các buổi sinh hoạt hằng tuần
Qua đó từng thành viên trong nhóm sao không những phải nỗ lực để vượt qua thử thách, mà còn phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tư duy sáng tạo tích cực để nhóm sao luôn thành công trong công việc và hoạt động. Khi nhóm sao hoạt động tốt, có tầm nhìn rộng, luôn thay đổi, thích nghi với điều kiện nhu cầu thực tế, sẽ làm cho vị trị của nhóm ngày càng nâng cao, đặt biệt là sự tín nhiệm, yêu mến, ủng hộ của quý phụ huynh và những thành viên khác.
Kỹ năng tư duy sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động là một kỹ năng mà tôi luôn say mê và vẫn không ngừng nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi. Hôm nay tôi xin chia sẻ với các bạn một vài kinh nghiệm của bản thân mà tôi đã từng áp dụng vào trong các nội dung sinh hoạt tại nhóm sao.
Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu các vấn đề sau:
Ø Tư duy sáng tạo là gì?
Ø Tại sao chúng ta phải tư duy sáng tạo?
Ø Tư duy sáng tạo giúp ích gì cho hoạt động của Sao Bắc Đẩu hiện nay?
Ø Có thể rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo như thế nào?
- Tư duy sáng tạo là gì?
– Chúng ta đã từng nghe nói rất nhiều về tư duy sáng tạo. Vậy tư duy sáng tạo là gì?
– Theo Thạc sĩ Đỗ Kiên Trung thì tư duy sáng tạo là một lĩnh vực nghiên cứu nhằm tìm ra các phương án, biện pháp thích hợp để kích hoạt khả năng sáng tạo và tăng cường khả năng tư duy của một cá nhân hay một tập thể cộng đồng. Tư duy giúp chúng ta phản biện lại một cách nhanh nhất có lập luận và logic rõ ràng, tìm ra được những ý tưởng mới mang tính sáng tạo. Có thể nhận thấy rằng tư duy là một hoạt động thần kinh của bộ não. Khi có vấn đề, câu hỏi đặt ra thì lúc đó chúng ta bắt đầu tư duy để tìm ra các phương án, các lời giải từ một phần đến toàn bộ cho các vấn đề nan giải bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, xã hội….
- Tại sao chúng ta phải tư duy sáng tạo?
– Nói về lợi ích của tư duy anh Nguyễn Thanh Trí chia sẻ: “Tư duy sáng tạo có khả năng giúp chúng ta tư duy một cách nhạy bén nhất và linh động nhất. Giúp lý giải được nhiều vấn đề, hiểu biết sâu rộng về vấn đề đó và có thể tránh được những lối mòn tư duy mang tính rập khuôn”.
– Thạc sĩ Đỗ Kiên Trung cũng cho chúng ta biết thêm rằng bán cầu não bên trái của chúng ta sẽ có nhiệm vụ phân tích logic ngôn ngữ hay đảm nhiệm về vấn đề tư duy khoa học, toán học. Còn bán cầu não bên phải thiên về tư duy tâm linh, trực giác và đặc biệt là sáng tạo về màu sắc, âm nhạc…
- Tư duy sáng tạo giúp ích gì cho hoạt động của Sao Bắc Đẩu hiện nay?
- a)Vấn đề tồn tại:
– Một số các công tác chuẩn bị hay cách thực hiện các hoạt động lớn tại Sao Bắc Đẩu hiện nay còn mang tính rập khuôn, chưa có nhiều nét mới, chưa có nhiều cải tiến sáng tạo.
– Các hoạt động sinh hoạt tại chòm sao, nhóm sao đôi khi vẫn chưa thật sự bám sát với lịch trọng tâm hoạt động của Tổng đoàn, nếu có thực hiện đúng với lịch trọng tâm hoạt động thì lại chưa có những nét riêng, còn thiếu những hoạt động sáng tạo, những sự bức phá, tìm tòi cái mới. Những hoạt động chưa thật sự thu hút các em, chưa mang lại hiệu quả cao (phần lớn khó khăn của các chòm sao)
– Thủ lĩnh còn các công việc, cuộc sống riêng, chưa có nhiều thời gian để suy nghĩ, đầu tư, chuẩn bị những hoạt động mới.
– Một số thành viên tích cực trong nhóm sao lúc nào cũng tham gia đầy đủ các hoạt động và chuẩn bị tốt cho mỗi buổi sinh hoạt. Ngược lại, còn một vài thành viên vẫn thụ động trong các buổi sinh hoạt và chưa thật sự nhiệt tình trong công tác của nhóm sao. Giữa các thành viên trong nhóm chưa thật sự hiểu nhau, chưa đoàn kết, và chưa có tinh thần trách nhiệm
– Sự khó khăn trong hoạt động, công tác xây dựng nhóm sao không chỉ dừng lại ở đó, mà còn là một bài toán mà thủ lĩnh phải suy nghĩ để làm sao tạo ra môi trường và phương thức làm việc hiệu quả. Từ vấn đề tồn tại trên, là một thủ lĩnh tôi nhận thấy mình cần phải làm một điều gì đó, để đem lại một làn gió mới cho nhóm sao, một điều gì đó để giúp các thành viên của mình thay đổi nhận thức, tư duy. Và quan trọng là tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm, xây dựng tinh thần trách nhiệm, khiến cho các thành viên biết yêu thương, đoàn kết, chung sức, gắn bó và sẻ chia.
- b)Giải pháp:
– Tôi đã thử tìm hiểu và áp dụng nhiều phương pháp, nhưng tôi thấy rằng phương pháp tư duy – sáng tạo là phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất. Vì trong hoạt động kỹ năng, công việc, sinh hoạt cộng đồng, khuyến khích, tư duy sáng tạo tạo ra nhưng nét mới là việc rất quan trọng nhằm thu hút, tạo sự say mê hứng thú, tạo ra suy nghĩ tích cực, động viên, cỗ vũ tinh thần cho các thành viên trong nhóm của mình hoạt động tích cực hơn, hiệu quả hơn, xây dựng mục tiêu chung để các thành viên cùng nhau nỗ lực, phấn đấu.
– Trong xã hội thông tin trước đây, thông tin là sức mạnh, ai nắm thông tin người đó có khả năng chiến thắng. Nhưng xã hội hiện đại là một xã hội “phẳng” về thông tin và mọi mặt, trong xã hội phẳng đó, ai tạo được sự khác biệt, người đó mới là người chiến thắng. Hơn nữa, con người không chỉ vận động theo bước tiến của xã hội mà còn phải đi trước một bước để kéo theo xã hội đó phát triển. Khi ấy, thanh niên cần sáng tạo chứ không chỉ biết tái tạo, cần sáng chế sản phẩm để dùng chứ không chỉ biết cách dùng sản phẩm hiện có. (Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu)
– Vì sao lúc trước chúng ta có ngày hội: “bánh bột”? Chúng ta mong muốn hướng dẫn các thành viên tìm hiểu về những loại bánh truyền thống với nguyên liệu bột, nếp: bánh chưng, bánh tét, bánh trôi nước, bánh in, bánh phục linh,… Với những bài học các em tìm hiểu lý thuyết, các câu chuyện xoay quanh các loại bánh. Hay chính các em bắt tay vào cùng thực hiện nhào bột, vo viên, bỏ vào khuôn,… Hay chính những nét độc đáo, những điều chúng ta chưa biết về các loại bánh trong cuộc sống hằng ngày, những điều chưa bao giờ ta để ý. Bằng cách “mổ xẻ” các nội dung xoay quanh vấn đề, chúng ta có được các hoạt động cụ thể cho 1 buổi sinh hoạt tùy theo từng lứa tuổi của nhóm sao, chòm sao.
– Nhưng rồi không dừng lại đó, khi các nội dung về bánh bột đã dần quen với các em, chúng ta lại tự đổi mới mình thành ngày hội: “bánh mứt – bánh bột”. Một nội dung mới nhưng lại không hề mới, ngày tết nhà nhà đều có đủ loại bánh mứt nhiều màu sắc, 1 chủ đề rất thực tế và quen thuộc với các em. Là thủ lĩnh, chúng ta có thể hướng dẫn các em các lựa chọn sử dụng một số loại bánh mứt phù hợp với nhu cầu, sở thích cũng như là sức khỏe. Hay hướng dẫn các thành viên cách bảo quản một số loại bánh mứt, hay tìm hiểu thời gian bánh mứt có thể sử dụng đươc trong bao lâu. Hơn nữa là giúp các thành viên cùng thực hiện bắt tay vào làm 1 số loại bánh mứt.
– Và rồi tại sao chúng ta phải dừng lại ở đó, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tìm hiểu và sáng tạo thêm. Sao không là giúp mẹ muối dưa hay ngâm củ kiệu ngày Tết. Nhưng vấn đề là chúng ta sẽ thu hút các em như thế nào đây? Chúng ta phải mở rộng vấn đề và gợi mở cho các em như thế nào, phải tiếp cận từ khía cạnh nào của vấn đề để thực sự thu hút mà không nhàm chán. Đừng nghĩ là các em không ăn thì không biết, các thành viên của nhóm sao 4 – 5 khi được hỏi: “Bạn nào biết củ kiệu?”, “Bạn nào ở nhà ba mẹ, ông bà có ngâm củ kiệu?”. Hay thậm chí “Bạn nào ăn được củ kiệu?”. Ơ, không như tôi nghĩ có rất nhiều cánh tay đưa lên mà các em còn rất hào hứng. Thế là đã có một lý do mở đầu, sau đó chúng ta phải tiếp tục thu hút các em bằng xâu chuỗi của các sự việc khác. “Thế có bạn nào biết vì sao lại gọi là củ kiệu không?”. Chúng ta lại tạo ra một vấn đề khác, lúc này các em đã bắt đầu thắc mắc vì sao ngày Tết hay thấy mà không biết vì sao lại gọi như vậy nhỉ? Và các em bắt đầu muốn tìm hiểu, như vậy là chúng đã có phần mở đầu thành công rồi đấy!
– Đáp ứng sự tò mò ấy, chúng ta kể cho các em nghe 1 câu chuyện, ngày xưa vua Hùng đi săn dừng chân nghỉ ở núi Lạn (núi Nghĩa Lĩnh – Đền thờ vua Hùng ở Phú Thọ ngày nay), vua truyền lệnh cho các Mỵ Nương đi tìm gia vị để nấu ăn. Một Mỵ Nương tìm thấy 1 loại củ bỏ vào ống tre, nướng với thịt rừng có mùi rất thơm. Vua truyền Mỵ Nương hỏi và lấy tên nàng đặt tên cho loại củ đó. Chính là “củ Kiệu” cho đến tận ngày nay… Kết thúc câu chuyện, chúng ta có thể kết hợp thêm 1 vài câu hỏi để gợi nhớ cũng như giúp các em nắm được những ý chính. Ví dụ như: củ Kiệu có từ thời nào? Vua Hùng dừng chân ở núi nào? Núi Lạn là núi gì ngày nay? Bạn nào có thể kể lại cho các bạn biết vì sao có củ Kiệu?…. các em có thể hăng hái trả lời và chúng ta hãy động viên khuyến khích các em bằng những món quà nhỏ. Nếu còn thời gian hay các em còn muốn nghe thêm, chúng ta có thể kể thêm về cách trồng củ kiệu, “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ – vì sao ngày Tết lại ăn củ kiệu cùng với bánh chưng bánh tét?”….. Và nhớ là phải đúc kết lại câu chuyện và liên hệ thực tế, các em có thể về kể cho bạn bè, ông bà, cha mẹ nghe ngày Tết, chắc hẳn ba mẹ sẽ rất ngạc nhiên phải không nào?
– Và rồi chúng ta sẽ tiếp tục các hoạt động khác xoay quanh vấn đề chúng ta đã đặt ra. Chúng ta chuẩn bị vài kg củ kiệu, rổ, kéo, dĩa… Phát vật dụng cho các em và hướng dẫn các em bắt tay vào cắt rễ, lột vỏ,… Có thể chia 2 bạn là 1 cặp, 1 bạn cắt rễ, 1 bạn lột vỏ và xếp thật đẹp ngay ngắn vào dĩa, đây sẽ là hoạt động giúp các em rèn luyện tính khéo léo, tỉ mỉ và sáng tạo những cách xếp củ kiệu thật đẹp mắt. Sau đó chúng ta sẽ nhờ 1,2 phụ huynh gần đó chọn ra 1 vài bạn sắp xếp đẹp và sáng tạo để nhận quà. Và lời khen của chúng ta dành cho các em còn lại, có thể cho các em mang về khoe với ba mẹ. Và cũng đừng quên chúng ta phải đúc kết lại bài học cho buổi sinh hoạt ngày hôm đó, khuyến khích động viên các em giúp đỡ ba mẹ chuẩn bị các công việc ngày Tết, chuẩn bị đón 1 năm mới vui vẻ hạnh phúc.
– Các bạn thấy đấy, chúng ta có thể bắt đầu tìm hiểu và áp dụng những cái mới, hay sáng tạo thêm dựa trên những cái cũ để có thể thu hút các thành viên và mang đến hiệu quả cao hơn cho 1 buổi sinh hoạt. Tư duy – sáng tạo cần phải có phương pháp (cách thức) để mang lại hiệu quả và giá trị tinh thần cho các thành viên trong nhóm, đồng thời đạt đến hiệu quả sinh hoạt và kết quả công việc cao nhất. Khi các cá nhân hay các nhóm cùng nhau làm việc, cùng nhau hướng về một mục tiêu chung, cùng tích cực phấn đấu để đạt đến sự thành công trong công việc, sẽ tạo nên kết quả hoạt động tốt nhất . Kết quả này đôi khi hiệu quả hơn cả sự mong đợi, đặc biệt là giá trị tinh thần của tập thể được nâng lên rất cao khi có sự khuyến khích trong quá trình hoạt động.
– Chúng ta cần lưu ý phần mở đầu rất quan trọng, 1 bài thuyết trình cũng vậy, phần mở đầu có hấp dẫn thì mới khiến người khác chú ý và lắng nghe. Ví dụ như ngày hội Môi trường, nếu bạn mở đầu: bảo vệ môi trường là 1 việc làm rất quan trọng. Cây xanh cung cấp oxi cho chúng ta, giữ đất chống xói mòn, chúng ta phải bảo vệ, phải trồng cây xanh… những điều đã quen thuộc với các em ở trường học, thì các em có thích thú lắng nghe? Nhưng ngược lại nếu mở đầu bằng 1 bài hát, 1 bài thơ, hay 1 hành động quăng rác xuống đường và hỏi “Theo các bạn hành động này là đúng hay sai? Vậy chúng ta phải làm thế nào? Làm như thế có lợi ích gì?…” . Chúng ta có thể chia thành 2 nhóm, đưa ra vấn đề và gợi mở cho các em phải tháo gỡ vấn đề đó, bằng chính suy nghĩ của mình, bằng chính kiến của mình. Như thế sẽ thu hút được các em hào hứng tham gia phát biểu.
– Không chỉ dừng lại ở đó, chúng ta hãy tiếp tục sáng tạo các nội dung cho buổi sinh hoạt của nhóm mình: Sao không hướng dẫn các em xếp khăn ăn thành hình hoa hồng, búp măng, chiếc lá,… trong ngày hội: “cây lá và rừng”.Bên cạnh các hoạt động tìm hiểu thiên nhiên các em còn có thể liên hệ thực tế hằng ngày, giúp mẹ chuẩn bị bàn ăn trong gia đình.
– Hay nhắc đến văn nghệ thường chúng ta chỉ sử dụng 2 loại hình hát và múa. Sao chúng ta không thay đổi làm mới mình: nhảy hiện đại, múa dân gian, hò vè, nhạc kịch, thời trang. Hay mở rộng ra thay đổi các hình thức với các dụng cụ: múa hoa, múa nón, múa quạt … Những cái khó hơn, múa gậy, múa với chuông, múa lồng đèn, múa với mái chèo… Hay thay đổi sáng tạo trong trang phục, không chỉ là váy đầm, mà là trang phục áo dài, áo bà ba, áo tứ thân, các dân tộc: tây nguyên, khơ me… Hay chúng ta có thể tìm hiểu văn hóa văn nghệ nước ngoài: Nga, Nhật, Trung Hoa, Hà Lan… Chúng ta hãy sáng tạo thêm, tìm hiểu thêm, học tập thêm để làm mới mình, giúp các thành viên say mê, hào hứng hơn khi tiếp xúc với những điều mới mẻ, có như thế các em sẽ không thấy tẻ nhạt, rập khuôn.
– Đừng vội nhìn những ưu điểm của người khác mà đánh giá khả năng mình yếu kém. Có thể có nhiều năng lực của bản thân mà bạn chưa khám phá ra, hay có những kỹ năng chưa bao giờ chúng ta rèn luyện. Tôi vẫn nhớ như in cái tiết mục văn nghệ lần đầu tiên tôi thực hiện những ngày đầu tham gia trại Sao Bắc Đẩu ở Nam Cát Tiên. Được phân công nhiệm vụ chuẩn bị và tập văn nghệ cho các em, tôi thật sự rất hoang mang và lo lắng. Lúc đi học, tôi đều tham gia văn nghệ của trường nhưng chỉ là hát, hoặc múa chút ít, nhảy chút xíu. Chưa bao giờ phải thực hiện 1 tiết mục văn nghệ hoàn chỉnh tập cho người khác, mà còn là nhảy cổ động. Tôi không biết phải làm sao và từ chối không nhận, nhưng các anh chị cứ bảo tôi làm đi, đừng lo nghĩ giải thưởng không quan trọng chỉ cần các em vui và gắn bó với nhau là được rồi. Các anh chị cũng khuyên tôi hãy tin vào khả năng của mình. Mang theo một chút chán nản và lo lắng, tôi tìm cách bắt đầu nhiệm vụ được phân công của mình. Nào là phải chọn bài gì, mặc trang phục gì, bông cổ động như thế nào, làm như thế nào hay là mua ở đâu, ngay cả cục bông cầm như thế nào tôi còn chẳng biết và tôi thật sự không hề tin vào bản thân mình như các anh chị đã tin tôi. Tôi lân la theo người này người nọ nhờ chỉ dẫn, nhờ các anh chở tôi lên nhà thiếu nhi xem các em nhỏ tập nhảy, cố gắng chọn những động tác đơn giản, vì lúc đó tôi thấy các em làm rất dễ ngược lại rất phức tạp với tôi. Rồi sau nhiều thời gian sắp xếp, tôi tập lại cho các em thành viên trong tiểu trại, đến ngày lên đất trại vẫn chưa đâu vào đâu, tôi bắt đầu hoang mang, nhưng vẫn động viên các em cố gắng nỗ lực hoàn thành. Cuối cùng giờ diễn cũng đã đến, cảm giác lần này hoàn toàn khác những lần trước khi tôi trên sân khấu, mang trong mình 1 nhiệm vụ khác hơn, mà tôi cho là không khả thi. Rồi điều tôi lo lắng cũng đã đến, dù đã gửi nhạc cho bộ phận âm thanh, nhưng file bị lỗi không đọc được, đĩa CD cũng không chạy. Ngoài sân khấu thầy đã giới thiệu tên tiết mục, nhưng chờ mãi không có ai ra vì chưa mở đúng nhạc. Khán giả bên dưới bắt đầu xôn xao, các anh âm thanh nói thôi anh mở nhạc khác ra nhảy luôn đi em. “Trời, không đúng bài thì sao nhảy được hả anh?” Nhưng rồi không đợi được nữa, tôi cũng phải ra sân khấu trên tinh thần thép là tùy cơ ứng biến để xử lý tình huống. Tôi cố gắng sử dụng những động tác 1 cách hợp lý nhất, mà các em vẫn thực hiện theo được như khi tập. Rôi kết thúc bài cũng tạm ổn, khán giả không nhận ra, tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi mừng vì hoàn thành được công việc, nhưng không hài lòng lắm. Dù các anh chị động viên tôi không sao, nhưng tôi hoàn toàn không tin vào mình. Mãi cho đến khi thầy Toàn nói với tôi trước tập thể rằng: “Phụng đâu? – Dạ, dạ…. – Thầy không nghĩ Phụng có thể nhảy được vậy, bình thường thấy hơi ít nói và trầm tính, lên sân khấu thì lại khác nha”. Tôi nói với thầy tôi còn không nghĩ mình làm được, đến giờ tôi vẫn rất sợ. Nhưng thầy nói tôi phải lạc quan lên và nếu tôi làm được thì thầy nghĩ các bạn khác cũng làm được. Lời khen lúc này của thầy là lời động viên vô cùng lớn với tôi, 1 lời động viên cho thử thách mới mẻ mà tôi vừa mới bắt đầu. Thầy cũng nói rằng nhưng nghĩ lại thì thấy cũng hơi ẹ 1 chút, không sao lần sau cố gắng hơn nha! Tôi cười vì lời khen và lời góp ý vô cùng tế nhị của thầy, nhưng đó cũng là lời động viên mà tôi luôn ghi nhớ khi làm 1 việc gì đó. Nếu không có lời nói đó của thầy, chắc tôi cứ nghĩ mình là con ốc và sống mãi trong chiếc vỏ tưởng tượng do chính mình tạo ra. Từ lúc đó, tôi bắt đầu nỗ lực hơn, cố gắng hơn, để nhận được những lời khen thực sự từ thầy, hay đơn giản là những lời góp ý, những lời khuyên để tôi tiếp tục mang theo trong hành trang cuộc sống.
– Một ngày kia, trong buổi họp tôi nghe thầy gọi: “Minh đâu? – Dạ, dạ – Thời trang nhóm Tiểu Sao của Minh làm rất hay, ý nghĩa đó chứ, các em rất thích – Anh Minh gãi đầu, vì đó là lần đầu tiên anh dàn dựng 1 tiết mục văn nghệ, nhưng anh rất vui khi nhận được lời khen từ thầy – Nhưng coi kỹ còn hơi ẹ cố gắng hơn nha Minh!”.Tôi bật cười, ôi như tôi ngày xưa ấy, thầy thật là vẫn tâm lý quá đi! 6 năm rồi tôi biết thầy đến nay, thầy đã dạy tôi thật nhiều điều. Thầy dạy tôi phải biết nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong công việc, dạy tôi phải thật tự tin, bản lĩnh trong công tác giảng dạy. Thầy dạy tôi phải luôn chăm sóc và nuôi dưỡng giá trị tốt đẹp của con người, dạy tôi hãy dùng cái tâm để đối nhân xử thế, dạy tôi phải biết định hướng và xây dựng hoài bão cho mình. Thầy còn dạy tôi phải luôn tạo ra cơ hội và khẳng định chính mình.Thầy dạy tôi nhiều hơn thế nữa, những điều tôi không thể học được trong bất kỳ sách vở nào, những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhất….Để rồi thầy luôn dõi theo chúng tôi, luôn mong muốn chúng tôi bản lĩnh hơn nữa, trưởng thành hơn nữa. Tôi thật sự rất cám ơn thầy vì điều đó!
– Và rồi cũng như tôi, anh Minh luôn nỗ lực và cố gắng hết mình, đến bây giờ anh vẫn cho ra lò đều đều những tiết mục thời trang của Tiểu Sao vô cùng ngộ nghĩnh và đáng yêu.Vậy bạn còn chờ gì nữa mà không bắt đầu tư duy sáng tạo, để tìm ra những con đường mới và những khả năng mới của mình. Hãy luôn nhớ rằng: “Thử chưa chắc đã thành công nhưng không thử thì chắc chắn sẽ thất bại !”.
- Có thể rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo như thế nào?
– Tập trung 80% trí lực của bạn cho việc quan trọng nhất và 20% hoạt động của bạn cho việc đó. Nên nhớ rằng bạn không thể có mặt ở tất cả mọi nơi, biết hết tất cả mọi người và làm tất cả mọi việc. Và hãy tránh làm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, vì hiệu suất làm việc của bạn có thể giảm đến 40%. Những người có tư duy thông minh thường cảnh giác trước những ý kiến và những loại người khác nhau.
– Có ý tưởng mới chỉ là bước đầu, cần phải theo đuổi ý tưởng đó. Suy nghĩ cũng cần thời gian để phát triển. Đừng vội vàng chấp nhận ngay ý tưởng ban đầu.
Bạn có bao giờ đột xuất nghĩ ra một ý tưởng nào đó lúc 2h sáng, và rồi cảm thấy nó thật nực cười khi thức dậy vào sáng hôm sau? Ý tưởng cần được “định hình cho đến khi chúng trở nên thực tế” và cần phải vượt qua được “bài kiểm tra về độ rõ ràng”.
– Cùng tư duy với người khác sẽ đem lại kết quả cao hơn. Việc này cũng giống như tự vạch ra cho mình một con đường tắt. Đó cũng là lý do vì sao việc brainstorming (vận dụng trí tuệ tập thể để thảo luận tự do về một vấn đề nào đó) lại có hiệu quả. Chối bỏ lối tư duy thông thường (tư duy thông thường chẳng khác nào không tư duy gì cả). Chối bỏ lối tư duy thông thường đồng nghĩa với việc bạn phải cảm thấy thoải mái với những việc không thoải mái. Hãy nhớ rằng, có hàng tá người ngoài kia đã quyết định tự suy nghĩ theo cách của riêng mình, bất chấp sự phản đối của người khác – và chính họ là những người thành công. Những người tư duy giỏi nhất sẽ lập kế hoạch cho tương lai, và có thể bỏ mặc một số việc tự phát triển.
– Khi bạn có tư duy chiến lược, bạn sẽ giới hạn được sai sót của mình. Mơ hồ về việc mình đang đứng đâu và mình muốn làm gì để hoàn thành mục tiêu sẽ chẳng đưa bạn đi tới đâu. Bí quyết để tư duy chiến lược:
- Mổ xẻ vấn đề để phân tích;
- Đặt câu hỏi tại sao cần giải quyết vấn đề này;
- Xác định các điểm mấu chốt của vấn đề;
- Xem lại nguồn lực của mình;
- Phân bổ đúng người vào đúng việc.
Henry Ford từng nói: “Chẳng có việc gì là quá khó nếu bạn mổ xẻ nó ra thành những vấn đề nhỏ hơn.”
– Tìm cách thức mới để làm việc, gặp gỡ những người mới, đọc những quyển sách mà bạn thậm chí từng cho là rất chán. Mấu chốt là không ngại đương đầu với những ý tưởng mới và cách sống mới.Muốn tôn trọng ý tưởng của người khác, bạn phải học cách chấp nhận các ý kiến khác mình.
– Bạn không thể lúc nào cũng cho là mình đúng. Hãy cho những ý kiến khác mình một cơ hội.Suy xét kĩ càng mang đến cho bạn góc nhìn hiệu quả cũng như sự tự tin trong kỹ năng đưa ra quyết định
– Nếu không suy nghĩ thật kĩ, bạn sẽ gặp trở ngại nhiều hơn bạn tưởng. Giống như Socrates đã từng nói: “Sống mà không suy xét thì không đáng sống.” Bỏ những suy nghĩ tiêu cực đi. Người thắng cuộc chỉ nói “Tôi sẽ” và “Tôi có thể”.
– Những người thông minh không nhìn thấy giới hạn, cái họ nhìn thấy là tính khả thi. Ngôi sao bóng chày Sam Ewing từng nói rằng “không có gì xấu hổ bằng chứng kiến người khác làm được những việc mà bạn nói là không thể làm được.”
– Dành thật nhiều thời gian cho các ý tưởng.Họ chấp nhận sự mơ hồ, không sợ thất bại, và gặp gỡ những người có tư duy sáng tạo khác. Luôn luôn lạc quan hiếm khi song hành với tư duy thực tế.
– Nhìn nhận thực tế sẽ giúp bạn tiếp cận một vấn đề đủ sát để giải quyết nó. Sẵn sàng đối mặt với những hậu quả cũng giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, và mang lại cho bạn sự tín nhiệm của mọi người.
– “Ta phải suy nghĩ khác đi, hãy biến những điều mình nghĩ là khác người thành sự thật, hãy suy nghĩ khác đi một chút về những “bản gốc” và biến mình thành những bản sao vô cùng khác biệt và thành một bản gốc mới.
Khi nghe đến tư duy sáng tạo, người ta thường hay nghĩ đến một công trình lớn làm thay đổi thời đại, thay đổi thế giới. Thực tế đâu hẳn vậy!
Tư duy sáng tạo là tài sản quý giá mà tạo hóa ban tặng cho con người. Tư duy sáng tạo tốt có thể mang lại hạnh phúc cho cá nhân, cho cộng đồng, giúp làm đẹp cuộc sống, giúp trẻ con phát huy trí tư ởng tượng và phát triển toàn diện, giúp doanh nhân kết nối giúp đời, giúp những giám đốc thương hiệu tạo ra khái niệm mới, sản phẩm mới phục vụ cuộc sống, giúp giám đốc điều hành doanh nghiệp hiệu quả hơn và tận dụng được năng lực cũng như trải nghiệm của nhân viên …
Chúng ta còn chần chừ gì nữa mà không tiếp tục “tư duy ngoài chiếc hộp” (think out of the box), dám tư duy đột phá, dám hành động, dám thay đổi …
– Cuối cùng, khi giữ vai trò là một thũ lĩnh, các bạn nên nhớ hãy bắt đầu câu chuyện bằng “Chúng ta” hơn là “ Tôi”. Thủ lĩnh phải luôn bình tĩnh và có một tấm lòng rộng mở, nụ cười thân thiện, luôn làm lan truyền tinh thần chiến thắng khiến những người mới đến thích nghi với tinh thần hoạt động của cả nhóm. Tất cả những giá trị đó sẽ xác định vị trí của nhóm sao bằng quá trình hoạt động, đúc kết kinh nghiệm và xây dựng ấn tượng tốt trong tâm trí của phụ huynh, thành viên và được xã hội công nhận.
– Vậy ngay từ bây giờ các bạn hãy bắt đầu tư duy sáng tạo, hãy làm thật khác, suy nghĩ thật khác. Cùng nhau “ Đổi mới – Sáng tạo – Hiệu quả” người thủ lĩnh cần phải biết tạo ra các chương trình sinh hoạt phong phú, hấp dẫn, giúp các thành viên yêu thích sinh hoạt và gắn kết các thành viên với nhau. Trên đây là một số kinh nghiệm tôi đã đúc kết được trong quá trình hoạt động tại nhóm sao, mong rằng nó có thể giúp ích cho các bạn thủ lĩnh.
– Trước thềm năm mới, xin chúc các anh chị BCN – BHL và gia đình một năm mới an khang thịnh vượng. Chúc các anh chị thủ lĩnh luôn có nhiều sáng kiến hay trong các hoạt động, phong trào và trong công tác chuyên môn. Xin kính chúc đại gia đình Sao Bắc Đẩu chúng ta ngày càng phát triển vững mạnh:
“7 NĂM TIẾP BƯỚC TRUYỀN THỐNG”
XÂY DỰNG BỀN VỮNG – PHÁT TRIỂN VỮNG MẠNH