TÌM HIỂU VỀ SAO THUỶ

Tên tiếng Việt của hành tinh này được rập khuôn theo tên do Trung Quốc đặt, chọn dựa theo nguyên tố thủy của Ngũ Hành; chữ Nho viết là 水星. Các văn hóa Tây phương đặt tên hành tinh này dựa vào tên thần Mercury, vị thần của thương mại và liên lạc trong thần thoại La Mã; trong thần thoại Hy Lạp tên của vị thần này là Hermes (Ερμής).

Sao Thủy có một cấu tạo gồm 70% kim loại và 30% chất silicat. Sắtchiếm một tỉ lệ rất lớn trong cấu tạo kim loại của Sao Thủy – tỉ lệ cao
nhất trong các hành tinh của Thái Dương Hệ. Ở giữa tâm của Sao Thủy là
một lõi hình cầu bằng sắt chiếm 42% thể tích của hành tinh và tạo ra từ trường cho hành tinh này, bằng khoảng 1% của Trái Đất. Phần đất và đá ở phía trên của lõi dầy vào khoảng 600 km.

Trước thế kỷ 5 trước Công nguyên, các nhà thiên văn học Hy Lạp cổ đại cho rằng hành tinh này là hai thiên thể khác nhau: một thấy được lúc bình minh mà họ gọi là Apollo, và một thấy được vào hoàng hôn mà họ gọi là Hermes.

Nhiệt độ và ánh sáng từ Mặt Trời

Nhiệt độ trung bình tại bề mặt của Sao Thủy là 440°K, thay đổi từ 90°K đến 700°K. Đây là một sự khác biệt hơn 600°K, trong khi sự khác biệt tại Trái Đất chỉ khoảng 50°K. Sự khác biệt về nhiệt độ trên Sao Thủy rất lớn vì chu kỳ quay quanh trục của hành tinh này rất dài – hơn 58 ngày của Trái Đất – và một bầu khí quyển rất mỏng.

Trung bình một mét vuông trên Sao Thủy nhận 9 lần ánh sáng Mặt Trời nhiều hơn một mét vuông trên Trái Đất.

 Khí quyển

Sao Thủy có một bầu khí quyển cực mỏng, mỏng đến nỗi Sao Thủy được coi như một hành tinh không có không khí. Các phần tử chính của bầu khí quyển là: kali, natri và dưỡng khí (ôxy).

Với một khối lượng quá nhỏ, Sao Thủy không đủ sức bảo tồn bầu khí quyển của nó – các nguyên tử trong bầu khí quyển liên tục bị mất vào trong không gian vì sức hút của trọng lực quá yếu. May thay, những nguyên tử đó được thay thế bằng các nguyên tử khác đến từ sự bức xạ của Mặt Trời, sự bốc hơi của các phần tử nằm trong băng đá hay lòng đất và từ các thiên thạch hay vệ tinh nhỏ khi đập vào Sao Thủy.

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng