tinh thần thể thao

Hôm đó là thi môn bơi và bắt đầu chỉ với 3 vận động viên. Vì lý do nào đó, 2 người không bắt đầu đúng cách, và bị loại. Tức là chỉ còn lại một người thi đấu. Như thế thật là khó khăn, vì chẳng biết thi với ai, dù tất nhiên, điều quan trọng là cái đồng hồ tính giờ đang chạy.

Vận động viên còn lại vẫn lao xuống bể và tôi thấy ngay là có điều gì đó bất thường. Tôi không phải là một chuyên gia về bơi lội nhưng tôi biết cú  nhảy nào là tốt – và cú nhảy của vận động viên vừa rồi là rất kém chất lượng. Khi anh ta nổi lại lên mặt nước, mọi người đều thấy rất rõ ràng là anh ta chẳng có hy vọng gì đạt huy chương – tay anh ta đập loạn xạ theo kiểu tự do hết sức. Đám đông khán giả bắt đầu cười và huýt sáo. Rõ ràng đây không phải là một vận động viên mà họ kỳ vọng được xem.

Đám đông ngày càng cười to, còn anh chàng tội nghiệp thì rõ ràng đang vật lộn ở bể bơi. Cuối cùng, anh ta bơi hết một chiều bể và bắt đầu bơi vòng ngược lại. Trông rất tội nghiệp. Anh ta cuống lên và nhìn rõ ràng là đã mệt đứt hơi. Nhưng ngay lúc đó, khán giả bắt đầu thay đổi.

Họ không còn cười nữa, mà bắt đầu vỗ tay. Một số đứng lên và kêu rất to: “Cố lên, anh sẽ làm được đấy!”, hoặc “Cứ tiếp tục đi”. Tất nhiên, anh ta vẫn tiếp tục.

Một phút nữa trôi qua và anh chàng vận động viên cũng kết thúc được cuộc đua một mình. Khán giả ồ lên vỗ tay. Mặc dù anh lập kỷ lục là một trong những người bơi… chậm nhất trong lịch sử Olympic, nhưng rõ ràng, anh ta đã đặt cả trái tim mình vào cuộc đua, và lẽ ra xứng đáng được huy chương vàng hơn ai hết.

Nếu như bạn còn biết thêm một thực tế nữa: chỉ một năm trước đây, anh ta còn là một người chưa bao giờ biết bơi, chứ đừng nói là đi thi. Đất nước của anh ta được mời tới dự Olympic Sydney chỉ như một vấn đề thủ tục lịch sự.

Nếu bạn từng nhìn thấy những vận động viên tháo huy chương bạc của mình và tỏ ra mình phải xứng đáng được huy chưong vàng; hoặc những vận động viên rất kiêu ngạo trước khán giả, bạn sẽ thấy được xem một vận động viên kém-tiêu-chuẩn như thế này là một niềm vui.

Một vận động viên đã dùng hết tất cả những gì mình có – biết rằng mình không có cơ hội dành huy chương, nhưng vẫn thi đấu vì tinh thần thể thao.

Vận động viên nói đến trong bài là Eric Moussambini, từ đất nước châu Phi bé nhỏ Guinea Xích Đạo. Anh chỉ mới tập bơi vào tháng 1 và luyện tập trong các bể bơi ở mấy khách sạn gần nhà, rồi đến mùa hè năm 2000, anh tham gia Olympic. Một phóng viên đã viết: “Khán giả nín thở, hy vọng anh ta đừng chết đuối, để rồi tặng anh một tràng vỗ tay vang dội. Một truyền thuyết được sinh ra. Anh đã trở thành ngôi sao của kỳ Olympic”.

M.Phụng – Admin

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng