KHU DU LỊCH DAMBRI

Chúng tôi tham gia cuộc hành trình đến khu du lịch Damb”ri vào một buổi sáng
mùa hạ. Sau hơn 4 giờ xe chạy, vùng đất cao nguyên đón chúng tôi với
không khí mát mẻ, trong lành đến kỳ lạ. Từ lầu một của nhà hàng, qua
những tấm kính lớn trong suốt, một bức tranh phong cảnh hữu tình hiện
ra: Hồ nước yên bình uốn lượn với ngút ngàn thông xanh. Sự đa dạng về
khí hậu của mảnh đất hình chữ S này đã cho con người những báu vật vô
giá. Buổi sáng còn chịu cái nắng nóng như rang của vùng nhiệt đới cận
xích đạo, trưa đã có thể tận hưởng không khí mát mẻ của vùng hàn đới cao nguyên. Chúng tôi tiếp nhận nơi ở là những chiếc lều vải mang họa tiết rằn ri nằm ngay ngắn thẳng hàng trên đồi thông. Một chuyến du lịch sinh thái đúng nghĩa. 4 người một căn lều, chúng tôi tập kết đồ đạc ở đó và bắt đầu khám phá nơi đây.

Khu rừng cấm rộng cả ngàn
hecta mở ra trước mắt với những bậc thang được làm bằng đá hoa cương.
Bước xuống những bậc thang đó, chúng tôi hết sức cẩn thận, tay vịn lan
can vì sự ẩm ướt rất có thể sẽ khiến chúng tôi trượt chân. Cái ẩm ướt
trong lành của cây cỏ, tiếng nước chảy xa xa mang lại cho người ta cảm
giác thật dễ chịu. Bụi là cái gì đó thật xa lạ ở nơi đây. Không một
chiếc lá nào dính bụi, sự sạch sẽ này khiến tôi liên tưởng đến khu vườn thực vật ở Singapore.
Một chiếc ban công lớn với lan can sắt giúp chúng tôi có thể đứng ngay
trước mặt cái thác nước lớn chảy ầm ào để hít căng phổi không khí thanh
sạch mang đầy bụi nước.

Ngay dưới kia, cây cầu ba chạc
như lẫn vào sương khói. Đứng ở cây cầu này, bạn có thể tắm với hơi nước
lạnh chảy từ thượng nguồn, ngắm nhìn những vạt hoa dại tím ngắt cùng
nhiều loại cây cỏ hiền lành, để cảm thấy mình thật nhỏ bé và mong manh
trước thiên nhiên. Khi đi qua cây cầu đó, bạn sẽ tưởng như mình đang đi
qua rốn của một cơn bão lớn bởi ngay bên cạnh bạn là thác nước đang đổ
ầm ầm, dưới chân bạn là dòng nước chảy siết. Nếu không muốn quay lại
bằng đường bộ, bạn có thể sử dụng chiếc thang máy với độ cao bằng ngọn
thác – 57m. Tôi cho rằng sau khi đã “đi qua tâm bão”, bạn nên dùng
thang máy trở về để thấy lại cảm giác được an toàn.

Buổi tối diễn ra rất thanh
bình. Bên đống lửa lớn, chúng tôi được thưởng thức phần biểu diễn của
các diễn viên trong đoàn văn công và nhảy múa bên bếp lửa cùng họ,
thưởng thức những củ khoai, củ sắn được lùi trong lửa nóng hổi, thơm
phức. Tan cuộc vui, chúng tôi trở lại túp lều của mình, mỗi người một
tấm chăn, ngủ vùi giữa thiên nhiên cây cỏ và tiếng côn trùng rả rích.
Tôi đã trải qua một giấc ngủ rất sâu, giấc ngủ mà lâu lắm rồi tôi không
có được. Sáng hôm sau, thức dậy cùng cây rừng, tôi lững thững thả bộ
trên con đường dốc quanh co, chợt lẩm nhẩm lời một bài hát rất đẹp:

“Phố núi cao, phố núi đầy sương.

Phố xá thênh thang, lòng khách thật buồn.

Anh khách lạ đi lên đi xuống

May mà có em đời còn dễ thương…”

Hành trình của chúng tôi có một điểm đến rất dễ thương, đó là đồi trà ô-long của công ty Tam Châu. Loại trà ô-long xuất xứ từ Đài Loan vốn rất “đỏng đảnh” trong việc đòi hỏi khí hậu, thổ nhưỡng và sự chăm sóc của con người lại thích hợp với Bảo Lộc. Chúng có thể sinh trưởng, phát triển và trả về cho người lao động nơi đây những giá trị xứng đáng. Giá thành của một kg trà ô-long có thể lên đến hơn 100 USD. Đi trên những con đường mòn đất đỏ bazan,bạn có thể hái được những búp trà xanh về nấu trà tươi, nhưng đừng làm
như vậy khi chưa hỏi ý kiến chủ nhân, bởi đây là giống trà rất khó
tính, nếu chưa đến vụ mà hái thì trà sẽ không đạt chất lượng. Nếu đến
đây, bạn hãy quan sát những tấm biển chỉ dẫn, đừng thấy sân rộng không
cửa mà vội vàng bước qua, đó chính là chỗ để phơi trà, nơi liên tục
được làm vệ sinh sạch sẽ. Nếu dùng nước hoa, mỹ phẩm, bạn đừng nên đến
gần trà và tuyệt đối không đụng tay vào trà. Rất có thể mùi hương của
bạn sẽ làm hỏng cả mẻ trà đấy.

(Thiền viện Bát Nhã)

Điểm đến cuối cùng của chúng tôi là thiền viện Bát Nhã.
Nằm lọt giữa đồi chè, thiền viện có diện tích tới 18ha, là nơi các tăng
ni Phật tử tìm đến nghe thuyết giảng, cũng là nơi có nhiều lớp học tình
thương dành cho các em học sinh nghèo trong vùng. Lẫn trong rừng thông
với những căn nhà sàn gỗ, thiền viện thật huyền hoặc, thanh tịnh. Tại
đây, mọi chuyển động như ngưng lại, bước chân của du khách chợt chậm
dần, tiếng nói khẽ khàng hơn. Nghĩ rằng chỉ vài tiếng nữa mình sẽ phải
rời nơi sống chậm này để trở về về cuộc sống gấp gáp nơi Sài Gòn đô hội, chúng tôi nói với nhau: Giá mà tuần nào cũng được tới đây thì tốt biết mấy.

Theo Thời trang trẻ

Nguồn: http://bnbtravel.wordpress.com/2008/10/22/khu-du-lich-dambri/

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng