NHỮNG NHÀ GIÁO DỤC VIÊN CỘNG ĐỒNG – Thầy Huỳnh Văn Toàn

NHỮNG NHÀ GIÁO DỤC VIÊN CỘNG ĐỒNG
Thầy: Huỳnh Văn Toàn
—————————————
THẦY CỦA NHỮNG NGƯỜI THẦY!
Tác giả: Đoàn Thị Thu Chung
“Trong cuộc đời mỗi con người từ khi được sinh ra đến khi trưởng thành và già đi, mỗi người bạn của chúng ta sẽ có được ít nhất một người thân một người tri kỷ tri ân, người này tất yếu sẽ có sức ảnh hưởng đến bạn và cuộc sống của bạn.” Đối với tôi, ngoài những người thân trong gia đình là những người mang tôi đến với cuộc sống này, tôi may mắn được gặp và tiếp xúc với rất nhiều người ngoài xã hội, với những công việc và cá tính khác nhau, họ đã giúp tôi tô điểm thêm những gam màu đa sắc trong bức hoạ lớn cuộc đời.
Ngày hôm nay, tôi sẽ kể các anh chị và các bạn nghe về một gam màu nổi bật và có ảnh hưởng lớn đối với cá nhân tôi, đã góp phần không nhỏ tạo nên tôi của ngày hôm nay thật tự tin, dạn dĩ và linh hoạt. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, mà không ít anh chị và các bạn nếu đã từng tiếp xúc, làm việc và cũng như lắng nghe những bài giảng cũng sẽ ít nhiều có được những ấn tượng khó phai nhoà, qua từng dáng điệu, cử chỉ, nụ cười và cả những biệt danh vô tình được đặt trong các buổi học. Đó là thầy Huỳnh Toàn – “THẦY CỦA NHỮNG NGƯỜI THẦY” Nhân ngày 20 tháng 11 năm nay tôi xin được khắc họa hình ảnh một người Thầy ở tuổi đời 58 với trên 35 năm một hành trình cùng trẻ thơ và các hoạt động cộng đồng…
Tôi muốn dùng một đoạn của bài hát “Tự nguyện” để nói mở đầu về Thầy:
“Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng,
Nếu là hoa tôi sẽ là một đoá hướng dương,
Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm…”
Ở bất kỳ vai trò và cương vị nào, đối với tôi Thầy vẫn là một người đáng trân quý, bởi lẽ sống mà Thầy chọn, bởi công việc mà Thầy làm, bởi những lời răn dạy mà Thầy dùng để uốn nắn những đứa học trò của Thầy.
Tôi có cơ duyên được gặp Thầy vào một buổi sáng chủ nhật giữa tháng 8, tiết trời thu nhẹ nhàng, gió khẽ đưa từng chiếc lá rơi xào xạc, dưới vòm mây xanh ngắt, bóng những cây cổ thụ làm rợp mát nơi khoảng sân công viên nơi sinh hoạt. Rụt rè, bỡ ngỡ là cảm xúc của tôi lúc ấy. Khi được giới thiệu đến gặp Thầy, ấn tượng đầu tiên có lẽ là nụ cười hiền, từng câu nói dí dỏm và cái bắt tay thân tình. Tôi vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc đã dẫn bước tôi đến với một hành trình dài để học hỏi, rèn luyện và trưởng thành.
16 năm trong hành trình tuổi xuân của tôi thật ý nghĩa, nếu hỏi tôi có tiếc nuối gì không, tôi sẵn sàng trả lời là “Không!”. Còn tiếc nuối gì khi tôi đã có được quá nhiều điều đáng giá. Tôi có được một đại gia đình yêu thương và sẵn sàng chia sẻ, dìu nhau vượt qua những khó khăn, cùng chung một lí tưởng, một mục tiêu mang đến những giá trị sống tích cực lan toả đến cộng đồng.
Thầy tôi – Huỳnh Toàn, một cái tên khi nhắc đến sẽ có rất nhiều lứa học trò tranh nhau đã từng được là học trò của Thầy. Một cái tên thương hiệu, không nhầm lẫn vào đâu được bởi cái cách mà Thầy để lại dấu ấn trong lòng của những người đã tiếp xúc thật đặc biệt. Cái Thầy cho đi không chỉ là những bài học trên bục giảng, mà nó còn là những câu chuyện rất đời, những món quà nhỏ nhỏ mà ai đã từng học sẽ chuyền tai nhau “Học Thầy Toàn lúc nào cũng có quà…” và thứ đặc biệt nhất chính là ngọn lửa nhiệt huyết, ngọn lửa của tình yêu nghề, của tình yêu quê hương đất nước và công tác Đoàn – Hội – Đội, công tác sinh hoạt cộng đồng.
Tôi thấy mình may mắn, vì không chỉ được là học trò mà còn được đồng hành cùng Thầy trên con đường “Truyền lửa”, theo Thầy rong ruổi trên những chuyến xe bất kể ngày hay đêm, chỉ cần Thầy nghe nơi ấy cần Thầy, cần được tiếp lửa. Hành trình của tôi và Thầy càng dài cũng là lúc tuổi Thầy đã nhiều thêm, tóc nhuộm gần như bạc cả mái đầu, nhưng khi Thầy say mê với công việc thì chỉ như thanh niên tuổi đôi mươi. Các anh chị ít khi nào đoán đúng tuổi thật của Thầy, và hay đùa nhau rằng “Chỉ cần giao cho thầy sỉ số lớp, cái micro, cây đàn organe, thì chỉ có học trò mệt chứ hổng thấy Thầy mệt…”, Thầy có thể làm việc với cường độ cao suốt một tuần liên tục, những lớp giảng dạy, hành trình trò chơi lớn, đêm giao lưu lửa trại, hay trại huấn luyện luôn có các anh chị, các học trò mong chờ sự xuất hiện của Thầy, bởi họ thích cái cách mà Thầy giữ lửa, cách mà Thầy cung cấp những kiến thức chuyên môn với hình thức trò chơi, hay chương trình văn hoá nghệ thuật cây nhà lá vườn, tất cả nhưng điều ấy tạo nên thương hiệu riêng biệt mang tên “Huỳnh Toàn”.
Tôi được Thầy ưu ái gọi là “Đệ tử”,và ngược lại tôi thường gọi thầy là sư phụ… một danh xưng mà không phải đứa học trò nào cũng được gọi. Trong những chuyến công tác, Thầy và trò có dịp trò chuyện nhiều hơn, từ chuyện đời, chuyện nghề và những câu chuyện cuộc sống. Mỗi câu chuyện đều để lại cho tôi một bài học sâu sắc về cách nhìn nhân sinh quan, về cách mà Thầy đối mặt, từ đó có cái nhìn lạc quan hơn, lấy đó làm động lực mỗi khi muốn chùn bước trên hành trình cuộc sống. Một trong những câu nói của Thầy mà tôi luôn ghi nhớ “Làm việc phải có áp lực, chịu được và vượt qua áp lực thì mới giỏi, mới trưởng thành”, chính vì thế tôi đã và đang từng ngày vượt qua từng thử thách, áp lực để giỏi hơn, mạnh mẽ và rắn rỏi hơn.
Thầy cũng như tất cả mọi người, cũng có mái ấm nhỏ của riêng mình, nơi mà Thầy trở về sau những chuyến công tác ngắn hay dài ngày, chờ đón Thầy là cô con gái mà Thầy dành hết tình yêu thương và người vợ hiền đứng sau thành công của Thầy. Nhưng mấy ai biết rằng, Thầy và cô đã có những khoảnh khắc rơi nước mắt, cùng tựa vai nhau vượt qua những bất hạnh mà cuộc đời mang đến, bằng tất cả sự cố gắng mang đến một cuộc sống đầy đủ cho cô con gái thiếu may mắn của mình. Tôi muốn kể một chút về cô gái nhỏ này, Xuân Thảo – Cái tên mang hơi thở của hoa cỏ mùa xuân, tràn đầy sức sống, em không giống các bạn, không thể tự đi trên đôi chân của mình, nhưng em chính là một đoá hoa nghị lực, nguồn năng lượng của em có thể làm những người xung quanh cảm thấy vui theo, bởi nụ cười, cách nói chuyện lanh lợi và hài hước. Và bên cạnh em, có một người mẹ hiền, sẵn sàng bên cạnh, bầu bạn và là điểm tựa, đồng hành cùng em trong cuộc sống. Cô Hạnh, hậu phương vững chắc của Thầy, để Thầy yên tâm trong những chuyến công tác xa nhà, một người phụ nữ nhỏ bé nhưng tinh thần chẳng nhỏ bé chút nào. Tôi gần gũi với gia đình Thầy, trân quý và nể phục Thầy cô vì nghị lực vươn lên, đây cũng chính là bài học lớn mà những người trẻ như tôi cần học hỏi.
Nếu để tôi kể những câu chuyện về Thầy có lẽ không biết kể đến bao giờ mới hết. Nhưng câu chuyện tôi muốn kể lúc này chính là câu chuyện Thầy Huỳnh Toàn và Đại gia đình Sao Bắc Đẩu. Bởi vì tôi biết đến Thầy từ mái nhà chung này, khi ấy Sao Bắc Đẩu nhỏ bé lắm, chẳng ai nghĩ rằng ngôi nhà nhỏ ấy giờ đây đã được xem như mái nhà chung của thanh thiếu nhi yêu thích hoạt động cộng đồng. Khi nhắc đến Sao Bắc Đẩu người ta thường nhớ đến ngay tên Thầy Huỳnh Toàn, bởi đây chính là tâm huyết là ước mơ của Thầy. Thầy đã có những ngày mất ngủ khi nghĩ đến việc duy trì sự tồn tại của Tổng Đoàn, Thầy mạnh dạn, quyết đoán thay đổi đột phá khi mang Sao Bắc Đẩu ra truyền thông để được nhiều người biết đến hơn, Thầy rèn dũa và đặt niềm tin ở những lứa học trò đầu tiên mãi đến 16 năm sau này để có một đội ngũ thủ lĩnh kế thừa thật sự “Có tâm” và “Có tầm”. Thầy thường nhắc nhở chúng tôi “Không được chủ quan, vì chủ quan sẽ nhận lấy thất bại”, đó như lời thức tỉnh mà mỗi chúng tôi phải luôn ghi nhớ để lấy làm hành trang cho bản thân mình.
Trái ngọt ngày hôm nay Thầy hái chính là kết quả của những hạt giống năm xưa Thầy đã gieo trồng và chăm sóc. Thầy thường dạy chúng tôi rằng “Chúng ta là những nhà giáo dục viên cộng đồng, những nhà giáo đặc biệt mang đến những kiến thức không có ở trường lớp, không có bảng đen phấn trắng, không có bảng vàng bia đá ghi công, nhưng điều chúng ta mang lại là những giá trị vô cùng đặc biệt và không phải ai cũng có thể làm được”. Đúng thật vậy, giữa cuộc sống bộn bề những lo toan cơm, áo, gạo, tiền, ngày cuối tuần ai cũng mong muốn có thời gian dành cho gia đình, cho những người thân yêu… Nhưng đối không chỉ riêng Thầy, mà còn có cả chúng tôi, Sao Bắc Đẩu là nhà, những thành viên chính là những người thân, người thương, là gia đình mà chúng tôi luôn yêu quý. Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi rằng “Mỗi thành viên trong Tổng Đoàn là một viên gạch, đa sắc, đa hình nhưng tất cả dùng để xây nên ngôi nhà chung Sao Bắc Đẩu”, mỗi người chúng tôi đến đây từ nhiều nơi khác nhau, nhiều nghề nghiệp và tính cách khác nhau, nhưng tất cả những việc chúng tôi làm ngày hôm nay chỉ vì một mục tiêu là mang đến một sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu nhi yêu thích hoạt động cộng đồng. Tôi hiếm khi thấy Thầy xúc động, nhưng những lần bắt gặp những cảm xúc của Thầy chính là vào thời khắc Thầy nói về Sao Bắc Đẩu, tất cả những gì Thầy có được ở nơi đây Thầy đều xem là một thứ tài sản quý giá nhất cần được gìn giữ và trân trọng. Có lẽ vì vậy mà chẳng bao giờ sân sinh hoạt vắng bóng Thầy, mặc dù lịch dạy, lịch công tác có xa đến đâu thì bằng mọi giá Thầy cũng phải về. Thế nên, hình ảnh người Thầy với bộ đồng phục chỉnh tề và cái balo quen thuộc ở một góc ghế đá công viên Tao Đàn buổi sớm tinh mơ chính là hình ảnh đẩu tiên trong ngày sinh hoạt của tất cả các thành viên Tổng Đoàn Sao Bắc Đẩu. Thầy chỉ cần ngồi đó, đáp lại lời chào của chúng tôi bằng cái vẫy tay, bằng nụ cười hay những câu hỏi vu vơ về các đề tài học tập, cuộc sống thường ngày nhưng cũng đủ làm ấm lòng mỗi thành viên.
Khi tôi viết nên bài viết này, thật sự tôi cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu và kết thúc thế nào, bởi có quá nhiều những việc tôi đã được trải qua cùng với Thầy. Tôi chỉ muốn kể với tất cả các anh chị và các bạn rằng, tôi vinh dự và hạnh phúc thế nào khi được là “Đệ tử” và gọi thầy là “Sư phụ”. Tôi của ngày hôm nay đã khác rất nhiều những năm trước đây, bởi ngọn lửa trong tôi luôn được thắp sáng bởi Thầy, một “Người truyền lửa” của các thế hệ Thanh thiếu nhi không chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh mà còn của các tỉnh thành trên cả nước. Mỗi nơi Thầy đi qua, mỗi con người mà Thầy gặp gỡ dường như đều có một mối liên kết thật đặc biệt.
Khó mà quên được hình ảnh một người Thầy, dáng người thấp, cái bụng tròn và những giờ lên lớp vui tươi nhưng mang đến một khối lượng kiến thức thực tế rất bổ ích. Một người Thầy với lối sống giản dị, gần gũi nhưng có một ý chí, nghị lực vô cùng lớn. Tôi cảm nhận được tất cả những tình cảm yêu thương và kính trọng mà từng lứa học trò dành cho Thầy – Một người “Thầy của những người Thầy”
“Ai rồi cũng bước qua cuộc đời,
Để lại những hành trang nơi đây,
Thế giới sẽ thật đẹp nếu như một ngày,
Ta mỉm cười buông tay ở dưới tán cây mình gầy…”
Trích bài hát “Người gieo mầm xanh” – Tác giả: Hứa Kim Tuyền.
Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, chính vì vậy hãy đương đầu và chấp nhận dẫu kết quả dịu ngọt hay đắng cay. Hãy sống cuộc đời của mình, sống tích cực đời sẽ vui. Và Thầy đã sống một cuộc đời thật đẹp, thật rực rỡ và ý nghĩa.
Tháng 11 lại về, tháng tôn vinh và tri ân những người làm nghề giáo. Xin phép được thay mặt cho tất cả các anh chị và các bạn, những người đã được là học trò, là đệ tử của thầy, chúc Thầy mãi luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết để tiếp tục thắp sáng cho nhiều thế hệ học trò đang mong chờ được tiếp thu những bài học từ Thầy.
“Hãy cứ làm việc đáng khen, chứ đừng làm việc để người ta khen” – Huỳnh Toàn. Với vai trò là một thành viên Tổng Đoàn Sao Bắc Đẩu, là thế hệ kế thừa tiếp theo con xin được cảm ơn Thầy đã răn dạy và dìu dắt con đến ngày hôm nay. Cho con niềm tin và sức mạnh, thôi thúc và động viên con tiếp tục bước trên con đường mình đã lựa chọn, trở thành một nhà giáo dục viên cộng đồng. Con sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để tiếp sau con sẽ còn thật nhiều thế hệ kế thừa có đủ tài năng và tâm đức. Con mong Thầy có thật nhiều sức khoẻ để cùng chúng con viết tiếp hành trình mà chúng ta đã có được trong hơn 16 năm vừa qua. Và điều mong muốn lớn hơn là hành trình này sẽ không bao giờ kết thúc. “Một ngày là Sao Bắc Đẩu – Mãi mãi là Sao Bắc Đẩu”
Chia sẻ bài viết lên: