THƯ PHÁP VIỆT NGÀY XUÂN

Khi mà những đoá mai rực vàng khoe sắc, đường phố trở nên đông vui rộn ràng, không khí ngày xuân lan toả khắp nơi, đó đây ta lại bắt gặp những câu liễng đối: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” hay như “Tân niên hạnh phúc bình an tiến/ Xuân nhật vinh hoa phú quý lai”… phải là những kiểu chữ được viết bằng bút lông, mực tàu thì mới mang được cái hồn của chữ Việt, những câu chữ thư pháp ấy như tô điểm thêm hương sắc ngày xuân.‎

Phong trào viết thư pháp ở tỉnh ta, trong những năm gần đây có sự phát triển, số người đam mê và tìm đến với nghệ thuật thư pháp ngày càng đông. Chúng tôi đến gian hàng thư pháp Thoại Lý ở thành phố Long Xuyên vào những ngày xuân, đây là thời điểm mà cô Thoại Lý bận rộn nhất, rất đông khách đến gian hàng để “xin chữ đầu năm”. Nhìn những nét chữ thanh thoát và mềm mại của cô khi đặt bút viết:

 “Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ/ Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường” (Trời thêm tuổi mới người thêm thọ/Xuân khắp đất trời phúc mọi nhà) chúng tôi không khỏi trầm trồ thán phục!

Bày tỏ những cảm nhận của mình về nghệ thuật thư pháp, Cô Thoại Lý tâm sự: “Thư pháp nghiêng về tinh thần tâm cảm vì thế phải đi vào từng con chữ để tạo hồn chữ. Thư pháp có vẻ đẹp bên ngoài và bên trong vì thế mỗi khi viết tác phẩm dồn hết cả tâm pháp vào hồn nét chữ để những người thưởng lãm có ý thức sống tốt đẹp hơn từ những lời cổ nhân”‎

Chữ thư pháp được thể hiện trên những chất liệu như: giấy dó, vải nhung, mành tăm trúc, đá, gỗ… Những chất liệu vô tri vô giác ấy khi được thổi hồn chữ vào thì trở nên vô cùng sinh động.

Những bức tranh chữ thư pháp rất có giá trị và đáng được trân trọng, khi đặt vào bối cảnh mùa xuân, giá trị của thư pháp lại càng được tăng lên. Ngày Tết là ngày mọi người được nghỉ ngơi sau một năm làm việc, ngày đoàn tụ gia đình, ông bà, cha mẹ, con cháu cùng sum vầy, có được bức tranh thư pháp treo trong nhà sẽ tạo không khí ấm cúng và nội dung của những con chữ thư pháp là lời răn dạy của các bậc hiền nhân về đạo lý làm người, qua hồn chữ Việt, lời dạy ấy sẽ thấm sâu hơn vào tâm thức của cháu con.

Bác Bùi Văn Mùi, một cán bộ lão thành đã về hưu, cho chúng tôi biết về ý nghĩa của những bức tranh thư pháp trong ngày Xuân, bác nói: “Mấy người con có hiếu với cha mẹ nên mua tặng bác bức tranh thư pháp với nội dung: đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ gian khổ cả cuộc đời không gánh nặng bằng cha. Bức thư pháp có ý nghĩa lớn bày tỏ lòng kính trọng cha mẹ đã nuôi dưỡng ra mình, ngoài ra bạn bè con cháu đến nhà chơi, nhìn thấy bức tranh sẽ khắc sâu và làm được những điều như bức tranh thư pháp đã nêu ra. Trong khung cảnh Tết, bức tranh thư pháp tạo ra trong gia đình một cái Tết yên lành sống trong vui tươi hạnh phúc”.

Trong bối cảnh đất nuớc đang hội nhập đi lên, với một nhịp sống vô cùng sôi động, hối hả, tuổi trẻ cũng có những phút lắng lòng tìm về với những truyền thống, nét đẹp văn hóa tinh thần của dân tộc. Giờ đây, ở tỉnh ta, những “Ông đồ” thế hệ 8X đã xuất hiện. Họ là những người trẻ trung năng động nhưng cũng rất tinh tế trong sự cảm nhận về nghệ thuật truyền thống. Họ cũng sắm sửa “văn phòng tứ bảo” tập tành viết thư pháp và cũng có dịp trổ tài viết thư pháp tặng bạn bè và bày gian hàng thư pháp ra cả lề đường để viết cho mọi người.

Trao đổi với chúng tôi về niềm đam mê nghệ thuật thư pháp, những “Ông đồ 8X” chia sẻ: “Thư pháp là lối viết chữ đẹp mang hồn chữ Việt mình rất đam mê. Với niềm đam mê đó, mình đã tập viết từ 7 năm nay. Khi viết cố gắng tạo lối chữ riêng sắc nét. Người thưởng thức khen mình thì lấy đó làm niềm vui để bước tới hoàn thiện hơn đối với nghề…”. Đó là tâm sự của bạn Trần Minh Hạnh, cựu sinh viên Đại học An Giang. Giờ đây, Minh Hạnh làm việc ở Công ty xây dựng cổ phần Ngọc Hầu. Mặc dù công việc có phần bận rộn, thế nhưng bạn vẫn đeo đuổi niềm đam mê thư pháp, và trong dịp Tết vừa rồi Minh Hạnh có hẳn một gian hàng thư pháp ở lòng hồ Núi Sập, Thoại Sơn.

Còn “Ông đồ” Huỳnh Hoàng Bảo, Sinh viên DH6C2 thì quan niện rằng: “ Thư pháp thuộc phạm trù mỹ học mà cái đẹp thì ai cũng hướng đến. Mình đến với thư pháp đã 3 năm nay, học chủ yếu qua sách vở, và trao dồi cùng các bậc đàn anh. Ở trường có mở cuộc thi, mình được giải nhất, từ đó khuyến khích niềm đam mê và là động lực để mình rèn luyện nét bút”. Và trong những ngày Xuân này, Bảo có một gian hàng thư pháp tại quán cà phê Phố. Bạn luôn tâm niệm rằng phải giữ được nét đẹp văn hoá ấy, cố gắng làm cho phong trào thư pháp phát triển và viết là để rèn luyện mình và mang ý nghĩa cho cuộc đời.

Vâng, khó có thể phủ nhận được những giá trị mà thư pháp mang lại cho đời sống tinh thần của chúng ta. Và cũng không có gì là quá đáng khi chúng tôi gọi họ, những “ông đồ” ngày nay, là “những người giữ hồn chữ Việt”.

Nghệ thuật thư pháp sẽ luôn song hành cùng nhịp sống của con người. Nó góp phần làm cho chúng ta bớt đi những bận bịu lo toan thường nhật. Ngày Xuân, tản mạn cùng thư pháp để được thanh thản tâm hồn, mở rộng lòng mình đón lấy ánh nắng ban mai dịu nhẹ và tận hưởng dư vị mùa xuân lan toả khắp đất trời…

“Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” Mãn Giác Thiền sư thì còn gì thi vị bằng!(Chớ tưởng xuân tàn, hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một nhành mai). Ngày Xuân, nếu ai đó có nhã ý viết thư pháp tặng ta hai câu thơ của Mãn Giác Thiền sư thì còn gì thi vị bằng.

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng