Ý NGHĨA CÀNH MAI NGÀY TẾT

Người dân Việt Nam thường thích chọn cây mai thờ cúng và trang trí trong nhà vào ngàyTết không phải là điều ngẫu nhiên. Hình ảnh cây mai nở rộ trong ngày đầu xuân là bài học đạo lý đối với mọi người và mọi nhà. Cây mai dãi nắng dầm mưa trong lòng đất Việt Nam cũng là hình ảnh tiêu biểu cho những phẩm chất tinh thần cao quý của người dân Việt trong quá trình đấu tranh và lao động xây dựng cuộc sống qua nhiều thế hệ. Cây mai vàng Việt Nam có địa vị trong thơ Thiền thời đại Lý Trần, nó là hình tượng cao quý ẩn dụ cho khả năng tiếp nhận  chân lý của con người.

Cây mai gắn bó với làng quê ruộng vườn xứ sở Việt Nam, gắn bó với con người từ lúc tổ tiên khai đất lập làng để sinh sống. Cây mai chịu đựng gió mưa lụt bão để có thể nở hoa vào dịp tết, đó là hình ảnh tượng trưng cho người dân Việt vượt mọi gian khó để gìn giữ quê hương nòi giống và sống đời có ý nghĩa.

Như cây mai vàng rễ cắm sâu trong lòng đất, không bị ngã trước gió bão, con người Việt Nam dù ở đâu cũng gìn giữ đạo lý ân nghĩa và cội nguồn văn hóa tốt đẹp của tổ tiên.

Như cây mai vàng đứng trước thời tiết nghiệt ngã, vẫn sống bền bỉ theo năm tháng vươn mình ươm chồi nẩy lộc, người Việt Nam dù bất cứ ở đâu cũng nhẫn nại và can đảm trước mọi hoàn cảnh để xây dựng cuộc đời.

Như cây mai vàng trút những chiếc lá già cỗi cuối đông, nhường cho chồi non và hoa vàng nở đầu xuân, người Việt Nam dù bất cứ ở đâu cũng sống hy sinh cho thế hệ con cháu tương lai.

Như cây mai vàng gìn giữ nhựa sống sâu kín trong thân tạo sức sống mạnh khỏe để hoa nở đầu xuân, người Việt Nam dù ở đâu cũng gìn giữ đạo lý trong tâm, tu nhân tích đức để sống có ích cho mình và cho mọi người.

Cây mai sống qua bao năm tháng với thời tiết khắc nghiệt vẫn âm thầm chịu đựng dẽo dai, xuân về dâng cho đời bông hoa xinh đẹp. Hình ảnh đó xứng đáng là nét tượng trưng cho phẩm đức  nhẫn nại và sự hy sinh cao cả của tổ tiên trong quá trình lao động xây dựng quê hương và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc.

Từ khi tổ tiên lập nước và giữ nước,thành lập chế độ làng xã, đã chú trọng vấn đề giáo dục đạo đức. Mỗi tên của làng xã cho đến tên tỉnh thành mà tổ tiên đặt ra đều mang dấu tích lịch sử và luôn tâm nguyện cho con cháu đời sau sống an lành.  Nhiều làng xã trên quê hương Việt Nam đều có ngôi chùa, ngôi chùa từ thời đầu tiên như là thay thế cho trường học ngày nay để dạy lễ giáo và cũng là nơi tin ngưỡng chung cho mọi người. Khắp ba miền Nam, Trung, Bắc ở Việt Nam, mỗi làng xã đều có nhà thờ họ, nhà thờ nhánh, đình làng và miếu xóm lập lên để tỏ lòng tri ân đối với ông bà tổ tiên cũng như những anh hùng hào kiệt có công với dân với nước. Hằng năm, con cháu trong làng quê đi làm ăn hay sinh sống khắp nơi, thường trở về làng quê thăm cha già mẹ yếu, thăm mồ mã ông bà, tu chỉnh gia phả, ôn lại lời dạy của các bậc tiền bối để tri ân và báo ân.

Cây mai trong sân chùa ở làng quê Việt Nam được xem là hình ảnh quan trọng trong văn học Phật Giáo thiền thời đại Lý Trần. Trong tuệ giác của các bậc thánh nhân, hình ảnh cây mai sống trong sương mai nắng chiều, sống qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông mà nở hoa đó là năng lực sống nhiệm mầu. Nó xứng đáng là biểu tượng cho trạng thái thân tâm vô nhiễm trong cuộc đời này. Thiền sư Mãn Giác làm bài thơ “Cáo tật thị chúng” với hình ảnh cây mai vàng đã gửi gắm tinh thần siêu việt tiềm ẩn trong khả năng của con người. Đó là năng lực sống tự chủ và  trí tuệ. Trí tuệ ấy là tầm nhìn tổng quát trong mọi hoàn cảnh thăng trầm của cuộc sống, vượt qua mọi ràng buộc ước lệ thời gian và không gian trong thế giới hiện tượng. Nội dung bài thơ như sau:

 

 “Xuân đi trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa cười.

Việc đời qua trước mắt,

Già đến trên đầu rồi!

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Ngoài sân đêm trước một cành mai.” 

 

Hai câu thơ đầu như nói chuyện về thời gian, cảnh vật và thời tiết vốn có trong đời.  Hai câu thơ tiếp như lời tâm sự chân tình về sự việc đến đi liên quan trong cuộc đời ngắn ngủi của con người. Tất cả đó diễn ra trong sân khấu cuộc đời luôn biến đổi, mọi hiện tượng sự vật đang trong trạng thái: thành, trụ, hoại, không. Con người cũng nằm trong quy luật: Sanh, già, bệnh chết.  Hạnh phúc sau cùng là sống với cái tâm chân thật không bị điên đảo trước mọi hiện tượng cám dỗ của cuộc đời. Cuộc sống quanh năm dù nghèo khổ hay giàu sang phú quý, khó khăn hay thuận lợi cũng quan niệm như cảnh huyễn mộng mà thôi.

Cái đạo lý siêu nhiên chứa đựng trong ý nghĩa hai câu sau: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, Ngoài sân đêm trước một cành mai.”  Đừng tưởng rằng xuân tàn hoa rụng là hết, vẫn còn có cành mai vàng đang nở ngoài sân. Ngay trong hiện tượng đang sanh diệt còn có chân tâm không sanh diệt.  Cành mai như là một thông điệp cảnh tỉnh mọi người đang sống trong trường đời thay đổi, hiện tượng sanh già bệnh chết là điều tất yếu trong kiếp nhân sinh. Bản tâm thanh tịnh vô nhiễm, cái chân lý tối hậu để thoát khỏi mọi khổ đau sanh tử.

Hoa mai vàng là loại hoa tiêu biểu để thờ cúng và trang trí trong nhà vào dịp Tết, cũng như là trình bày bài học đạo lý uyên thâm cho đời. Cành mai ngày Tết là hình ảnh ẩn dụ cho sức sống và trí tuệ của con người Việt Nam. Quán chiếu hình ảnh cành mai để thấy rõ nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc để báo ân tổ tiên và quê hương xứ sở.  Quán chiếu hình ảnh cây mai ngày Tết để nhận thức ý nghĩa cuộc đời. Tất cả mọi hiện tượng thành tựu bởi vọng thức sau cùng cũng bị đào thải bởi quy luật sanh diệt với thời gian, trở về với chân tâm không sanh không diệt để có được hạnh phúc vĩnh hằng.

 M.Phụng – Admin

 

 

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng