| NHỮNG NHÀ GIÁO DỤC VIÊN CỘNG ĐỒNG |
Anh: Phan Minh Thành
– – – – – – – – – –
CHÂN DUNG MỘT NGƯỜI THỦ LĨNH TIÊU BIỂU
Tác giả: Quách Tú Nhi
Trên đời này, chỉ cần là làm đúng thì bao nhiêu cũng gọi là đủ! Chỉ cần là lao động chân chính thì công việc nào cũng gọi là đáng được trân trọng. Những con người tình nguyện và góp sức cho một tập thể, một cộng đồng thì còn gọi là “Những nhà giáo dục viên cộng đồng”, nói thân mật hơn đó chính là những người thủ lĩnh của Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu.
Là hình ảnh của một người tình nguyện dám nghĩ và dám làm, hơn thế nữa là hình ảnh của một người thủ lĩnh dám nói lên tiếng nói của mình, dùng những điều mình có chia sẻ lại cho mọi người xung quanh mà không hề nghĩ gì về lợi ích bản thân… Bài viết này tôi dành tất cả tình cảm chân thật nhất để mô tả về giá trị của một người thủ lĩnh – một nhà giáo dục viên cộng đồng, từ những góc nhìn của cá nhân tôi và những điều tôi đã liên kết được từ những người anh, người chị đi trước qua các buổi sinh hoạt bằng những bài học quý báu. Về người anh Phan Minh Thành – Chủ nhiệm Sao Bắc Đẩu Hoàng Văn Thụ – một người thủ lĩnh khá tiêu biểu và xuất sắc, tôi có 5 cụm từ để diễn tả: Tự – Học – Biết – Sẻ chia – Nhận. Và 5 cụm từ này cũng là những điều mà tôi nghĩ một người thủ lĩnh cần có.
Từ đầu tiên tôi chọn đó là “Tự”. Tự trong tự nguyện, tự giác và tự làm. Anh Thành tự nguyện dành một phần thời gian của mình để đến với Sao Bắc Đẩu để sinh hoạt, học tập, chia sẻ và trau dồi những kỹ năng của bản thân. Cả tuần đều đi làm, có lẽ không ai trong số chúng ta lại không muốn mình được ngủ thêm tí nữa, mệt mỏi thì ai cũng có nhưng chúng tôi thì lại không chọn như thế! Dậy sớm một chút để ra ngoài công viên chơi cùng các bạn nhỏ, trò chuyện và học được thêm nhiều điều mới. Anh Thành cũng thế, cả tuần vẫn có công việc riêng của mình nhưng anh vẫn dậy thật sớm, chỉn chu nhất và chạy ra công viên để lấy vật dụng cần thiết cho buổi sinh hoạt. Nhưng đâu ai biết được những vật dụng trong kho nào là loa, ổ cắm điện, cột cờ, bàn và ghế… Ai làm sẽ hiểu nó khá nặng và vất vả, vì phải đem từng món một ra chất lên xe và đẩy ra nơi sinh hoạt để lên vật dụng cho ngày hôm đó. Công việc có hơi nặng và vất vả nhưng bản thân tôi chưa từng nghe anh than phiền một câu, dù là một mình anh vẫn tự làm. Nếu tự làm được thì anh Thành chắc chắn sẽ làm. Đi sớm về trễ nhưng chưa thấy anh nghỉ ngày nào, trừ khi có việc quan trọng. Một hành động tuyệt vời mà một người thủ lĩnh cần có và có lẽ chúng tôi những đàn em đi sau nên học hỏi từ anh Thành.
Từ thứ hai tôi chọn để nói về anh Thành đó chính là “Học”. Anh Thành là người luôn luôn tiếp nhận những điều đóng góp từ người khác, học hỏi và trau dồi kiến thức kỹ năng cho bản thân. Tôi biết anh Thành cũng khá lâu, từ khi anh còn là thủ lĩnh đứng nhóm và tôi chỉ là một thành viên đi sinh hoạt bình thường nhưng qua thời gian từng năm anh học hỏi và rèn luyện bản thân, tập cho mình thêm nhiều kỹ năng như kỹ năng nói, kỹ năng nút dây, đầy đủ mọi thứ thì nay anh đã là Chủ nhiệm của Sao Bắc Đẩu Hoàng Văn Thụ. So với những năm trước thì bây giờ anh Thành giỏi lắm, đầy đủ kỹ năng và khác hẳn trước, anh tự tin và năng động hơn. Anh Thành học kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, không ngừng học hỏi và phát triển bản thân để cải thiện kỹ năng làm việc, đạt được thành tích tốt hơn. Đó là yếu tố không thể nào thiếu của một người thủ lĩnh hay một nhà giáo dục viên cộng đồng. Luôn học hỏi và cập nhật những kiến thức mới thì mới có thể chia sẻ với các bạn nhỏ một cách hiệu quả nhất. Và tôi tin rằng tất cả các thủ lĩnh tại Sao Bắc Đẩu cũng sẽ như thế, luôn học hỏi và trau dồi kiến thức kỹ năng cho bản thân mình để thay đổi theo từng ngày. Học và hỏi cho mình thêm nhiều kinh nghiệm quý báu thì không bao giờ là thừa.
“Biết” sẽ là từ thứ ba tôi chọn. Biết điều, biết kính trọng và biết đủ. Biết điều là biết làm mình vừa lòng và biết làm người khác hài lòng. Bài thi nâng bậc Hướng dương 4 của anh Thành kỳ công và đầy đủ những kiến thức và kinh nghiệm thực tế mà anh đã thu thập trong vài tháng trời. Có lẽ đó là bài thi anh Thành dành cả tâm huyết và làm nó trọn vẹn nhất, chắc hẳn khi ai cầm lên cuốn giáo án anh soạn sẽ biết vì sao anh Thành lại đạt thủ khoa. Anh luôn làm mọi công việc hoàn thiện một cách tốt nhất theo khả năng của mình và làm người khác tin tưởng cũng như hài lòng về sản phẩm và giá trị anh tạo ra. Anh Thành biết những điều mình làm là gì và biết mình phải làm gì cho bản thân, cho gia đình và cho những người xung quanh. Anh làm tròn trách nhiệm của một người Chủ nhiệm phải làm. Một nhà giáo dục viên cộng đồng biết mình là ai, và biết điều mình làm là gì thì đó mới chính là thành công thực sự. Cái biết thứ ba đó chính là biết kính trọng. Con người ai cũng cần biết tôn trọng và kính trọng những người tiền bối, những người thầy người cô, các anh chị đã đi trước và hướng dẫn cho mình. Anh Thành luôn biết tôn trọng thầy cô và các anh chị đi trước, bởi lẽ tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình. Anh không phân biệt ai với ai mà đối xử với mọi người xung quanh một cách tử tế nhất. Ở Sao Bắc Đẩu, các bạn thủ lĩnh trẻ cũng như thế, luôn luôn tôn trọng và đối xử với nhau một cách tử tế nhất, và thân thương hơn, chúng tôi gọi nó là ngôi nhà thứ hai.
“Sẻ chia” là một cụm từ không thể nào thiếu với Sao Bắc Đẩu. Vì sao mà nó lại là cụm từ không thể nào thiếu? Đó là vì mỗi tuần để buổi sinh hoạt được diễn ra thì các thủ lĩnh đều phải lên loa, micro, cột cờ, bàn tiếp nhận và nội dung cho từng nhóm mà điều đó thì không thể nào làm một mình! Chúng ta cùng san sẻ những công việc cho nhau, mỗi người một việc, người dựng lều, người lên cờ, người thì âm thanh, còn người thì lên băng rôn… Người việc này, người việc kia, không làm nhiều thì làm ít, san sẻ công việc cho nhau để ai trong chúng ta cũng đều nhận được niềm vui và nhiều năng lượng tích cực mà công việc cũng giảm bớt đi. Sẻ chia công việc cho nhau để hoàn thiện nhanh chóng và góp phần tạo thành công cho buổi sinh hoạt hôm đó, chia sẻ để chúng ta vượt qua những khó khăn và thử thách để mọi người không cảm thấy đơn độc giữa cộng đồng. Anh Thành cũng vậy, là người Chủ nhiệm tận tâm và hết mình với cương vị, vừa làm vừa đùa với các em, truyền năng lượng tích cực cho các bạn thủ lĩnh khác. Trong nhóm cũng vậy, khi các bạn hay các em gặp khó khăn anh Thành vẫn sẽ giúp đỡ nhiệt tình. Trong cuộc sống, năng lượng tích cực sẽ khiến chúng ta làm được những điều lớn hơn.
Từ cuối cùng tôi chọn là “Nhận”. Người ta thường hay nói cho đi để nhận lại. Anh Thành biết đủ với những gì mình có, không kiêu và xem thường người khác. Bởi lẽ anh Thành nhận được sự tín nhiệm của thầy cô và sự yêu thương quý mến từ các bạn thủ lĩnh và các em nhỏ trong câu lạc bộ. Anh Thành tôn trọng người khác và nhận lại được sự tôn trọng của người khác đối với mình… Biết trân quý những gì mình làm thì anh lại nhận được một thành quả xứng đáng. Trao đi yêu thương sẽ nhận lại được sự yêu thương của mọi người.
Nhà giáo dục viên cộng đồng, họ là những người có trách nhiệm với những gì mình làm, có tiếng nói cá nhân, họ dũng cảm đối mặt với khó khăn, luôn dấn thân và không ngừng phát triển bản thân, giúp cho các bạn nhỏ tự tin hơn, năng động hơn, sáng tạo hơn thông qua những bài học mà họ đã tích lũy từ cuộc sống và đem vào bài học thực tế.
Từng chặng đường đi qua là những bài học vô giá mà ta tích lũy được, đều là những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi trẻ chúng ta trải qua. Sao Bắc Đẩu cũng là một phần kỷ niệm trong thanh xuân của mỗi người thủ lĩnh năng động – sáng tạo – nhiệt huyết. Hãy cứ làm những điều mình thích và yêu những điều mình làm, trân trọng những gì mình có và trao đi yêu thương mọi điều tốt sẽ đến.
Đó là những gì mà tôi cảm nhận được khi đến với câu lạc bộ và về người anh, người Chủ nhiệm mà tôi tôn trọng, ngưỡng mộ vì những gì anh đã cống hiến cho Sao Bắc Đẩu. Cuối cùng, cảm ơn tập thể những người thủ lĩnh thầm lặng đã không ngại khó thức đêm, chuẩn bị chỉn chu mọi thứ để cho các em một buổi sinh hoạt và học tập ý nghĩa nhất, biết ơn vì mọi người đã không ngừng cố gắng và nỗ lực xây dựng câu lạc bộ như hôm nay, cảm tạ vì những bài học quý báu từ các anh chị đã hướng dẫn để tôi thay đổi suy nghĩ và trưởng thành hơn… Những người thủ lĩnh đó là thủ lĩnh Sao Bắc Đẩu!