THỦ LĨNH XUẤT SẮC TIÊU BIỂU NĂM 2013 – ANH NGUYỄN HÙNG SƠN

Bài Sáng Kiến Kinh nghiệm

TÁC ĐỘNG CỦA TÂM LÝ TẬP THỂ

ĐỐI VỚI CÁ NHÂN

Hùng Sơn Thủ Lĩnh Chòm Sao Thiên Hậu

Con người từ khi sinh ra và lớn lên đã không tồn tại và hoạt động một cách riêng lẻ mà luôn gắn mình vào các nhóm xã hội, bởi vì hoạt động và giao tiếp trong nhóm là nhu cầu không thể thiếu của con người. Để nhóm tồn tại bền vững và phát triển thì một nhân tố đóng vai trò then chốt đó là bầu không khí tâm lý trong nhóm. Trong một tập thể bầu không khí tâm lý càng tích cực bao nhiêu, sự tương quan giữa các cá nhân càng tốt bao nhiêu, càng thân thiện với nhau bao nhiêu thì kết quả hoạt động của nhóm, tập thể đó càng tốt bấy nhiêu, sự gắn kết trong nhóm càng bền vững, ý thức trách nhiệm của mọi người trong việc xây dựng và bảo vệ nhóm càng tốt bấy nhiêu. Nghiên cứu tâm lý trong tập thể cung cấp cho chúng ta cơ sở giúp tập thể phát triển toàn diện đồng thời giúp cho từng cá nhân trong tập thể phát triển hoàn thiện về mặt nhân cách. Bên cạnh đó việc nghiên cứu tâm lý tập thể còn giúp cho người đứng đầu nhóm có những phương pháp lãnh đạo, tổ chức và xử lý những vấn đề nảy sinh trong tập thể đạt hiệu quả cao. Với ý nghĩa như vậy, tôi chọn đề tài “Tác động của tâm lý tập thể đối với cá nhân” để có thể chia sẻ kinh nghiệm mà tôi đã quan sát ở nhóm Tiểu sao 3, Sao Thiên Vương và ứng dụng vào thực tế sinh hoạt của chòm sao Thiên Hậu mà tôi phụ trách.

 

Chòm sao Thiên Hậu tập hợp những thành viên chủ yếu ở lứa tuổi lớp 7 và lớp 8 có đặc điểm hạn chế là :

 

– Chủ yếu là những thành viên mới vào sinh hoạt nên còn dè dặt, ít chủ động, mối quan hệ với các thành viên khác còn rời rạc.

 

– Có thành viên mắc bệnh chậm phát triển nên sự hợp tác giữa các thành viên trong nhóm  chưa tốt.

 

– Đặc điểm chung của tâm lý các bạn nhóm chòm sao là còn ngại trước đám đông, ít tham gia các hoạt động tập thể chỉ sinh hoạt nội trong nhóm của mình.  

 

– Tính tự giác chưa cao.

 

Bên cạnh những hạn chế là những thận lợi

 

– Sự trưởng thành của thành viên đã sinh hoạt lâu năm.

 

– Có sự nhận thức tốt của một số thành viên mới.

 

Để giải quyết được những hạn chế nêu trên tôi đã ứng dụng mô hình giáo dục cá nhân thông qua sinh hoạt tập thể để giúp các thành viên thay đổi nhận thức và điều chỉnh hành vi cuộc sống.

 

Thông qua tập thể tác động đến tính cách từng cá nhân

 

Quá trình tham gia hoạt động vui chơi sinh hoạt trong tập thể các mối giao lưu với bè bạn cùng tuổi, lớn tuổi, cùng giới hoặc khác giới, cùng hoạt động với các cá nhân khác, cùng chơi và cùng học, cá tính và các phẩm chất đạo đức của các em dần dần được bộc lộ cả mặt tốt và xấu. Với kinh nghiệm và sự từng trải còn hạn chế các em chưa thể tự đánh giá và điều chỉnh bản thân một cách chính xác do vậy sự hướng dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp của anh chị thủ lĩnh là hết sức quan trọng. Khi sinh hoạt vui chơi nếu các thành viên thực sự là chủ thể, được phát huy hết khả năng tự quản trong tập thể sẽ tạo ra tính chủ động tích cực giải quyết được những mâu thuẫn từ cái chưa biết đến biết, chưa hứng thú đến hứng thú, từ rụt rè đến mạnh dạn… Đối với những thành viên có tính cách sôi nổi thì người thủ lĩnh cần biết phát huy các phẩm chất hăng hái, nhiệt tình, khả năng lôi cuốn người khác của họ vào các hoạt động tập thể. Đối với những thành viên có tính cách linh hoạt thì người thủ lĩnh cần biết sử dụng các ưu điểm của họ như: năng động, khả năng làm việc tốt, tư duy nhạy bén, lạc quan, dễ hoà nhập với mọi người… Đặc biệt là phải giao cho họ những công việc phù hợp với sở thích với họ, những công việc mà họ cảm thấy hấp dẫn.

 

Với mỗi thành viên mới khi bắt đầu tham gia sinh hoạt để nắm bắt sơ tính cách tôi thường cho tự giới thiệu bản thân trước nhóm. Qua những buổi tham gia sinh hoạt và cùng tham gia trò chơi với các bạn tính cách các thành viên mới được bộc lộ rõ nét từ đó tôi có những giải pháp phù hợp với tính cách cộng với sự tác động của các thành viên khác giúp thành viên mới hòa nhập với chòm một cách dễ dàng.

 

Thông qua tập thể giáo dục nhân cách thay đổi hành vi

 

Quan hệ bạn bè bình đẳng, tôn trọng khiến các em thấy thoải mái, tự tin mạnh dạn thể hiện thái độ, hành vi của mình đối với những hoàn cảnh cụ thể, đồng thời các em cũng có nhu cầu nhận xét, bình luận về các cách ứng xử của bạn bè, của người lớn, tự rút ra những chuẩn mực về đạo đức. Các kết luận này đúng sai đến mức nào còn tùy thuộc vào tính chất tích cực hay tiêu cực của nhóm bạn và sự định hướng của người giáo dục. Trong quá trình sinh hoạt, thành viên vừa có đạo đức nhân cách tốt, vừa được bạn bè tín nhiệm lại được giữ các nhiệm vụ lãnh đạo tập thể hoặc là “linh hồn” của nhóm bạn sẽ tác động tốt tới các em khác, đặc biệt những em cá biệt có thái độ và hành vi đạo đức kém. Đối với những em này các hoạt động tập thể mà ở đó tinh thần đồng đội, tính trung thực, hợp tác… được đề cao sẽ có tác dụng tích cực trong việc chuyển biến những hành vi phù hợp với đạo lý và những chuẩn mực chung. Có một sự trái ngược là trong quan hệ với người lớn các em tỏ ra ương bướng, song với các bạn các em lại rất tin cậy và có xu hướng bắt chước nhau nhất là trong những nhóm bạn thân thiết. Càng tổ chức được nhiều hoạt động đa dạng chúng ta càng tạo điều kiện cho các em có cơ hội tốt hòa mình vào các hoạt động chung của tập thể, thông qua những hoạt động đó các em thể hiện đầy đủ các phẩm chất, năng lực, ý chí của bản thân đồng thời nhận được những tác động qua lại hết sức phong phú từ các cá nhân khác. Các nhân tố này là cơ sở giúp các em từng bước hình thành các phẩm chất nhân cách cao đẹp, biết loại bỏ, tránh xa những tác động xấu.

 

Một trong các hình thức giáo dục nhân cách mà tôi thường làm là hình thức nêu gương trước tập thể. Qua phân tích những việc đã làm được, những sự tiến bộ của cá nhân từng thành viên trong tập thể từ đó làm gương cho các bạn trong chòm sao ý thức được và cùng làm theo.                                         

 

Thông qua tập thể rèn luyện tính tự giác

 

Hoạt động có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của lứa tuổi thiếu niên, song chúng ta không thể áp đặt đơn thuần một phương thức hoạt động nhất định cho mọi tập thể, cá nhân mà cần dựa vào những đặc điểm của tập thể hay những đặc điểm về năng lực, khí chất của mỗi thành viên. Từ đó vận dụng một cách linh hoạt các loại hình hoạt động dựa trên nguyên tắc đối xử cơ bản: tôn trọng cao, từng bước mạnh dạn giao phó trọng trách cho các em nhưng vẫn chiếu cố, bao dung những thiếu sót của các em, hỗ trợ, giúp đỡ một cách kín đáo, tế nhị. Trong hoạt động vui chơi tập thể chỉ có tự quản tính chủ động tích cực tư duy của các em mới phát triển. Năng động sáng tạo chỉ có thể được nảy nở, phát triển khi bản thân các em thực sự là chủ thể của hoạt động.   

 

Tác động của tập thể đối với thành viên chậm phát triển có hiệu quả rõ rệt. Dưới tác động của tập thể thành viên chậm tiến có sự thay đổi trong nhận thức, ngôn từ diễn đạt, nghe lời những anh chị thủ lĩnh không còn những hành động tự phát, nói chuyện với các bạn một cách cởi mở, cùng các bạn tham gia một vài trò chơi đơn giản.

 

Tóm lại sinh hoạt tập thể là một hoạt động giáo dục quan trọng. Hai yếu tố quan trọng của tập thể có ý nghĩa giáo dục lớn là nội dung sinh hoạt và dư luận tập thể. Nội dung sinh hoạt tập thể hợp lý, với kỷ luật nghiêm, hoạt động có kế hoạch, có tổ chức và nề nếp tạo nên thói quen sống có văn hóa, hình thành ý chí và nghị lực. Dư luận tập thể lành mạnh luôn trợ giúp con người nhận thức những điều tốt đẹp, điều chỉnh hành vi cuộc sống có văn hóa. Trong cuộc sống tập thể, các cá nhân cùng nhau hoạt động, tinh thần đoàn kết, tình thân ái, tính hợp tác, cộng đồng được hình thành, đó là những phẩm chất quan trọng của nhân cách. Trong sinh hoạt tập thể, một mặt các cá nhân tác động lẫn nhau mặt khác là sự tác động của nhà sư phạm qua tập thể, tạo thành tác động tổng hợp có tác dụng giáo dục rất lớn. Tập thể vừa là môi trường vừa là phương tiện giáo dục con người.

 

 M.Phụng – Admin

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng

Ngân hàng câu hỏi thi nâng bậc năm 2024

X