HÃY THEO ĐUỔI ƯỚC MƠ

Ngày ba mất, rồi mẹ mất, tôi khóc nhiều nhưng không vật
vã. Tôi khóc vì thương, vì nhớ ba mẹ mà thôi. Song khi con tôi bắt đầu
đi học, có lúc tôi khóc vì hối hận đã không bày tỏ tình yêu thương với
ba mẹ nhiều hơn.

Hôm con làm lễ chia tay trường mẫu giáo, tôi nôn nao
đến dự để thấy con sắp “trưởng thành”. Thế mà ngày trước, khi mẹ muốn
được đến trường xem tôi nhận bằng tốt nghiệp đại học, tôi lại từ chối vì
lỡ hứa với nhóm bạn đi liên hoan sau buổi lễ. Giá như tôi biết cách yêu
thương ba mẹ, tôi sẽ đưa mẹ đi cùng để mẹ được thấy con gái xúng xính
trong chiếc áo choàng cử nhân, để mẹ được chụp hình và khoe với hàng
xóm.

Con tôi đi chơi xa vài ngày, ham chơi nên chẳng gọi
điện thoại về nhà. Tôi ngóng, tôi trông rồi tủi thân, hờn giận. Trong
cơn hờn giận ấy, tôi khóc khi nhớ đến dáng mẹ ngồi, ngóng tôi về thăm
nhà vào những buổi chiều đã hẹn (vì tôi ở bên chồng). Giá như tôi biết
cách yêu thương ba mẹ, tôi sẽ bớt những buổi chiều la cà ăn uống để về
nhà với mẹ nhiều hơn, chỉ nói với mẹ dù chỉ đôi câu hoặc thậm chí là
nghe mẹ cằn nhằn.

Tôi bị cảm, con trai đến bên sờ trán hỏi han. Tôi thấy
hạnh phúc nhưng lập tức lại nhớ đến hình ảnh gầy gò của mẹ ngồi một mình
trên chiếc ghế đá bệnh viện, mà vì tôi bận đi làm nên chẳng thể túc
trực. Giá như tôi biết cách yêu thương ba mẹ, tôi sẽ đến bên mẹ mỗi
ngày, ít nhất là chỉ để nắm tay mẹ, để mẹ bớt cô đơn.

Không muốn con phải hối hận như mình, tôi đã dạy con
cách chăm sóc những người mình yêu thương. Khi ba đi làm về trễ, con
phải lấy nước mời ba uống và phụ mẹ xuống bếp chuẩn bị cơm cho ba. Khi
ba mẹ làm việc nhà, con phải cùng phụ giúp. Khi con đi chơi xa, luôn
phải biết nhớ đến người ở nhà. Đến gần ngày sinh nhật ba mẹ, con phải tự
suy nghĩ món quà và lời chúc để tặng…

Những lúc được yêu cầu làm các việc như thế, con trai
tôi thắc mắc “Sao mẹ không làm giùm con, con còn nhỏ mà”. Tôi đã giải
thích để con hiểu yêu thương phải đi cùng với sự quan tâm và chia sẻ, ba
mẹ yêu thương con, con cũng yêu thương ba mẹ và cần thể hiện tình cảm
đó bằng những hành động cụ thể chứ không chỉ bằng lời nói “con thương ba
mẹ lắm”.

Tôi vẫn mong với những cố gắng của mình, sau này lớn
lên con trai sẽ không trách tôi “đã không dạy con cách yêu thương ba
mẹ”. Liệu cách nghĩ của tôi có đúng trong thời buổi hiện đại, ít con nên
gia đình nào cũng xem con là vật báu? HƯƠNG GIANG (Tuổi trẻ Online)

Trích đăng: Hoa Mướp Đắng

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng

Ngân hàng câu hỏi thi nâng bậc năm 2024

X