Ý NGHĨA NGÀY 9/1 – TRẦN VĂN ƠN

Trần Văn Ơn (1931 – 1950) tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Thuở nhỏ, Ơn theo gia đình lên sống tại Sài Gòn, khu Hòa Hưng.

Cha Ơn, ông Trần Văn Nghĩa, là một nhân sĩ có tinh thần yêu nước. Hầu hết các anh chị của Ơn đều tham gia cách mạng, có người là liệt sĩ như chị Trần Thị Lễ, công an xung phong, hy sinh năm 1948. Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra thì Ơn đã bước vào tuổi 15 – cái tuổi cũng đã biết nhận thức được một số vấn đề của hiện thực cuộc sống đang diễn ra hàng ngày trước mắt.

Không khí sôi sục của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, những ngày độc lập ngắn ngủi diễn ra trên thành phố quê hương, rồi giặc Pháp mưu toan trở lại, cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta bắt đầu với những chết chóc, tàn phá diễn ra khắp nơi. Đám bạn bè của Ơn, kẻ bị giặc bắt, đứa bỏ thành ra bưng biền đi theo “các anh”, đứa mất tích ở phương trời nào…

Tất cả những sự kiện ấy đã gợi lên trong đầu óc non trẻ của cậu học sinh Trần Văn Ơn bao điều suy nghĩ, khi cắp sách trở lại trường trong vùng giặc chiếm đóng. Hơn nữa, Trần Văn Ơn cũng dần dần phát hiện ra rằng, dưới ách thống trị của giặc, thành phố Sài Gòn không phải chỉ có cam chịu mà còn có sự vùng lên bất khuất, được biểu hiện qua các phong trào quần chúng chống lại bạo quyền, bao gồm đông đảo các tầng lớp nhân dân, từ những bác thợ ở xưởng máy đến người tiểu thương ở các chợ, từ những người đạp xích lô đến các ký giả, nhà văn, từ em bé bán báo đến học sinh, sinh viên… Trong cuộc đấu tranh chống bọn xâm lược và tay sai, có không ít tiếng nói của những trí thức tiêu biểu như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kỹ sư Lưu Văn Lang… và cả một số người Pháp tiến bộ.

Vốn sẵn tư chất thông minh và nhạy cảm, cậu học sinh Trần Văn Ơn không những đứng đầu lớp liên tục trong nhiều niên học, được thầy yêu bạn mến, mà còn là một cột trụ của phong trào học sinh yêu nước của Trường Pétrus Ký. Trong lúc Ơn chuẩn bị thi tú tài, thì ngày 23-11-1949 ở Sài Gòn nổ ra cuộc bãi khóa của học sinh đòi “Trả tự do cho những học sinh bị bắt”, “Phản đối chính sách khủng bố học sinh trong học đường”. Phong trào như một đám cháy lớn đã nhanh chóng lan ra các tỉnh Mỹ Tho, Cần Thơ và được học sinh, sinh viên Huế, Hà Nội hưởng ứng…

Ngày 9-1-1950, ở Sài Gòn nổ ra một cuộc biểu tình lớn của hàng ngàn học sinh kéo đến dinh của thủ tướng bù nhìn Trần Văn Hữu, đòi phải thả ngay các học sinh, sinh viên bị bắt. Trần Văn Ơn là một thành viên trong Ban lãnh đạo sinh viên, học sinh trong cuộc đấu tranh này. Nhiều phụ huynh học sinh cũng tham gia vào cuộc biểu tình. Trước đòi hỏi chính đáng đó, Trần Văn Hữu không những không đáp ứng, mà còn đe dọa nếu đến 12 giờ trưa không giải tán sẽ bị đàn áp.

Quá 12 giờ, theo lệnh Pháp, Trần Văn Hữu cho công an, cảnh sát dùng lựu đạn cay, ma trắc, vòi rồng đàn áp tàn nhẫn cuộc biểu tình. Học sinh, sinh viên chống trả quyết liệt. Thấy không có kết quả, bọn chúng nổ súng vào đoàn biểu tình. Nhiều em học sinh ngã gục trước những làn đạn khủng bố. Trần Văn Ơn bị trúng đạn trong lúc đang cùng một người bạn khiêng nữ sinh Tạ Thị Thâu của Trường Gia Long bị bọn cảnh sát ngụy đánh ngất. Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 9-1-1950. Xác Trần Văn Ơn được đưa về bệnh viện Chợ Rẫy, được lực lượng học sinh cùng các y bác sĩ, công nhân ở bệnh viện túc trực canh không cho bọn địch phi tang.

Cái chết của Trần Văn Ơn đã gây nên một niềm xúc động lớn và một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong học sinh, sinh viên và các tầng lớp đồng bào đô thị.

Bàn thờ Trần Văn Ơn được đặt ngay tại Trường Pétrus Ký nghi ngút khói hương với dòng người viếng nối nhau liên tục. Hơn 300 vòng hoa của các đoàn thể công nhân, tri thức, công chức, nghệ sĩ, nhà báo, học sinh choáng ngập cả một quãng lớn sân trường. Trong các vòng hoa phúng điếu, đáng chú ý có vòng hoa của một nhóm người Pháp tiến bộ mang dòng chữ “Soldats démocrates” (Chiến sĩ dân chủ).

Ngày 12-1-1950, đám tang Trần Văn Ơn được cử hành trọng thể. Một biển người đông gần nửa triệu đã kết chặt hàng ngũ tiễn đưa người liệt sĩ trẻ tuổi về nơi an nghỉ cuối cùng. Theo báo Thần chung (số ra ngày 14-1-1950) hưởng ứng đám tang Trần Văn Ơn, các hiệu buôn người Việt, người Hoa, người Ấn, các hãng tư khác hôm ấy đều đóng cửa, các loại xe rước người đi đưa đám tang không lấy tiền, hàng mấy trăm phu xích lô tình nguyện chở hơn 300 vòng hoa. Hai đại biểu học sinh ở Trung và Bắc cũng đáp máy bay vào dự tang lễ.

Đám tang Trần Văn Ơn, trong thực tế đã trở thành cuộc biểu dương lực lượng của đồng bào yêu nước Sài Gòn – Chợ Lớn, có giá trị làm thức tỉnh mạnh mẽ tinh thần dân tộc. Điếu văn của đại biểu học sinh, sinh viên có đoạn: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngày 9 tháng 1, ngày mà anh Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã vui lòng đem xương máu, sinh mạng của mình đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm. Tinh thần bạn Trần Văn Ơn bất diệt!”.

Từ đấy, ngày 9-1 được lấy làm Ngày kỷ niệm của học sinh, sinh viên tranh đấu trong toàn quốc hàng năm. Tháng 3-2000, Trần Văn Ơn được Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng