Y TẾ CỘNG ĐỒNG – KHẮC PHỤC SAY TÀU XE

Các bạn và phụ huynh thân mến! Trong những dịp các bạn cùng Sao Bắc Đẩu đi cắm trại – Dã ngoại hay cùng gia đình đi tham quan, nghĩ mát, du lịch, nhiều bạn đôi lúc bị say tàu, xe do những mùi hôi khó chịu, máy lạnh, cú thắng, cú sốc trên đoạn đường gây ra… Chứng bệnh này tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng gây phiền toái trong cuộc sống cho nhiều người, họ rất khó khăn khi đi xa, đi du lịch… Sao Bắc Đẩu cùng Bác Sỹ Nguyễn Hoàng Nam sẽ giúp các bạn và gia đình hiểu rõ được căn nguyên của hiện tượng này và những biện pháp khắc phục.

Vì sao bạn bị say tàu xe?

Đã có lần bước lên xe bạn bị lảo đảo, chóng mặt, đau đầu, nôn thốc nôn tháo, mặt mũi tái xanh, sau chuyến đi bạn có thể phát ốm. Thật là một phiền toái khiến bạn khó thực hiện được những chuyến đi xa, làm cho công việc, thậm chí là những cuộc du lịch bị hạn chế. Vậy vấn đề này là gì?

Trong hoạt động hằng ngày chúng ta quen đi lại trên mặt đất bằng, nhưng không quen với sự tròng trành khi đi tàu, xe. Sự thay đổi phương hướng và tốc độ vận động khác nhau đều gây kích thích không tốt cho cơ quan tiền đình ở tai trong. Sự kích thích này mạnh đến một mức nào đó sẽ làm cho một số người chịu không nổi rồi dẫn đến tình trạng váng đầu, buồn nôn và nôn.

Tai của con người chia làm 3 bộ phận: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Đầu xương của tai trong có một cơ quan điều tiết thăng bằng vị trí của cơ thể con người là cơ quan tiền đình. Cơ quan này thông qua thần kinh tiền đình nối liền với thần kinh trung khu. Dưới sự chi phối của hệ thống thần kinh trung khu, tiền đình khéo léo điều tiết sự thăng bằng tư thế của cơ thể con người khi đi máy bay, tàu thuyền hoặc các loại xe cộ, do sự dao động tròng trành làm cho cơ thể thay đổi tư thế không có quy luật, kích thích cơ quan tiền đình của tai trong. Nếu khả năng thích ứng tốt thì không sao nhưng với những người do cơ quan tiền đình quá mẫn cảm, kém thích ứng với sự thay đổi vị trí cơ thể không có quy tắc rồi gây ra hiện tượng say tàu, say xe.

Bên cạnh do cơ quan tiền đình thì say tàu, xe còn có phản xạ thần kinh của các cơ quan nội tạng truyền về đại não. Các yếu tố như ăn quá no, quá đói, mệt mỏi, bực bội, mất ngủ, không khí ô nhiễm, hay sự mẫn cảm với các mùi đặc biệt như mùi xăng ôtô, khói thuốc lá, mùi các loại mồ hôi trên tàu, xe đông đúc; tàu, xe lâu không được khử mùi… cũng gây ra sự đau đầu, buồn nôn cho một số người.

Hạn chế chứng say tàu, xe thế nào?

Thông thường những người ít đi tàu, xe hay lần đầu tiên đi tàu xe dễ bị chứng bệnh này hơn những người phải đi lại nhiều lần. Biện pháp tốt nhất là tập luyện trong một thời gian dài hoặc ngồi tàu, xe nhiều lần để nâng cao khả năng thích ứng của cơ quan tiền đình đối với vận động không có quy tắc này. Đối với những người không có cơ hội đi tàu, xe trong thời gian dài thì việc thường xuyên tham gia rèn luyện thể lực có tác dụng hỗ trợ cho việc điều tiết thăng bằng vị trí của cơ thể, như các môn vận động vòng lăn, bàn đu dây, cầu trượt, xà đơn, xà kép, nhào lộn trên đệm… đều có thể nâng cao khả năng thích ứng của tiền đình đối với sự thay đổi vị trí cơ thể không có quy tắc.

Đối với những người say tàu, xe không phải do tiền đình mà do mùi, do yếu tố tâm lý hay tình trạng quá no hoặc quá đói thì phải khắc phục được những nguyên nhân này. Nếu do mẫn cảm với mùi xăng, mùi mồ hôi nên chọn những chiếc xe chất lượng tốt, được vệ sinh sạch sẽ, có thể ngửi những mùi dễ chịu như ruột bánh mì, vỏ cam, quýt, gừng. Khi đi tàu, xe cũng đừng nên ăn quá no hoặc quá đói, ăn nhiều những thức ăn khó tiêu như dừa, trứng, lạc. Tình trạng stress cũng làm bạn nôn nao, do vậy phải tạo một cảm giác thoải mái khi bước lên tàu, xe. Cười, nói vui vẻ cũng hạn chế được rất nhiều chứng say tàu, xe, do vậy nên nói chuyện vui vẻ với những người xung quanh sẽ khắc phục được vấn đề này. Chính vì vậy mà nhiều người khi đi tàu, xe không có người quen thân thường dễ bị say dù là đi một đoạn đường ngắn, nhưng đi chơi với bạn bè, gia đình dù trải qua một chặng đường dài, được cười nói vui vẻ họ vẫn khỏe mạnh bình thường.

Hiện nay đã có rất nhiều loại thuốc say tàu, xe được sử dụng, có thể gây buồn ngủ hoặc không. Để sử dụng thuốc có hiệu quả người bị chứng bệnh này cần nói rõ mức độ say của mình để bác sĩ cho thuốc phù hợp. Muốn thuốc có hiệu quả nên uống trước khi lên tàu, xe 30 phút.

Theo BS. Nguyễn Hoàng Nam

Chia sẻ bài viết lên:
Đóng